Thứ sáu, 29/03/2024 03:37 (GMT+7)

4 năm, hơn 90 cán bộ cấp cao bị xử lý: Bài học về lựa chọn nhân sự

MTĐT -  Thứ ba, 05/05/2020 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị xử lý, kỷ luật đó là điều đau xót.

Đảng ta là một Đảng mạnh

Thưa ông, ông đáng giá như thế nào về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay?

- 90 năm từ khi ra đời và phát triển, Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. 

PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư (ảnh IT)

Điều này được thể hiện ở chỗ, từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, 1 Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã ban hành hơn 124 văn bản liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng.

Những con số trên cho thấy Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng. Một điểm mới ở nhiệm kỳ này là Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết xem việc thực hiện Nghị quyết, quy chế, quy định được tăng cường, có nhiều điểm mới…

Có thể nói, nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng đã được tập trung đẩy mạnh, và khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém lâu nay. Ví dụ, như trong công tác cán bộ, yếu kém từ khâu đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng. Hay vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, chủ trương này đã có từ lâu, nhưng các nhiệm kỳ trước thực hiện không được bao nhiêu, trong nhiệm kỳ này, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII đã được đẩy mạnh, kết quả là chúng ta đã, đang và tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đến nay có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã thu được kết quả rất quan trọng. Chúng ta đã làm với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có xu hướng giảm. Kết quả đã điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Đảng.

Như ông đã phân tích, có thể khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng ta rất cao và đã tạo được những dấu ấn mạnh. Đáng chú ý, việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”?

- Đúng vậy! Từ đầu nhiệm kỳ tới nay chúng ta đã điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hơn 90 cán bộ cao cấp thuộc diện BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật. 

Hàng loạt cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý đã bị xử lý, kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay.

Có lẽ chưa bao giờ chúng ta kỷ luật nhiều cán bộ như vậy. Ngay trong khóa này đã có 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khởi tố trước pháp luật và hiện nay đang chấp hành án tù, trước đó người này đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư. Gần đây nhất, 1 Ủy viên Bộ chính trị đã bị kỷ luật cảnh cáo và một số Ủy viên T.Ư, nguyên Ủy viên T.Ư cũng bị xử lý, kỷ luật.

Kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là đã ngăn chặn, đẩy lùi được một bước tình trạng tham nhũng, được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh một cách toàn diện. Và niềm tin của nhân dân ở Đảng cũng ngày càng được nâng cao.

Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, và có phương thức lãnh đạo Đảng phù hợp. Đó là những điểm cốt lõi chúng ta cần lưu ý.

Ba thành TP lớn thay Bí thư “giữa đường” là đáng buồn

Việc xử lý hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý trong 4 năm qua, đặc biệt ở 3 TP lớn của cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã phải thay đổi nhân sự Bí thư “giữa đường”...  Việc này nói lên điều gì, thưa ông? 

- Việc kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý là điều đau xót. Đảng ta không muốn kỷ luật nhiều như vậy, nhưng thực tế buộc phải làm.

Vừa rồi, phải thay Bí thư của 3 TP lớn là hiện tượng đáng buồn. Thể hiện ở chỗ khâu sàng lọc cán bộ, mà sâu xa là khâu đánh giá cán bộ, kiểm tra, giám sát cán bộ lâu nay làm chưa thật tốt. Khuyết điểm của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội và nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM có từ những năm trước đây, chứ không phải sau khi được bổ nhiệm Bí thư mới để xảy ra sai phạm. Điều đó cho thấy chúng ta đã không làm tốt khâu đánh giá, sàng lọc cán bộ. Đó là khuyết điểm cần nhìn nhận rõ.

Song, theo tinh thần Hồ Chí Minh: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Trong bối cảnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta đã mạnh dạn thay 3 Bí thư Thành ủy, điều đó cũng thể hiện Đảng ta là một Đảng mạnh. Nếu một Đảng yếu, không có bản lĩnh thì sẽ không làm được điều này.

Nhìn lại con số hơn 90 cán bộ cấp cao bị kỷ luật thời gian qua cũng cho thấy Đảng ta là một Đảng mạnh. Đảng ta dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, và biết sửa chữa khuyết điểm, trong việc nhìn nhận một bộ phận cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ tiêu chuẩn và đã kịp thời thay thế để địa phương phát triển thì đó là một Đảng mạnh.

Thực tế như những gì chúng ta đang thấy, tình hình tại một số địa phương có cán bộ sai phạm như ở Đà Nẵng, TP.HCM sau khi Đảng bố trí Bí thư mới thì tình hình ở các địa phương này đang chuyển biến tốt. Như ở TP.HCM, nhân dân bức xúc trong nhiều năm về vấn đề Thủ Thiêm, nhưng với quyết tâm cao, chúng ta đã mạnh dạn, sửa chữa khuyết điểm, xử lý cán bộ có sai phạm. Hay ở Đà Nẵng, liên quan đến doanh nghiệp, cán bộ, 2 đồng chí nguyên Chủ tịch UBND TP cũng đã bị xử lý kỷ luật, phải đưa ra tòa xét xử. Điều đó cũng thể hiện Đảng ta đúng là một Đảng mạnh theo tinh thần Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thức cả đêm trắng để xử lý kỷ luật đối với đại tá Trần Dụ Châu. Xử lý kỷ luật một Đại tá quân đội thời kỳ đó đau lòng lắm nhưng buộc phải làm để cán bộ nói chung tốt đẹp hơn. Hiện nay, Đảng ta cũng đang theo tinh thần đó. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta kỷ luật một người để cứu muôn người”. Việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất cao.

Vậy theo ông, việc xử lý nhiều cán bộ như vậy chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì?

- Xung quanh việc vừa rồi kỷ luật nhiều cán bộ như vậy, chúng ta rút ra được nhiều bài học. 

Đầu tiên chúng ta phải nhận thức đúng, đầy đủ vị trí vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng rằng, trong công cuộc đổi mới Đảng ta xác định xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt thì cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt.

Hai là, phải coi trọng và ngày càng hoàn thiện tất cả các khâu của công tác cán bộ từ khâu phát hiện đến đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và kể cả chính sách đối với cán bộ. 

Ba là, khi cán bộ có khuyết điểm, chúng ta phải mạnh dạn xử lý với những quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kỷ luật đúng người, đúng việc, không để oan sai và để lọt tội phạm.

Thứ tư, cần nâng cao giáo dục tuyên truyền và dựa vào nhân dân để xây dựng đảng, chính những cán bộ đảng viên vừa rồi bị phát hiện, điều tra, truy tố, xử lý kỷ luật công lao của nhân dân rất lớn, nhân dân là người phát hiện và tố giác chứ tổ chức đảng phát hiện rất ít.

Cán bộ tốt hay xấu cứ hỏi dân là biết hết

Thưa ông, trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, việc lựa chọn nhân sự luôn nhận được sự quan tâm cao. Ông có góp ý gì cho công tác này?

- Nếu thực hiện nghiêm những quy định hiện nay đã ban hành sẽ lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hệ thống các quy định, quy chế, quy trình không thiếu, vấn đề mấu chốt hiện nay là người thực hiện quy định, quy chế, quy trình đó. 

Theo tôi, trước hết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt thì sẽ lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài. Còn quy định, quy chế, quy trình ban hành nhưng người thực hiện không lãnh đạo, chỉ đạo tốt thì những quy định đó cũng không thể đi vào cuộc sống được.

Trước đây, những nơi bổ nhiệm không đúng cán bộ đều thanh minh rằng đã làm đúng quy trình. Lỗi ở đây không phải ở quy trình mà lỗi là do người thực hiện quy trình. Những văn bản, quy định về lựa chọn cán bộ kể cả cấp huyện, tỉnh, T.Ư là đầy đủ, nếu làm nghiêm thì Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ đúng yêu cầu đặt ra.

Vậy thưa ông, làm thế nào để người dân góp tiếng nói quan trọng trong lựa chọn nhân sự cán bộ?

- Để người dân góp tiếng nói quan trọng trong lựa chọn nhân sự thì có nhiều cách. Như Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 217, 218 quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; về giám sát, phản biện.

Bên cạnh đó, cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Cho nên, trong các quy trình để giới thiệu nhân sự ứng cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đều lấy ý kiến của nhân dân ở nơi nhân sự đó đang công tác, tại nơi cư trú. Nhân dân có quyền thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, có thể giới thiệu nhân sự cho Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cũng mạnh dạn chỉ ra những người nào không nên đưa vào quy hoạch hay ứng cử các chức danh.

Khi cán bộ được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó có tố giác thì cần phải xem xét, xác minh lại. Nếu đúng như tố giác thì phải đưa cán bộ ra khỏi quy hoạch. Cơ chế hiện nay đang làm theo cách này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để làm sao hoàn thiện cơ chế, nhân dân có quyền tham gia nhiều hơn về công tác lựa chọn cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thành An/Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài viết 4 năm, hơn 90 cán bộ cấp cao bị xử lý: Bài học về lựa chọn nhân sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.