Thứ ba, 16/04/2024 11:42 (GMT+7)

“Đừng bắt Sơn Trà "đẻ" ra tiền mà nhân dân Việt Nam phải bỏ tiền ra nuôi và giữ Sơn Trà”

MTĐT -  Thứ hai, 17/07/2017 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là khẳng định của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TPHCM khi phát biểu tại hội thảo Sơn Trà tại Đà Nẵng ngày 15.7. Cũng tại buổi hội thảo này, trao đổi bên lề với báo chí, ông Nghĩa đã có nhiều ý kiến xung quanh việc bảo tồn và phát triển Sơn Trà.

Nhiều người nhận định không nên giữ khư khư hay đóng cửa hẳn Sơn Trà mà phải “kiếm tiền” được từ Sơn Trà, ông nghĩ gì về ý kiến này?

- Cần phải hiểu rằng, có những thứ cộng sinh được nhưng có những thứ không thể cộng sinh được. Thế nên, bây giờ nói Sơn Trà phải "đẻ" ra được tiền tức là chúng ta đòi hỏi những cái không hợp lí. Và đặc biệt hơn hết, cá nhân tôi cho rằng, nếu có một đề xuất thì rất nhiều người dân ở các nơi sẽ đóng tiền để phát triển các khu bảo tồn Sơn Trà này là đằng khác.

Có một điều chúng ta chưa nói đến, đó là giá trị phát triển đô thị ở các quốc gia hiện tại trên thế giới chính là môi trường. Khi người dân ở các đô thị bị áp lực công việc, người ta tìm đến rừng cây để tìm kiếm sự chữa trị về tinh thần. Từ đó, sức lao động được tái tạo, đó chính chúng ta đang sinh ra tiền.

Như vậy, môi trường, hay ở đây chính là Sơn Trà, không thể sinh ra tiền trực tiếp nhưng có thể sinh ra bằng cách gián tiếp. Vì vậy, đừng bắt Sơn Trà "đẻ" ra tiền mà chúng ta phải bỏ tiền ra để nuôi và giữ Sơn Trà.

Ông nhận định như thế nào về Sơn Trà, quy hoạch Sơn Trà khi tham dự hội thảo với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học và cung cấp những số liệu mới nhất về Sơn Trà hôm nay?

- Việt Nam có những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu mà khi mất đi không bao giờ tái tạo lại được, chúng ta phải ra sức bảo vệ di sản ấy. Hôm nay tham dự hội thảo, tôi càng khẳng định, chúng ta nhất thiết không thể phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách như hiện nay được. Không nên cho phép xây dựng thêm và nhất thiết phải thay đổi cách phát triển du lịch với bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa cả vật lực và tài lực và cả quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn.

Theo ông, chính quyền thành phố cần hành động như thế nào về vấn đề Sơn Trà?

- Tôi nghĩ theo luật pháp hiện nay và theo một cách hiểu tự nhiên, chính quyền Đà Nẵng và HĐND TP Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà. Và tất nhiên, tất cả những trách nhiệm, hành động này nằm trong khuôn khổ chung của luật pháp quốc gia, trong đó có một số chương trình quốc gia, như hội thảo đang trình này.

Luật pháp quốc gia có tính pháp lý rất đầy đủ, Đà Nẵng hành động trên những khuôn khổ luật pháp, cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, giám sát của Quốc hội. Còn khi mình nói hành động của Đà Nẵng là rõ ràng có trách nhiệm, đồng thời có nghĩa vụ phục vụ lợi ích người dân Đà Nẵng. Và đừng quên rằng, người dân Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và người dân Đà Nẵng mới là những người chủ của tài nguyên thiên nhiên.

Một bài toán khó hiện nay mà chính thành phố thừa nhận là việc thu hồi các dự án tại Sơn Trà, ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Việc thu hồi là bài toán khó, tôi đồng ý điều đó, nhưng không có nghĩa là không giải được. Với luật pháp Việt Nam hiện nay, tiềm lực hiện nay, sự quan tâm của cả nước với Sơn Trà hiện nay, sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội và cộng đồng hiện nay với Sơn Trà, bài toán này dù khó mấy cũng giải được.

Ông có gợi ý gì cho thành phố chăng?

- Thứ nhất, cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý, thậm chí là phải trừng trị nếu sự vi phạm đó nghiêm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp, nhưng đến nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi nữa thì chúng ta phải cùng tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên. Tất nhiên, nếu có những giải pháp hợp lý mà có thiệt hại, thì thiệt hại này chúng ta phải bàn cách chia sẻ.

Và chúng ta phải vận động ngay chính các doanh nghiệp. Vì thương hiệu, tinh thần yêu nước, tinh thần xã hội, nếu có chịu thiệt hại, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà, đó cũng là vinh dự của doanh nghiệp. Và nó sẽ tăng lòng yêu mến của người dân với doanh nghiệp đó. Nếu các nhà doanh nghiệp bị thiệt hại, chính quyền phải làm việc với họ và nếu phải đền bù, chúng ta sẽ đền bù. Trường hợp quá sức chịu đựng của ngân sách thì chúng ta vận động doanh nghiệp và tôi nghĩ nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ hoan nghênh họ.

Theo Báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết “Đừng bắt Sơn Trà "đẻ" ra tiền mà nhân dân Việt Nam phải bỏ tiền ra nuôi và giữ Sơn Trà”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!