Thứ bảy, 20/04/2024 00:40 (GMT+7)

Gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đã thâu tóm cổ phần Công ty Điện Quang như thế nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 11/08/2017 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(moitruongvadothi.vn) - Dư luận xã hội xôn xao bàn tán bằng cách nào mà gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa có thể có số tài sản tới 968 tỷ đồng? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy đó là: “Bằng thủ đoạn lắt léo, lòng vòng trong việc mua bán và thâu tóm cổ phần của thành viên gia đình bà Kim Thoa”

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI: “Sự nghị vấn trong hình thức thoái vốn Nhà nước tại Điện Quang về sau này bằng hình thức thỏa thuận là không bình thường, thiếu minh bạch, không công khai. Bởi, một trong những người mua là họ hàng với bà Thoa.

Ngày 8.8.2017,Ban Bí thư đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh : TL

Một năm sau, số cổ phiếu đó được bán đi và người mua lại chính là ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Để làm rõ sự việc này cần có cuộc điều tra xem có nhóm lợi ích hay không? Có tình trạng thâu tóm, làm thất thoát tài sản Nhà nước hay không?”

Ngày 31/12/2003, theo quyết định của Bộ Công nghiệp do Thứ trưởng Bùi Xuân Khu ký ghi rõ giá trị thực tế của Công ty Bóng đèn Điện Quang là 245,3 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn nhà nước tại công ty hơn 15,9 tỷ đồng.

Tổng số cổ phần bán ưu đãi cho lao động trong công ty là 155.150 cổ phần với giá trị được ưu đãi là 3.454.500.000 đồng. Nhưng quyết định 127 ngày 11/12/2004 cũng do thứ trưởng Bùi Xuân Khu ký phê duyệt phương án cổ phần hóa bóng đèn Điện Quang, vốn điều lệ của công ty được xác định là 23.5 tỷ đồng,tỷ lệ cổ phần nhà nước là 51% và tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động là 49%. Trị giá cổ phần bán ra là 100.000 đồng Cũng chính Thứ trưởng Bùi Xuân Khu ký nhưng tại sao chỉ sau 10 tháng tài sản của công ty Bóng đèn Điện Quangtừ 245,3 tỷ đồng còn 23,5 tỷ đồng tỷ lệ số vốn, nhà nước là 51%, vốn cổ phần cho người lao động từ 49% giảm xuống còn 38,9%, quyết định này cũng công bố bổ sung tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài công ty là 10,04%.

Dư luận xã hội hỏi tại sao ông Bùi Xuân Khu lại ký 2 văn bản khác nhau đến vậy? Với trình độ của một Thứ trưởng không ai có thể tin có sự sai sót như vậy? Phải chăng ông ký theo sự chỉ đạo của bà Kim Thoa để bà Thoa hưởng lợi kếch xù, còn nhà nước thất thoát nghiêm trọng. Đáng chú ý, tổng số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ trong Công ty cũng có sự thay đổi khá lớn. Số lao động trong Công ty được mua cổ phần ưu đãi cũng có sự thay đổi từ 1.138 lao động (như trong Quyết định số 127) giảm xuống còn 559 lao động. Trong khi quyết định 2003 của Bộ Công nghiệp, số cổ phần bán cho người lao động từ 155.150 cổ phần với giá trị được ưu đãi là hơn 3,45 tỷ đồng nay giảm xuống còn 36.298 cổ phần với giá trị chỉ còn hơn 1,08 tỷ đồng. Về những thay đổi bất thường trong sự chênh lệch số lao động được mua cổ phần và số lượng cổ phần ưu đãi thông qua 2 quyết định trên, một chuyên gia tài chính khằng định cần làm rõ việc vì sao giá trị sổ sách của Điện Quang tại thời điểm 31/12/2003 để tiến hành cổ phần là 245 tỷ đồng nhưng theo Quyết định 127 thì vốn điều lệ đăng ký chỉ còn 23,5 tỷ đồng. Đây là mức giá thấp bất ngờ, chỉ bằng 1/10 so với giá trị sổ sách của Công ty nếu tính đến thời điểm 31/12/2003. “Dấu hỏi đặt ra ở đây tại sao, chỉ sau hơn 10 tháng, vốn điều lệ đăng ký lại quá thấp như vậy nếu so với giá trị sổ sách thực tế của Công ty?

Việc định giá trị của nó quá thấp như vậy, công luận có quyền đặt nghi vấn về việc đặt vốn điều lệ thấp để nhà đầu tư chỉ cần bỏ số tiền ít hơn là có thể thâu tóm được một doanh nghiệp có số tài sản thực cao gấp 10 lần”, vị này phân tích.

Theo ông Hải, những đường đi lắt léo, lòng vòng trong việc mua và thâu tóm cổphần của những thành viên của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa cũng phần nào cho thấy miếng bánh cổ phần hoá rất hấp dẫn. Vì thế mà hết con, rồi đến em trai cùa bà Thoa liên tiếp thực hiện những phi vụ thâu tóm cổ phần với số lượng lớn tại những thời điểm phát triển quan trọng của Điện Quang để rồi sau đó ung dung bước vào tiếp quản vị trí lãnh đạo Công ty sau khi bà Thoa được điều động về làm Thứ trưởng Bộ Công thương.

Đến nay, Nhà nước mất gì, gia đình bà Thoa được gì sau cổ phần hoá Điện Quang vẫn chưa được mổ xẻ, phân tích cặn kẽ để làm bài học cho các cuộc cổ phần hoá khác. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thực tế nhìn lại quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng chính là giao cho những người trong cuộc hay đối tượng liên quan bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời cũng cho họ có luôn cả tư cách người mua. “Chẳng hạn, nếu ai đó có ý đồ dìm giá trị doanh nghiệp thì họ có thể để doanh nghiệp thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ.

Hay để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hoá, nhằm hạ giá tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thaotúng để mua với giá thấp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong Công ty…” “Cần xét cả những thời điểm Điện Quang gặp khó khăn và những thời điểm bà Thoa gia tăng tài sản, gia tăng nắm giữ cổ phần của bà Thoa và những người thân như thế nào.

Cũng có thể xem sau những đợt công bố thông tin xấu thì tỷ lệ nắm giữ của bà Thoa và các thành viên gia đình bà có tăng lên không. Bên cạnh đó, cần xem lại cả quá trình hình thành tài sản của bà Thoa và gia đình để từ đó thâu tóm Điện Quang”, ông Hải nêu ý kiến. Trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo Tiền Phong, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính khá uy tín, trong đó có PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần làm rõ khối tài sản khổng lồ của bà Thoa có nguồn gốc từ đâu? Trong trường hợp tài sản hình thành không hợp pháp thì có bị thu hồi? Bà Kim Thoa đã thao túng quá trình cổ phần hoá ở doanh nghiệp, tại sao được đề bạt lên Thứ trưởng, phải làm rõ trách nhiệm của Đảng uỷ và lãnh đạo Bộ Công thương trong vấn đề này.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, tổng kết 10 năm thực thi luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2006 - 2016 cho thấy thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi cho nhà nước chỉ khoảng gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất.

Với mức thu hồi thấp như vậy và kéo dài trong suốt 10 năm thì chúng ta gần như đang gửi thông điệp: “Cứ tham nhũng đi vì các người cũng giữ cho mình đến xấp xỉ 90% tài sản tham nhũng được”. “TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Hàng ngàn tỉ đồng tham nhũng đã đi đâu? Ông nói: “Lâu nay rất nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỉ đồng được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân. Tuy vậy, tài sản thu hồi được lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Hàng ngàn tỉ đồng tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước”. Vì thế, ông Doanh cho rằng muốn thu hồi sớm tài sản tham nhũng phải tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý các cán bộ, công chức ở cấp lãnh đạo trong kê khai tài sản.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đề xuất thắt chặt chiến dịch kiểm soát thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đồng thời gắn với việc tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc. “Theo ông Long, từ trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa mua và sở hữu cổ phiếu trái quy định, luật phải có điều khoản tạm thời phong toả, không cho giao dịch số cổ phần, cổ phiếu đang trong diện nghi vấn”, ông Long nêu quan điểm và cho rằng về lâu dài, để phòng ngừa thì phải mở rộng đối tượng kê khai tài sản, bao gồm cả những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý cho Công ty đại chúng, các quỹ đầu tư, các công ty cổ phần.

Các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị để đề phòng tham nhũng, phải kiên quyết “không để tham nhũng hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Việc kiểm tra chế tài không nghiêm, nên nhiều quan chức sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con, đời cháu”. Qua đó, bà đưa ra giải pháp: “Phải tập trung vào những đối tượng là những người thân của những người có nguy cơ tham nhũng.

Những người này cũng phải kê kai tài sản của mình để tránh tình trạng tài sản tham nhũng được chuyển dịch hoặc lấy tên của những người thân, giải trình không thoả đáng, có thể tịch thu các tài sản kê khai không thoả đáng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chứng minh có tội phạm để xử lý”./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đã thâu tóm cổ phần Công ty Điện Quang như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...