Thứ sáu, 29/03/2024 00:30 (GMT+7)

Hà Nội: Đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê vỉa hè từ 0h ngày 16/2

MTĐT -  Thứ ba, 16/02/2021 09:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội cho biết, TP phải đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cafe từ 0h ngày 16/2.

Chiều 15/2, Hà Nội triệu tập cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP trước diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, nhấn mạnh nguy cơ tại Hà Nội đang rất cao với các trường hợp dương tính mới chưa rõ nguồn lây và không rõ triệu chứng.

Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: Lê Trung.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận Tổ quốc TP và Sở Y tế, báo cáo việc người dân tụ tập đông người tại các quán cà phê vỉa hè, di tích lịch sử và không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, ca mắc mới của TP vẫn chưa xác định được F0 nên tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng là rất cao.

Trước vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị, quyết định tạm đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cà phê và tạm thời dừng mở cửa các cơ sở di tích, đình chùa, tôn giáo, từ 0h ngày 16/2.

Phó chủ tịch TP cũng yêu cầu các quận, huyện tập trung cao độ truy vết, khoanh vùng, cách ly đối với F1. Các tổ giám sát cộng đồng tăng cường giám sát đối với người về từ các vùng dịch tại các tỉnh.

Ngành y tế TP tiếp tục truy vết, lấy luôn mẫu xét nghiệm F2, yêu cầu F3 theo dõi y tế và tự cách ly. Chuẩn bị vật tư xét nghiệm trong các khu công nghiệp, lấy mẫu ngẫu nhiên, đặc biệt là các khu công nghiệp có người đi từ các tỉnh về Hà Nội, nơi có chuyên gia nước ngoài. "Triển khai việc này càng sớm càng tốt, tránh rủi ro", ông Dũng yêu cầu.

Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 35 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài các ca bệnh liên quan đến 2 ổ dịch tại Quảng Ninh và Hải Dương, thành phố cũng đang ghi nhận các trường hợp dương tính là người nước ngoài từng đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Một quán cà phê tại ngã tư Phùng Hưng - Hàng Bông lắp đặt tấm chắn giọt bắn giữa các bàn nhưng hầu hết khách đến quán lại không đeo khẩu trang. Ảnh: Zingnews.vn

Bệnh nhân 2229 (chuyên gia Nhật Bản, làm việc ở công ty TNHH Mitsui Việt Nam) tử vong tại một khách sạn ở quận Tây Hồ. Tính tới 17h ngày 15/2, CDC Hà Nội ghi nhận 47 trường hợp tiếp xúc gần (F1), trong đó 46 mẫu đã cho kết quả âm tính. Một người cho kết quả dương tính là bệnh nhân 2234.

Đối với bệnh nhân 2234, Hà Nội đã xác định được 18 trường hợp F1, một trường hợp đã cho dương tính với SARS-CoV-2, là người Nhật, đồng nghiệp của bệnh nhân 2229 (chưa được Bộ Y tế công bố).

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nêu, liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản, hiện đang xác định nguyên nhân lây nhiễm, trong đó có nhiều giả thuyết như lây bệnh từ nước ngoài hoặc tại Việt Nam và nếu bệnh nhân bị nhiễm ở Hà Nội thì nguy cơ của Thủ đô rất cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đặc biệt lưu ý, người cách ly 14 ngày sau vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sức khỏe trong 14 ngày nữa, nếu không sẽ khó ứng phó với các tình huống bất thường; các trường hợp cách ly tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là các chuyên gia.

“Các quận huyện rà soát các chuyên gia trên địa bàn, các quán ăn của người Nhật cũng phải rà soát kỹ, xem xét lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ”, ông Hạnh nói thêm.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nêu việc, ở phố Hàng Khay, Tràng Tiền trên quận Hoàn Kiếm việc các hàng quán vẫn đông đúc, nhiều người không đeo khẩu trang, đề nghị quận phải xử lý nghiêm nếu không có biện pháp mạnh sẽ không thể kiểm soát được.

“Các quận huyện báo cáo thì rất đầy đủ nhưng thực tế chưa quyết liệt xử phạt. Nhiều nơi vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang là rất nguy hiểm”, ông Hiền nói thêm.

Đúng 0h ngày 16/2, lực lượng Công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) ra quân yêu cầu các quán ăn vỉa hè trên địa bàn đóng cửa, thực hiện đúng theo quy định mới của Hà Nội. Ảnh: Zingnews.vn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất này. “Phải đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2. Tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn sớm. Quả thực hàng quán, đình chùa hiện nay người dân đến rất đông”, ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý Hà Nội đã có những bệnh nhân COVID-19 mới nhưng chưa rõ nguồn gốc lây lan, có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn vì vậy thành phố tổ chức họp sớm hơn 1 ngày để có những giải pháp kịp thời.

“Theo CDC Hà Nội, nguy cơ bệnh nhân người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 2/2 nên nguy cơ với cộng đồng rất cao. Các sở ngành phải quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch UBND thành phố”, ông Dũng nói.

Ông Dũng chỉ đạo, các quận huyện thị xã, lực lượng y tế phải tập trung cao độ, thần tốc  truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh mới phải theo dõi y tế chặt chẽ bởi.

"Nếu không nhanh chóng bắt kịp sẽ rất nguy hiểm. 10 ngày qua rất có thể đã có mầm bệnh trong cộng đồng”, ông Dũng phân tích.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao CDC Hà Nội lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp (nhất là các điểm có người đi từ 12 tỉnh thành có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc để có sàng lọc sớm, tránh rủi ro.

Ông Dũng yêu cầu các đơn vị nâng cao hơn nữa mức an toàn ở các bệnh viện, phòng khám, khách sạn nơi có người cách ly; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khẩn trương với các trường hợp người dân về từ vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm người về từ Cẩm Giàng (Hải Dương); khuyến cáo các trường hợp này hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết, theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Các địa phương sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” với mọi kịch bản, tình huống bởi dự kiến trong những ngày tới Hà Nội sẽ có thể có thêm những trường hợp F0; Sở GTVT chú ý các phương án đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách...

Bùi Phương

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê vỉa hè từ 0h ngày 16/2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.