Thứ sáu, 29/03/2024 21:42 (GMT+7)

Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị, không có HĐND phường

MTĐT -  Thứ tư, 27/11/2019 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội với tỉ lệ 81,16% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo Zing đưa tin, chiều 27/11, với 81,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Với 392/447 vị tán thành, 39 đại biểu không nhất trí và 16 vị không biểu quyết.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt.

Như vậy, theo Nghị quyết này, Hội đồng nhân dân quận, thị xã có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã cũng được giao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội với tỉ lệ 81,16% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân phường có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án về đầu tư công theo phân cấp quản lý; đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý...

Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường.

Nghị quyết nêu rõ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mới được bổ nhiệm.

Các văn bản của chính quyền địa phương ở phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.

Dự thảo này ban đầu có tên gọi là Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường, sau đó được đổi thành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Đổi tên để tránh hiểu sai

Theo báo Tiền Phong, lý giải về việc thay đổi tên gọi nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất đổi tên gọi của các đại biểu là hoàn toàn xác đáng. Bởi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tên gọi này cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc "bỏ Hội đồng nhân dân phường".

Cũng theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị mở rộng việc thí điểm tại các tỉnh, thành phố khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.

“Hiện tại, Chính phủ mới trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm ở thành phố Hà Nội. Đối với các địa phương khác đáp ứng đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thí điểm thì đề nghị báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Tùng cho hay.

Theo tờ trình của Chính phủ, có tổng cộng 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội trong diện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị, không có HĐND phường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới