Thứ năm, 28/03/2024 20:28 (GMT+7)

'Luật An ninh mạng ngăn chặn thông tin xấu độc, nguy hại'

Tùng Dương (Thực hiện) -  Thứ tư, 20/06/2018 07:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng.

Nhằm giúp độc giả hiểu đúng, hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, tránh những đồn đoán sai lệch gây bức xúc trong dư luận xã hội, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng.

Là một trong những người thẩm tra dự án luật An ninh mạng trước khi trình Quốc hội thông qua, ông có thể nói ngắn gọn về những ưu điểm khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành trên thực tế?

Luật An ninh mạng ra đời thiết lập cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng. Dự án luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, tập trung vào một số quy định: Thứ nhất, về những điều cấm để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết pháp luật cấm hành vi không được làm.

Thứ hai, tập trung quy định bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh Quốc gia. Đây là hệ thống có tính chất rất quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Ví dụ như hệ thống thông tin quan trọng của quốc phòng, an ninh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trong hệ thống điều khiển các công trình quan trọng ví dụ như điện lực, hàng không…

Thứ ba, quy định các biện pháp phòng, chống khủng bố mạng, tấn công mạng, dán điệp mạng, sự cố mạng.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. Ảnh Mai Thu

Thưa ông, hiện nay có một số quan điểm cho rằng nếu Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân và các quyền cá nhân khác?

Điều này là hoàn toàn không đúng. Luật An ninh mạng quy định nhằm mục đích bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân và các quyền nhân thân khác của công dân. Cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, không bao giờ can thiệp vào những vấn đề về thông tin cá nhân khi không có dấu hiệu vi phạm an ninh mạng hoặc có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng.

Luật cũng quy định rất chặt chẽ việc để đảm bảo chống lạm quyền và xác định rõ trách nhiệm của lực lượng có thẩm quyền trong việc sử dụng thông tin cá nhân để phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh mạng; giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và cũng quy định rõ trong luật nếu có vi phạm thì phải bị xử lý về trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và bồi thường khi xảy ra thiệt hại.

Luật An ninh mạng quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng với mục tiêu xây dựng không gian mạng lành mạnh, vừa đảm bảo an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân; đồng thời có các quy định tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an ninh mạng để người dân nhất là các cá nhân khi tham gia không gian mạng xác định rõ trách nhiệm phải tự bảo vệ mình, bảo vệ thông tin cá nhân, quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên không gian mạng; tránh tình trạng hiện nay, người sử dụng không gian mạng do nhận thức chưa đầy đủ nên đã vi phạm một số quy định về sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin cá nhân, thậm chí nhiều người có trường hợp cố ý, do nhận thức không đầy đủ nên phát tán, chia sẻ thông tin xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Hiện nay, luật đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của cử tri, các nhà khoa học, cơ quan đại diện nước ngoài về việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Chúng ta chỉnh lý theo hướng, chỉ trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì mới quy định việc lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam; khẳng định người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ tại Việt Nam thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Quy định này nhằm mục đích bảo hộ quyền hợp pháp của công dân Việt Nam về bí mật thông tin cá nhân, bí mật về quan hệ và các quyền nhân thân khác.

Luật An ninh mạng cũng phục vụ hoạt động xử lý các hành vi vi phạm; góp phần phục vụ giải quyết tranh chấp giữa người dùng Việt Nam với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet.

Có một số ý kiến cho rằng, những quy định như thế là gây cản trở hoạt động phát triển kinh tế xã hội, phát sinh chi phí của các doanh nghiệp, có thể vi phạm cam kết của chúng ta trong các hiệp định thương mại quốc tế. Ông nói sao về điều này?

Thực tế không phải như vậy. Trong quá trình thẩm tra dự án Luật, chỉnh lý để Quốc hội thông qua, dư luận cho rằng, Google, Facebook có thể rời bỏ Việt Nam nhưng hoàn toàn không phải.

Về mặt chính thống, Google, Facebook chưa có một phát ngôn chính thức nào về vấn đề này. Tất cả dư luận chỉ là suy đoán, đồn đoán. Thông qua các kênh chính thức của các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, Google, Facebook, kể cả Amazon đã nghiên cứu tìm cách sớm thực hiện quy định của Luật này. Bởi người dùng Việt Nam, thị trường Việt Nam rất lớn, các "ông lớn" không thể từ bỏ được.

Vậy xin ông nói rõ hơn, Luật An ninh mạng ra đời sẽ giúp chúng ta tích cực hơn trong việc hạn chế các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội ra sao?

Như tôi đã nói ở trên, trong Luật quy định các hành vi cấm, nội dung thông tin cấm, không được chia sẻ trên mạng xã hội, các trang báo điện tử, ai vi phạm sẽ xử lý.

Như vậy, người dùng sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội. Lâu nay, người sử dụng thậm chí có thể không biết hành vi mình làm là bị cấm.

Hy vọng sau khi luật ra đời, những thông tin không chính thống ngoài luồng, những thông tin đồn đoán không có cơ sở, thậm chí có đối tượng lợi dụng, chống đối Nhà nước, dùng trang mạng xã hội bôi nhọ cá nhân, gây bức xúc trong xã hội, lo lắng, hoảng loạn trong xã hội… sẽ hoàn toàn được kiểm soát.

Luật An ninh mạng có hiệu lực là cơ sở để mọi người nhận thức cao hơn về trách nhiệm của mình và thực hiện một cách đúng đắn. Chúng ta tạo ra hành lang pháp lý để mọi người tự do đi trong hành lang đó, không phải là sự ngăn cấm như dư luận.

Tôi cho rằng, những đồn đoán về việc ngăn cấm như PV nêu ở câu hỏi chỉ là những tư tưởng có dụng ý không tốt, nhiều người không hiểu cụ thể lại chia sẻ khiến thông tin không chuẩn xác bị lan truyền.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết 'Luật An ninh mạng ngăn chặn thông tin xấu độc, nguy hại'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.