Thứ năm, 28/03/2024 18:17 (GMT+7)

Nhiệm kỳ Đại Hội Đảng XII dấu ấn trong công tác chống tham nhũng

Đồng Văn Nam -  Thứ hai, 25/01/2021 08:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiệm kỳ qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế - xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến

“Với con số 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) thể hiện quyết tâm cao của Đảng và không có “vùng cấm”, “ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Hôm nay, (ngày 25/01/2021), Đại hội XIII của Đảng sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội đây là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội, tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đến từ 67 đoàn đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước. Hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo kinh tế-xã hội (bao gồm các Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025) và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua bên cạnh những thành tựu đã đạt được như: Nền kinh tế tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện thì công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Như chúng ta đã biết, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Nhiệm kỳ qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế - xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong nhiệm kỳ đã có 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang), điển hình như:(1) Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, (2) Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, (3) Vụ án Vũ Việt Hùng và đồng phạm, (4) Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm, (5) Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, (6) Vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm, (7) Vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm, (8) Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, (9) Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, (10) Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm, (11) Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, (12) Vụ án Trần Phương Bình, (13) Vụ án Phan Văn Anh Vũ, (14) Vụ án Đinh Ngọc Hệ, (15) Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, (16) Vụ án Hứa Thị Phấn, (17) Vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, (18) Vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân…

Các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa

Đạt được những kết quả trên đây là do có sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và của các cấp uỷ, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” hay “chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”, “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Kết quả cho thấy, cùng với những thành tựu “rất quan trọng” và “khá toàn diện” trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những điểm sáng, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Với kết quả của nhiệm kỳ Đại hội XII, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát hợp, khả thi để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phòng, chống tham nhũng, nhất là người đứng đầu, kiên trì giáo dục đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, nhất là trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, khuyến khích, bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cả các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

     Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cam kết, tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta, là mệnh lệnh của nhân dân, là động lực để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với những kết quả đạt được và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ không “chùng xuống” mà tiếp tục được đẩy mạnh “không dừng”, “không nghỉ” và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét, đồng bộ, toàn diện hơn nữa, đất nước sẽ có nguồn lực đầu tư, phát triển.

Trong gian tới, cùng với hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc, sánh vai cùng với các cường quốc trên thế giới./.

Bạn đang đọc bài viết Nhiệm kỳ Đại Hội Đảng XII dấu ấn trong công tác chống tham nhũng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.