Thứ ba, 23/04/2024 16:11 (GMT+7)

Quy hoạch báo chí mang lại sinh khí mới, năng lực mới cho mỗi tờ báo

Phùng Hiệu-Nguyễn Dũng -  Thứ hai, 29/06/2020 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy hoạch phát triển- quản lý báo chí năm 2019 đến năm 2025, đến nay Bộ TT-TT đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội.

Theo quy hoạch phát triển- quản lý báo chí năm 2019 đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-TTg, theo đó, 24 tổ chức hội TƯ phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí, mỗi tổ chức hội  chỉ có 1 tạp chí.

Lãnh đạo TPHCM giao lưu với phóng viên, nhà báo nhân ngày báo chí  CMVN 21-6

Triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ quy hoạch báo chí.

Đến nay Bộ TT-TT đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc trung tâm báo chí TP.HCM:

PV: Xin ông cho biết việc quy hoạch, sát nhập của các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM cụ thể ra sao ? 

Ông Nguyễn Văn Khanh: Mới đây, ngày 22.5.2020 , Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký quyết định phê duyệt đề án quy hoạch báo chí, TP.HCM từ 28 cơ quan báo chí hiện hữu để đến năm 2025 còn 19 cơ quan báo chí gồm: 7 báo in, 10 tạp chí, 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình. Một số cơ quan báo chí phải thay đổi cơ quan chủ quản như báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ… trực thuộc Thành ủy, báo Pháp Luật TPHCM  thay đổi cơ quan chủ quản là UBNDTPHCM. Các báo sát nhập và thành ấn phẩm phụ như Thể thao TPHCM về SGGP, báo Khăn Quàng Đỏ sát nhập về Tuổi trẻ…. Một số báo phải thay đổi loại hình, chuyển thành tạp chí như báo Cựu Chiến Binh, Giáo dục, Tuần báo Văn Nghệ…Từ việc thay đổi cơ quan chủ quản, thay loại hình báo chí, đòi hỏi điều chỉnh lại phương thức tổ chức tin bài, đào tạo lại đội ngũ. Về cơ bản tôn chỉ, mục đích từng tờ báo không thay đổi vẫn phục vụ đúng đối tượng của mình.

Ông Nguyễn Văn Khanh - PGĐ TT báo chí TP.HCM (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí Thư Thành ủy TPHCM tại buổi tọa đàm “ Báo chí- xuất bản đồng hành cùng thành phố trong đột phá cải cách hành chính”- năm 2019

Thực hiện chủ trương của Trung ương với sự thống nhất cao về quan điểm và biện pháp,  bước đi, tôi tin rằng TP HCM sẽ hoàn thành tốt đợt quy hoạch báo chí lần này, nhằm tạo mọi điều kiện để báo chí góp phần đắc lực vào thực hiện các mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Mình xứng tầm là thành phố vì cả nước, cùng cả nước.

PV: Theo ông, cái khó và bất cập của báo chí sau quy hoạch là gì ?

Ông Nguyễn Văn Khanh: Bài toán khó chưa tìm ra lời giải là vấn đề kinh tế báo chí và giải quyết số lao động dư dôi, điều này tất nhiên không đơn giản.. Khi báo này sát nhập báo kia, đội ngũ phóng viên cơ hữu cũng bị ảnh hưởng do phải tinh giản, bộ phận văn phòng, trị sự tòa soạn, phát hành… dôi dư nhân sự phải sắp xếp lại. Tình trạng báo giấy, báo in sụt giảm cũng là một thách thức. Báo chuyển sang tạp chí thì không tránh khỏi “báo hóa tạp chí” để thu hút bạn đọc trong tình hình mới. Hiện Bộ TTTT đang có hướng dẫn báo điện tử, tạp chí điện tử có thể ra ngày, cách nhật hoặc giản cách tùy thuộc mỗi báo, tạp chí.

Trước đây, các cơ quan báo chí tại TPHCM có cơ quan chủ quản báo chí là các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp nay được chuyển sang cơ quan chủ quản là tổ chức Đảng (Thành ủy), cơ quan Nhà nước (UBND), cái khó hiện nay khi thay đổi cơ quan chủ quản sau quy hoạch là cơ chế quản lý, cơ chế trách nhiệm của cơ quan chủ quản mới với tờ báo mình chủ quản chưa có quy định rạch ròi .

Nhà báo Trần Thế Tuyển - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí Bộ TTTT- nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng

PV: Thưa ông Trần Thế Tuyển, Theo ông, việc quy hoạch báo chí có làm cho công việc và đời sống của đội ngũ phóng viên bị ảnh hưởng hay không, đặc biệt là những nhà báo đã có quá trình công tác lâu dài trong các cơ quan báo chí?

Nhà báo Trần Thế Tuyển: Việc quy hoạch, sắp xếp lại ngành nghề nói chung và báo chí nói riêng là công việc bình thường. Song, do vị trí, vai trò của báo chí- nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, tiếng nói của tổ chức Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị; diễn đàn của nhân dân..., nên việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí cần được chú trọng đặc biệt và có bước đi thích hợp. Việc sắp xếp, quy hoạch phải dựa vào thực tiễn khách quan, hài hoà giữa lợi ích của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và lợi ích của người thụ hưởng: bạn đọc, bạn xem và nghe đài. Quy hoạch, sắp xếp theo hướng tinh giản biên chế, tránh dàn trải, chồng chéo để tăng sức mạnh thực sự cho các cơ quan báo chí, tất yếu sẽ có hệ quả là dư dôi lực lượng lao động. Việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ người làm báo, vốn được đào tạo cơ bản, gắn bó nhiều năm với nghề, với cơ quan báo chí. Vấn đề còn lại, thuộc về lãnh đạo các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí rà soát, đánh giá, sử dụng đội ngũ nhằm mang lại sinh khí mới, năng lực mới cho cơ quan báo chí của mình vốn đang phải giải nhiều bài toán khó cùng một lúc .

Nhà báo Trần Thế Tuyển

PV: Theo chúng tôi được biết, Báo SGGP có nhiều cơ quan phụ trách ấn phẩm trực thuộc, liệu sau quy hoạch, nhân sự ở các cơ quan này có thể bị mất việc hay không? Và theo anh, từng là Tổng Biên tập ở tờ báo này, anh có nhận định gì nếu như Báo SGGP sẽ phải giảm biên chế và thay đổi cơ chế hoạt động cho phù hợp với quy hoạch?

Nhà báo Trần Thế Tuyển: Báo SGGP là cơ quan ngôn luận của Thành ủy, UBND TP HCM; diễn đàn của nhân dân TP HCM. Quy hoạch lại báo chí, theo quyết định ngày 22/5/220 của UBND TP, báo SGGP gần như không có biến động lớn. Nhưng để nâng cao năng lực tác nghiệp, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, chắc chắn Đảng ủy, BBT báo SGGP phải đánh giá lại đội ngũ, có biện pháp phù hợp để kiện toàn bộ máy. Việc gì khó mấy, nhưng biết đoàn kết, tìm ra lối đi thích hợp sẽ hoàn thành được mục tiêu. Bài toán khó nhất là làm sao tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi tiêu mà vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Báo SGGP trong 45 năm hình thành và phát triển đã có kinh nghiệm về vấn đề này. Có giai đoạn báo SGGP có tới gần 10 ấn phẩm in, điện tử, với đội ngũ người lao động tới gần 700 người. Nhưng khi có chủ trương tinh giản, Đảng ủy, BBT đã đoàn kết, chung sức chung lòng tìm ra biện pháp phù hợp, rồi mọi chuyện đâu cũng vào đó.

 PV: Theo ông dự đoán tình hình báo chí ở nước ta sẽ ra sao sau quy hoạch?

Nhà báo Trần Thế Tuyển: Dự báo hoạt động báo chí nước ta sau quy hoạch có nhiều hướng, nhưng có lẽ ai cũng thấy mục đích của việc quy hoạch sắp xếp đều nhằm nâng cao năng lực sáng tạo của cơ quan báo chí nói chung và nhà báo nói riêng. Sau quy hoạch, báo chí nước ta phải có diện mạo mới, sức mạnh mới, phù hợp với xu thế phát triển  và hội nhập quốc tế. Tất nhiên khó khăn không ít.. Song, việc khó mấy cũng có cách giải quyết, nếu cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo cơ quan báo chí cùng nhìn một hướng, tìm cách khắc phục khó khăn, vươn lên. Tôi tin như thế !

 Nhà báo Lê Thiếu Nhơn - Trưởng Ban Thư Ký Tòa Soạn Báo Nông Nghiệp Việt Nam

 PV: Hiện nay, cả nước ta có khoảng có 982 cơ quan thông tấn báo chí, tạp chí được cấp phép hoạt động. Theo anh, với số lượng như thế có là quá nhiều hay không và có cần thiết phải quy hoạch báo chí hay không?

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Một đất nước gần 100 triệu dân mà chưa tới 1000 cơ quan báo chí, thì không phải là nhiều. Quan trọng là chất lượng phục vụ truyền thông cho xã hội ra sao. Độc giả chính là “những nhà quy hoạch” đáng tin cậy nhất. Cái cụ thể như đô thị còn chưa quy hoạch thuyết phục thì cái mông lung như thông tin thì làm sao quy hoạch? Tôi nói thật, ngay cả những người đứng ra quy hoạch cũng chưa chắc đã thấu hiểu tường tận đời sống báo chí hiện nay. 

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn

PV: Như vậy những cơ quan báo chí, tạp chí của bộ ngành, hiệp hội nào cần phải quy hoạch và những bộ ngành, tổ chức, hiệp hội nào cần phải cấp phép mới ?

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Cơ quan nào tốn kém ngân sách thì cần quy hoạch thu hẹp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Còn những hiệp hội chủ yếu dựa vào nguồn tài chính xã hội hóa thì họ tự biết cách trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” cho mỗi ấn phẩm được chọn làm diễn đàn của họ.

PV: Liệu sau quy hoạch tình hình báo chí có bị thay đổi?

Nhà báo Lê Thiếu Nhơn: Báo chí Việt Nam đang khủng hoảng thiếu nhà báo, nhưng lại khủng hoảng thừa công chức làm báo và khủng hoảng thừa nhân viên PR có thẻ nhà báo. Quy hoạch không tính đến yếu tố đó, nên quy hoạch không thể làm thay đổi tình hình báo chí nước ta. Báo chí đang thúc thủ trước mạng xã hội, mà quy hoạch xong rồi không có ngân sách để “nuôi” thì báo chí càng teo tóp hơn.

 Những nhà báo sống bằng cái ghế thì bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, còn những nhà báo sống bằng nghề thì chẳng ảnh hưởng gì.

Nhà báo Nguyễn Thiện Hồng – Báo Phụ Nữ TP.HCM

PV: Việc sáp nhập, quy hoạch báo chí, theo anh thực chất vấn đề là thu hẹp đối tượng được thành lập cơ quan báo chí. Tức thu hẹp cơ quan chủ quản báo chí ?.

Nhà báo Nguyễn Thiện Hồng: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo cấp tỉnh, các viện, trường đại học… nay chỉ còn tổ chức Đảng (Thành ủy), cơ quan nhà nước (UBND), tổ chức tôn giáo (Công giáo và Phật giáo). Tính cạnh tranh thông tin báo chí trong các tổ chức Tôn giáo gần như không có. Chức năng nhiệm vụ của Tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước gần như là một nên thông tin trên mặt báo của các cơ quan báo chí gần như là chung nguồn, vì vậy, khó có sự đa dạng, đa chiều như trước kia. Sự tĩnh lặng, đơn điệu trong làng báo là rõ ràng.

Nhà báo Nguyễn Thiện Hồng (báo phụ nữ TPHCM)

Nếu quy hoạch đến 2025, TP.HCM sẽ còn một cơ quan báo chí đa phương tiện duy nhất thuộc quản lý của nhà nước như dự kiến hoặc sẽ phải điều chỉnh lại luật báo chí cho phù hợp thực tế, hoặc sẽ ra đời một loạt các cơ quan báo chí mới do các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… hình thành lực lượng báo chí đối trọng, cạnh tranh thông tin trực tiếp với cơ quan báo chí đa phương tiện do nhà nước bảo trợ.       

PV: Việc thay đổi cơ quan chủ quản thì tôn chỉ mục đích có thay đổi không? Ảnh hưởng đến bản sắc nét riêng của tờ báo không?

Nhà báo Nguyễn Thiện Hồng: Luật báo chí hiện hành xác định một trong những điều kiện bắt buộc để cơ quan báo chí muốn được cấp phép hoạt động thì phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí đề ra. Sau quy hoạch, đương nhiên tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí sẽ phải điều chỉnh lại phù hợp chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mới. Do đó, sự khác biệt hay bản sắc hay nét riêng giữa các cơ quan báo chí trước kia chắc chắn không còn rạch ròi nữa. Nếu ví mỗi cơ quan báo chí trước đây vun trồng, chăm sóc một loại hoa riêng biệt, phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình thì làng báo là một rừng hoa đa sắc màu, dù đều có chung mục đích là làm đẹp. Còn bây giờ tôn chỉ mục đích là chung, sự khác biệt sẽ không còn nên dễ tạo cảm giác đơn điệu, thậm chí lâu dài sẽ còn là sự nhàm chán.

Nhu cầu cạnh tranh thông tin không còn, phóng viên đương nhiên sẽ được chọn lọc cho phù hợp thực tế.

Xin cám ơn ông!

Đối với các cơ quan báo chí vừa có báo in vừa có báo điện tử, tạp chí in và tạp chí điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in, tạp chí in.

Các tờ báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm, đài phát thanh và đài truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả; báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển với công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch báo chí mang lại sinh khí mới, năng lực mới cho mỗi tờ báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới