Tính đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã tổ chức 3 phiên giải trình; Thường trực HĐND 16 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 31 phiên giải trình với các nội dung quan trọng, như quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, huyện Chương Mỹ,... Những nội dung được lựa chọn giải trình góp phần tháo gỡ khó khăn trong quản lý của chính quyền các cấp; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, đơn vị cần chọn được nội dung giải trình “trúng” với mong muốn của cử tri; báo cáo của UBND cần khách quan, công tâm, thẳng vào vấn đề. Cùng với đó, Thường trực HĐND điều hành cũng phải chủ động, linh hoạt, làm rõ trách nhiệm của người hỏi, người giải trình và kết luận phiên giải trình phải được gắn với hoạt động giám sát để tăng tính hiệu lực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CGTĐT TP Hà Nội

Trưởng ban Văn hóa Xã hội Trần Thế Cương cho rằng, sau phiên giải trình thì việc giám sát cũng rất quan trọng. Hiện, Ban Văn hóa xã hội cũng đang giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận của phiên giải trình và bước đầu cho thấy, phiên giải trình đã tạo tiếng vang, tạo dư luận tốt, ý thức trong thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, cũng cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi để nhân dân, cử tri biết hiệu quả từ thực hiện các phiên giải trình của Thường trực HĐND.

Cùng chung quan điểm về các giải pháp nâng cao chất lượng phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt đề nghị, các cơ quan sớm ban hành hướng dẫn về giám sát của HĐND, quy định rõ chế tài với đơn vị, cá nhân không thực hiện kiến nghị sau giám sát...

Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho rằng, kịch bản điều hành được xây dựng trước nhưng trong quá trình thực hiện thì chủ tọa cũng cần phải linh hoạt, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt hiệu quả phiên giải trình. Về công tác thông tin tuyên truyền, phải kết hợp nhiều hình thức như đưa trực tiếp trên đài phát thanh, cổng thông tin điện tử, báo chí để cử tri theo dõi, giám sát.

Hà Nội đã làm hết sức thận trọng việc xây dựng ga ngầm C9

Báo Kinh tế Đô thị đưa tin, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội rất thận trọng trong việc xây dựng phương án, đánh giá chuyên môn, xin ý kiến nhân dân cũng như các bộ ngành…

Quy hoạch ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).

Phối cảnh kiến trúc cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.
Hiện phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đang được đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến nhân dân.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 30/8, Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư. Với vị trí ga thứ 9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, chúng tôi cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành.
“Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn”, Thứ trưởng đánh giá.
Theo Thứ trưởng, việc lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải… Cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân.
Tuy nhiên có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VHTT&DL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này, theo tôi, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép.