Thứ năm, 25/04/2024 14:55 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/11/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 17/11/2019 14:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/11/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/11/2019 trong nước và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Lễ hội Dừa Bến Tre 2019

Tối 16/11, tại thành phố Bến Tre đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ 5 năm 2019 với chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững".

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân, du khách tham dự lễ khai mạc.

Với chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững", Lễ hội Dừa lần thứ 5 nhằm quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung. Sự kiện cũng tạo cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa, thúc đẩy liên kết, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa.

Hiện diện tích dừa của Bến Tre đạt gần 72.000 ha, chiếm 50% diện tích dừa cả nước, với 163.000 hộ dân trồng dừa, cho sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu gần 200 triệu USD.

Kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về quyền Trẻ em

Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức diễn ra tối 16/11 tại Hà Nội.

Dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; bà Rana Flower, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em trên đất nước mình.

Nhấn mạnh về việc trong ba mươi năm qua những điều được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, ở nhiều quốc gia tuổi thơ của trẻ em vẫn còn bị đe dọa. Vẫn còn nhiều trẻ em chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột vũ trang, bị tách rời khỏi cha mẹ, bị ảnh hưởng bởi mặt tiêu cực của sự phát triển của công nghệ số, sự biến đổi của môi trường, hoặc do sự di cư, đô thị hóa. Cho đến hôm nay, Công ước vẫn có giá trị kêu gọi đẩy mạnh thực hiện quyền của trẻ em.

Cần hành động mạnh mẽ hơn trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam để không chỉ quyền của trẻ em được thực hiện mà còn vì các Mục tiêu Phát triển bền vững cho trẻ em, tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Việc đảm bảo giải quyết một cách có hiệu quả những nguy cơ vi phạm quyền trẻ em cùng cần được thực hiện.

Theo ông Đào Ngọc Dung, hướng tới tương lai phát triển bền vững, giải quyết những thách thức dựa trên nguồn nhân lực cần bắt đầu từ trẻ em; bằng đầu tư vào các dịch vụ có chất lượng để trẻ em được sống khỏe mạnh, có dinh dưỡng tốt, được giáo dục và được bảo vệ một cách tốt nhất. Các nhà kinh tế học đã chứng minh, đầu tư vào trẻ em mang lại nguồn lợi nhiều nhất về phát triển kinh tế, bảo đảm hòa bình và sự phát triển của xã hội.

“Vì vậy chúng ta cần phải cam kết hành động khẩn trương, mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ, tăng cường quyền cho tất cả trẻ em ở Việt Nam, ngay trong hiện tại và cho các thế hệ tương lai”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Hôm nay (17/11), tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông

Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông sẽ được tổ chức tại TP.HCM với thông điệp "Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại".

Lễ tưởng niệm gửi tới cộng đồng cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông. Cùng với đó là kêu gọi sự chung tay hành động ngăn chặn tai nạn giao thông.

Tại Việt Nam, mỗi ngày hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà do tai nạn giao thông. Trong 10 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 14.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.300 người, bị thương gần 11.000 người. Từ năm 2005, Liên Hiệp Quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba tháng 11 hàng năm để tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Khai mạc lễ hội hoa tam giác mạch “Sắc hồng Cao nguyên đá”

Tối 16/11, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai mạc Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 5 năm 2019.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã tới tham dự.

Lễ hội "Hoa Tam giác mạch" năm nay có nhiều hoạt động từ tháng 10 cho đến hết tháng 12 trên khắp vùng cao nguyên đá. Những năm gần đây, hoa tam giác mạch của Hà Giang đã trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Hà Giang có nhiều thế mạnh với các thắng cảnh như ruộng bậc thang, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều di sản được công nhận cấp quốc gia… Khách du lịch đến Hà Giang tăng trung bình 14%/năm.

Indonesia lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới

Giới chức Indonesia cho biết nước này sẽ bắt đầu xây dựng thủ đô mới vào năm 2021, với mục tiêu đưa trung tâm hành chính trung ương đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2024.

Dự kiến, vào tuần tới, các bộ, ban, ngành liên quan sẽ đệ trình lên Tổng thống Joko Widodo một sắc lệnh về việc thành lập cơ quan có thẩm quyền trong việc chuẩn bị, di chuyển và xây dựng thủ đô mới. Phát biểu sau cuộc họp kín với nhiều quan chức cấp cao, Bộ trưởng Điều phối Biển và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết kế hoạch di chuyển thủ đô sẽ được chuẩn bị trong vòng một năm để bắt đầu triển khai vào đầu năm 2021 và hoàn tất vào năm 2024.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết cơ quan nêu trên dự kiến sẽ được thành lập trước cuối năm nay, với thành phần gồm các chuyên gia trung lập và sẽ báo cáo trực tiếp với Tổng thống Joko Widodo.

Cũng theo Bộ trưởng Monoarfa, hiện vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý cần xác định và làm rõ, ví dụ thủ đô mới sẽ hưởng quy chế vùng tự trị hay vùng đặc biệt, quy chế của "cố đô" Jakarta, mối quan hệ giữa chính quyền thủ đô mới với chính quyền trung ương, hay chức năng của thủ đô mới với tư cách là "thủ đô của quốc gia" hay chỉ là "thủ đô hành chính"…

Ngày 26/8 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta - thành phố đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng - đến vùng đất rộng 180.000 ha tại tỉnh Đông Kalimantan, cách thủ đô hiện nay khoảng hai giờ bay. Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (khoảng 32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư chịu trách nhiệm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 17/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.