Thứ bảy, 20/04/2024 04:56 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/5/2020

MTĐT -  Thứ năm, 21/05/2020 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/5/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/5/2020.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Tại Quyết định 668/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thái Nguyên giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Ông Trần Quốc Tỏ sinh năm 1962 tại tỉnh Ninh Bình. Ông Trần Quốc Tỏ từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an; Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thái Nguyên.

Khai trừ Đảng một trường hợp gian lận trong công tác bầu cử tại cơ sở

Ngày 20/5, ông Nguyễn Cao Song, Bí thư Huyện ủy Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) xác nhận việc khai trừ Đảng đối với một trường hợp do gian lận trong công tác bầu cử tại cơ sở.

Trước đó, ngày 13/5/2020, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau khi các đại biểu thực hiện xong phần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là Trưởng ban kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoài (sinh năm 1962, là văn thư, thủ quỹ tại xã này) đã bê hòm phiếu từ tầng 2 xuống tầng 1 hội trường UBND xã để kiểm phiếu. Lợi dụng sự lơ là của các thành viên Tổ kiểm phiếu, ông Hoài đã lấy hàng chục phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng các phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Hành vi này bị một số đại biểu dự Đại hội phát hiện và báo cáo Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng thời yêu cầu dừng Đại hội để xác minh, xử lý.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Huyện ủy Kiến Xương đã báo cáo Tỉnh ủy Thái Bình xin ý kiến chỉ đạo về việc này.

Ngày 14/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Xương đã cử Đoàn công tác xuống làm việc, chỉ đạo địa phương tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt, tổ chức hội nghị gồm những đảng viên là đại biểu dự Đại hội Đảng bộ xã để xin ý kiến, thống nhất biện pháp xử lý.

Ngày 19/5, Chi bộ thôn Bình Trật Bắc, Đảng bộ xã An Bình (Kiến Xương) đã quyết định khai trừ Đảng. UBND xã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Hoài.

Sáng 20/5, Đại hội Đảng bộ xã An Bình tiếp tục được tổ chức các phần còn lại của Đại hội. Tại Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã miễn nhiệm tư cách dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã đối với ông Nguyễn Xuân Hoài.

Hiệp định EVIPA tăng gắn kết kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-EU

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương và trên trường quốc tế.

Ngày 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Trong phiên họp chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (sau đây gọi tắt là Hiệp định EVIPA).

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nội dung về bảo hộ, tự do hóa đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư đã được đàm phán như một phần của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2012.

Tuy nhiên, sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên nên EU đề xuất tác Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU thành 2 hiệp định riêng biệt gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Phó Chủ tịch nước cho biết, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định gồm 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục.

Về tác động của hiệp định, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Hiệp định EVIPA quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc.

'Ngâm' sổ đỏ của dân 17 năm, 2 phó chủ tịch quận bị kiểm điểm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận nội dung tố cáo đối với UBND huyện Từ Liêm trước đây (nay là quận Bắc Từ Liêm) về vi phạm khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân ở xã Thụy Phương (nay là phường Thụy Phương).

Theo kết luận, 3 hộ gia đình ông Lê Văn Thông, ông Lê Văn Củ và bà Nguyễn Thị Gái được xét, cấp sổ đỏ vào năm 2001 đúng trình tự, thủ tục quy định.

Ngày 1-8-2001, UBND huyện Từ Liêm có quyết định cấp sổ đỏ đất ở đợt 1 cho 101 hộ gia đình cá nhân ở xã Thụy Phương. Trong đó, có hộ gia đình ông Thông, ông Củ và bà Gái.

Theo quy trình, UBND huyện Từ Liêm bàn giao sổ đỏ đất ở của 3 hộ gia đình cho UBND xã Thụy Phương để giao trả cho người dân nhưng không có tài liệu chứng minh đã bàn giao. Mặt khác, UBND phường Thụy Phương cũng báo cáo chưa từng nhận được sổ đỏ của 3 hộ dân nói trên nên chưa bàn giao.

Kết luận của UBND TP.Hà Nội cho rằng khiếu nại, tố cáo của người dân là đúng. Quận Bắc Từ Liêm có trách nhiệm sớm bàn giao sổ đỏ cho 3 hộ dân nêu trên.

Để xảy ra việc 17 năm không trả sổ đỏ cho các hộ dân là trách nhiệm của UBND huyện Từ Liêm và Phòng địa chính huyện Từ Liêm trước đây (nay là UBND quận Bắc Từ Liêm và Phòng tài nguyên môi trường quận Bắc Từ Liêm).

Liên quan đến việc cấp sổ đỏ khu đất (thửa đất số 179) của hộ gia đình ông Lê Văn Củ tại phường Thụy Phương được cấp sổ đỏ vào năm 2001 cùng với 101 hộ dân khác (nhưng không được nhận bàn giao sổ đỏ), đến năm 2006, ông Lê Ngọc Hà (con trai ông Lê Văn Củ) tiếp tục lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho thửa đất 179.

UBND huyện Từ Liêm đã cấp sổ đỏ cho thửa đất này vào tháng 9-2006. Như vậy, cùng 1 thửa đất, UBND huyện Từ Liêm đã cấp sổ đỏ cho 2 người khác nhau. Đến năm 2017, quận Bắc Từ Liêm đã thu hồi lại sổ đỏ đã cấp cho ông Hà.

Việc người dân tố cáo huyện Từ Liêm cấp 2 sổ đỏ cho 2 chủ sử dụng đất khác nhau trên cùng 1 thửa đất số 179 là đúng. Việc để xảy ra tồn tại này, trách nhiệm là của ông Dương Xuân Thu, là cán bộ địa chính (đã mất); ông Nguyễn Ngọc Nam, nguyên chủ tịch UBND xã Thụy Phương; ông Nguyễn Tiến Quang, nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Từ Liêm; bà Nguyễn Thị Sơn, nguyên trưởng Phòng tài nguyên môi trường huyện Từ Liêm và bà Nguyễn Thị Nắng Mai, nguyên giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Từ Liêm (nay là phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm).

Liên quan đến việc giao đất đai tại huyện Từ Liêm cũ (nay là quận Bắc Từ Liêm) năm 1992, UBND TP Hà Nội có quyết định cho phép UBND xã Thụy Phương sử dụng 8.000m2 đất để cấp cho 87 hộ dân làm nhà ở.

Tuy nhiên, UBND xã Thụy Phương tự ý chuyển đổi vị trí giao đất cho các hộ, hộ bà Nguyễn Thị Hải được giao vào vị trí khu vực ao Đồng Hoàng là không đúng so với vị trí đất mà UBND TP Hà Nội cho phép.

Năm 2005, hộ bà Hải có đơn xin cấp sổ đỏ cho diện tích đang sử dụng là 332m2 ở khu vực ao Đồng Hoàng, không thuộc hai khu vực mà UBND TP Hà Nội cho phép cấp vào năm 1992. Tuy nhiên, UBND huyện Từ Liêm đã cấp sổ đỏ không đúng nguồn gốc đất cho hộ bà Hải là sai quy định.

Khi có sự thay đổi về nguồn gốc đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng tài nguyên môi trường huyện Từ Liêm không trả hồ sơ cho xã Thụy Phương để hoàn thiện lại hồ sơ thì trình tự, thủ tục cấp xét chưa đảm bảo quy định.

Công bố Nghị quyết của UBTVQH về công tác cán bộ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành các Nghị quyết phê chuẩn nhân sự.

Cụ thể, tại Nghị quyết 939/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Quốc Toản, kể từ ngày 7/5/2020.

Đồng thời, tại Nghị quyết 940/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đỗ Xuân Tuyên, kể từ ngày 7/5/2020.

Tại Nghị quyết 942/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Ninh.

Tại Nghị quyết 943/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV đối với ông Triệu Thế Hùng.

Ông Triệu Thế Hùng tiếp tục làm Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV.

Tại Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bà Nguyễn Thị Thu Hà chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...