Thứ ba, 19/03/2024 09:29 (GMT+7)

TT Phạm Minh Chính: “Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”

MTĐT -  Thứ bảy, 15/05/2021 18:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quyết tâm phòng chống dịch hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới

Ngày 15/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá sát tình hình thực tế, đề xuất những giải pháp trọng tâm nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà ngành y tế phải đối mặt, giải quyết; đồng thời biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế trên tuyến đầu, mỗi y bác sĩ, mỗi cán bộ, người lao động ngành y thực sự là một chiến sĩ, cống hiến, đóng góp, hy sinh cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. (Nguồn: Dương Giang/TTXVN)

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc sáng 15/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Về tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng khẳng định sẽ sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Đáng chú ý, sẽ hình thành cơ quan kiểm soát bệnh tật 2 miền. Bộ cũng sẽ tập trung xây dựng thể chế, trong đó năm 2021 hoàn thành dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Nâng cao năng lực y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phòng chống hiệu quả các dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, “mỗi người dân mỗi năm được khám sức khỏe sàng lọc ít nhất một lần”.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 như đạt tỷ lệ 28 giường bệnh/10.000 dân; 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đạt 6/7 các chỉ tiêu cụ thể khác trên từng lĩnh vực được Chỉnh phủ giao. Công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân được đảm bảo.

Công tác khám chữa bệnh được nâng lên, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng từ 80,8% năm 2018 lên 83,62%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú tăng từ 74,8% năm 2018 lên 78,9%. Ngành y tế đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học, tiến bộ y học, công nghệ thông tin vào các hoạt động y tế...

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, ông và lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.

Một vấn đề khác, một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật, Bộ đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương sớm triển khai.

Đánh giá chung về ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo các xếp hạng toàn cầu, tiêu chí về chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đứng trong tốp 50, tương đương với các nước có thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng dịch vụ y tế đứng thấp hơn, trong đó giá thành dịch vụ và hạ tầng thấp nhất; tiêu chí về khám sàng lọc đứng thứ 104 theo xếp hạng của Quỹ Bill và Melinda Gates…

Trong các thành tích nổi bật của ngành y tế, Phó Thủ tướng cho rằng ngành dược đạt được tiến bộ rất lớn, khi giá thuốc ở Việt Nam từ chỗ cao thứ hai ASEAN đến nay đã xuống thấp nhất khu vực. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN.

Những kết quả, thành tựu đạt được của ngành Y tế là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, y bác sĩ của ngành y tế, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, trí thức ngang tầm quốc tế của ngành.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm phòng chống, đẩy lùi dịch COVID-19, coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân là trước hết, trên hết; trước mắt bảo vệ an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phấn đấu đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. “Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh ngành y tế và các ngành, các cấp cần thực hiện mạnh mẽ, tích cực xét nghiệm chủ động. Đẩy mạnh ứng công nghệ bắt buộc theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông vào phòng, chống dịch.

Tăng cường vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm có nguy cơ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, mô hình tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là những người, lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch như y tế, công an, quân đội..., đồng thời xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị lơ là, chủ quan và không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”. Các địa phương đã làm tốt, có kinh nghiệm, đã kiểm soát được dịch bệnh, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh… chi viện, giúp đỡ các địa phương khác về nhân lực, vật lực, tiêu thụ hàng hóa... Người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly, người không mắc bệnh hỗ trợ người mắc bệnh.

“Trong hơn một năm qua, ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã đi đúng hướng trong chỉ đạo phòng chống dịch, chúng ta không hoảng hốt, không mất bản lĩnh, cần tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh với phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu kép”, Thủ tướng yêu cầu.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà ngành y tế phải đối mặt, giải quyết; đồng thời biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế trên tuyến đầu, mỗi y bác sĩ, mỗi cán bộ, người lao động ngành y thực sự là một chiến sĩ, cống hiến, đóng góp, hy sinh cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”./.

PV (t/h)

Bạn đang đọc bài viết TT Phạm Minh Chính: “Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Công an quận Tây Hồ tổ chức hội nghị tổng kiểm tra
Chiều ngày 15/3/2024, CA quậnTây Hồ đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền vận động và kiểm tra, xử lý đối với tất cả các xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.