Thứ tư, 24/04/2024 23:04 (GMT+7)

Xây đập trên sông Mê Công sẽ lấy đi nguồn dinh dưỡng của hàng triệu người

MTĐT -  Thứ ba, 28/08/2012 13:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công có thể phá hủy nguồn thủy sản và do đó lấy đi nguồn dinh dưỡng của 60 triệu người dân trong khu vực.

Tác động của các con đập này sẽ không chỉ dừng lại đối với dòng chảy Mê Công, bởi người dân trong khu vực sẽ quay sang phụ thuộc vào nông nghiệp để bù đắp nguồn ca-lo, dinh dưỡng và chất vi lượng từ nguồn lợi thủy sản bị mất đi. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới nhất do WWF và Đại học Quốc gia Ôt-x-rây-li-a thực hiện.

Hiện nay có 11 dự án đập được đề xuất xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mê Công và 77 dự án đập khác trên toàn bộ lưu vực sông vào năm 2030. Nghiên cứu “Đập trên sông Mê Công: Mất nguồn dinh dưỡng thủy sản và mối quan hệ đối với nguồn đất và nguồn nước” đã tính đến hai kịch bản: sự thay thế nguồn dinh dưỡng thủy sản do ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xây dựng 11 đập trên dòng chảy chính, và sự thay thế nguồn dinh dưỡng do ảnh hưởng trực tiếp của việc xây dựng toàn bộ 88 đập.

Theo nghiên cứu, khi tất cả 11 dự án đập trên dòng chính được hoàn thành, nguồn thủy sản sẽ giảm 16%, gây thiệt hại về tài chính ước tính lên tới 476 triệu đô la hàng năm. Nếu tất cả 88 đập được xây dựng, nguồn thủy sản bị mất đi có thể là 37.8%.

Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Stuart Orr, cán bộ quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF Quốc tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách thường không đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản nội địa trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Ông cho biết: “Các quốc gia sông Mê Công đang theo đuổi kế hoạch phát triển kinh tế và họ nhìn thấy cơ hội phát triển từ các đập thủy điện. Nhưng trước tiên, các quốc gia này cần phải hiểu một cách đầy đủ và xem xét các giá trị kinh tế và xã hội do dòng chảy Mê Công tự do thực sự mang lại.”

Hạ lưu sông Mê Công, chảy qua các quốc gia Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, được biết tới bởi giá trị đa dạng sinh học cao với hơn 850 loài cá nước ngọt. Nguồn thủy sản này đóng vai trò trọng yếu đối với nguồn dinh dưỡng và kinh tế của khu vực, trực tiếp cung cấp thức ăn và sinh kế cho 80% của 60 triệu dân trong vùng.

Nghiên cứu đồng thời cũng tìm hiểu tác động lên nguồn đất và nguồn nước nếu người dân bắt buộc phải chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm và các sinh kế khác để đáp ứng nguồn dinh dưỡng cần thiết. Ngoài 1.350km2 diện tích đất mất do xây đập chứa nước, các quốc gia sẽ mất thêm ít nhất 4.863km2diện tích đất để làm đồng cỏ cho chăn nuôi gia súc nhằm thay thế nguồn dinh dưỡng bị mất từ thủy sản. Nếu tất cả các đập được xây dựng, tổng diện tích cần huy động ước tính sẽ là 24,188km, trong đó 63% dành cho chăn nuôi gia súc.

Nhu cầu về nguồn nước sẽ tăng từ 6% tới 17%. Nhưng những con số này chưa phản ánh được thực tế là nhu cầu của Cam-pu-chia và Lào thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Đối với kịch bản thứ nhất, với 11 đập được xây dựng trên dòng chảy chính, Cam-pu-chia sẽ phải mất thêm 29%-64% lượng nước cho nông nghiệp và chăn nuôi; con số này đối với Lào là 12%-24%. Với kịch bản thứ 2, khi 88 đập được hoàn thành, con số này sẽ gia tăng một cách kịch tính: tăng 42%-150% đối với Cam-pu-chia và 18%-56% đối với Lào.

Ông Orr quan ngại: “Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần phải tự hỏi rằng họ sẽ tìm nguồn nước và đất gia tăng này ở đâu. Dòng Mê Công có thể cung cấp nguồn nước, thực phẩm và nguồn năng lượng.Nếu các chính phủ tập trung vào nguồn năng lượng, sẽ có những tác động thực tế đối với nguồn lương thực, nước – và con người.”

Báo cáo, được đăng trên tạp chí Thay đổi Môi trường Toàn cầu(Global Environmental Change) và được trình bày trong Tuần lễ Nước Toàn cầu tại Stốc-hôm, ra mắt vào đúng thời điểm quan trọng khi cuộc tranh luận về phát triển thủy điện đang diễn ra trong khu vực. Hoạt động xây dựng đang được tiến hành tại công trường đập thủy điện gây nhiều tranh cãi – Xay-a-bu-ri tại Lào, bất chấp quyết định hoãn tiến hành dự án để nghiên cứu thêm do Ủy ban sông Mê Công liên quốc gia đưa ra. Xay-a-bu-ri có thể sẽ là con đập đầu tiên được xây dựng trên dòng chảy chính phía hạ lưu sông Mê Công.

“Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này có thể giúp bổ xung phần nào những thiếu hụt thông tin về các tác động của các con đập,” Tiến sĩ Jamie Pittock, Khoa Chính sách Cộng đồng C-ra-phốt của Đại học Quốc gia Ôt-x-rây-li-a, đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

WWF hối thúc các quốc gia hạ lưu sông Mê Công trì hoãn việc xây dựng đập trong vòng 10 năm để có đủ thời gian thu thập các dữ liệu quan trọng và quyết định đưa ra khi đó sẽ được dựa trên những bằng chứng khoa học và phân tích có cơ sở. WWF khuyến nghị các quốc gia hạ lưu sông Mê Công nên xem xét việc xây dựng nhà máy thủy điện trên các nhánh phụ của sông, nơi dễ tiếp cận hơn và được coi là có tác động nhỏ hơn và ít rủi ro hơn.

                                                                   Nguồn Tinmoitruong.vn

Bạn đang đọc bài viết Xây đập trên sông Mê Công sẽ lấy đi nguồn dinh dưỡng của hàng triệu người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.