Thứ năm, 18/04/2024 12:55 (GMT+7)

Xử lí rác thải: Bài toán khó về công nghệ

MTĐT -  Thứ năm, 20/02/2014 09:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chưa bao giờ, vấn đề môi trường và xử lí rác thải lại được các quốc gia đặc biệt quan tâm như hiện naỵ. Tuy nhiên, tại Việt Nam vấn đề này đang gặp khó vì thiếu vốn và công nghệ.

Theo số liệu thống kê mới đây, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại VN ước tính khoảng 12,8 triệu tấn /năm, trong đó khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm (chiếm 54%) lượng chất thải rắn còn lại tập trung tại các huyện lỵ, thị xã, thị trấn. Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ khoảng 22 triệu tấn/năm.

Phó mặc ve chai ?

Trong khi đó, công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở VN hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp, với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/một đô thị. Thế nhưng, ngay tại các khu vực vận hành các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh đang xử lý đến hơn 90% khối lượng rác sinh hoạt hàng ngày lại đang có nguy cơ mùi hôi và khó khăn trong xử lý nước rỉ rác vẫn hiện hữu.

Chia sẻ với DĐDN, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, xử lý chất thải rắn hiện nay ở VN chủ yếu vẫn là chôn lấp do hoạt động tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Các cơ sở tái chế đa số ở quy mô vừa và nhỏ, đa phần là các hộ sản xuất cá thể tại các làng nghề với công nghệ và dây chuyền sản xuất tái chế lạc hậu, trang thiết bị thô sơ, thủ công. Đơn cử như, trên địa bàn TP HCM đã hình thành và ngày càng phát triển hệ thống phân loại, thu gom, thu mua và tái chế các loại phế liệu từ chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế và xây dựng. Ông Thịnh cho biết thêm, theo thống kê sơ bộ, có khoảng 15.000 - 16.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực thu gom “ve chai” trong đó có khoảng 5.000 - 5.500 lao động vừa thực hiện công tác thu gom rác thải, vừa phân loại, thu nhặt các loại rác phế liệu để cung cấp cho các vựa thu mua rồi tái chế ra những sản phẩm nhựa rẻ tiền.

Nếu như Nhật Bản, Singapore được đáng giá là một trong những nước Châu Á đi đầu trong việc bảo vệ môi sinh, đặc biệt là xử lý rác thải thì VN lại phó mặc cho ve chai với việc thu gom nhỏ lẻ rồi tái chế sơ sài đã vô tình tác động ngược lại đối với môi trường mà bản thân con người không thể nhận biết được - ông Thịnh chia sẻ.

“Trông người mà ngẫm đến ta”

Theo chia sẻ của GS TS Đặng Thị Kim Chi -  Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Hôi Bảo vệ TN - MT VN, VN hiện có 22% số tỉnh đã ban hành quy định khuyến khích phân loại rác tại nguồn, nhưng thực tế chỉ có 7% các tỉnh áp dụng quy định này. Ngoài ra, trên 55% các tỉnh vẫn còn sử dụng chung một thùng đựng cho các loại rác. Do vậy, nhận thức về lợi ích của việc giảm và tái chế chất thải cũng như năng lực của tỉnh để thực hiện các hoạt động này vẫn còn hạn chế.

Dự báo tại VN tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 khoảng 22 triệu tấn/năm

Trong khi đó, đối với Nhật Bản, theo số liệu của Cục Y tế và Môi sinh Nhật Bản, hàng năm nước này có khoảng 450 triệu tấn rác thải, trong đó phần lớn là rác công nghiệp (397 triệu tấn). Trong tổng số rác thải trên, chỉ có khoảng 5% rác thải phải đưa tới bãi chôn lấp, trên 36% được đưa đến các nhà máy để tái chế. Số còn lại được xử lý bằng cách đốt, hoặc chôn tại các nhà máy xử lý rác. Chi phí cho việc xử lý rác hàng năm tính theo đầu người khoảng 300 ngàn JPY (khoảng 2.500 USD. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã ban hành 37 đạo luật về bảo vệ môi trường,...

Đối với Singapore, xử lý rác thải đã trở thành vấn đề sống còn. Hiện toàn bộ rác thải ở Singapo được xử lý tại 4 nhà máy đốt rác. Sản phẩm thu được sau khi đốt được đưa về bãi chứa trên hòn đảo nhỏ Pulau Semakau, cách trung tâm thành phố 8 km về phía Nam. Chính quyền Singapore khi đó đã đầu tư 447 triệu USD để có được một mặt bằng rộng 350 ha chứa chất thải.

Trong chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý. Để thực hiện mục tiêu này, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn để áp dụng vào điều kiện cụ thể đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương.

MAI THANH

Bạn đang đọc bài viết Xử lí rác thải: Bài toán khó về công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.