Thứ sáu, 29/03/2024 12:45 (GMT+7)

Thời tiết cực đoan - hậu quả kinh khủng nhất của biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ sáu, 12/01/2018 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018 thế giới đồng thời phải hứng chịu 2 hình thái khí hậu cực đoan trái ngược nhau. Theo các chuyên gia đây là một hậu quả của việc biến đổi khí hậu.

Trong hàng thập kỷ qua, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn như nhiệt độ gia tăng vào mùa hè, băng giá kỷ lục vào mùa đông, cùng với các hệ lụy như hạn hán, lũ lụt, bão, cháy rừng diễn ra khắc nghiệt và thường xuyên hơn. Những ngày này, thế giới đang phải hứng chịu một phần hậu quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Nơi lạnh như sao Hỏa

Nước Mỹ đang trải qua một mùa đông kinh hoàng nhất, ở nhiều nơi nhiệt độ đã giảm xuống chỉ còn -70 độ C.

Ngày 7/1 vừa qua, nhiệt độ tại đỉnh núi Washington, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ, hạ xuống mức -68 độ C, lập kỷ lục lạnh thứ hai trên hành tinh (sau Nam Cực).

“Bom bão tuyết” đổ bộ vào nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 19 người và cho tới nay, tuyết vẫn bao phủ một khu vực rộng lớn từ bang Texas đến Wisconsin. Hoạt động giao thông tại miền Đông nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người dân Mỹ trải qua mùa đông lạnh giá.

Hơn 6.000 chuyến bay bị hủy hoặc trì hoãn do ảnh hưởng từ bão tuyết. Trong đó, sân bay quốc tế John F.Kennedy ở New York và sân bay Charleston ở Nam Carolina là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cái lạnh kỷ lục đã khiến thác nước Niagara nằm ở đường biên giới giữa Mỹ và Canada đóng băng và ngay cả sa mạc Sahara – nơi được mệnh danh là chảo lửa thế giới cũng có tuyết rơi.

Cùng chung tình cảnh với Mỹ, Trung Quốc cũng đang vật lộn với mùa đông lạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Thời tiết lạnh kéo dài và lan rộng khiến một số khu vực có nhiệt độ xuống dưới mức trung bình 5-10 độ C. Sáng ngày 9/1 (theo giờ địa phương), nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy giảm từ -8 độ C xuống -13 độ C, Hồ Nam, Chiết Giang và Giang Tây giảm từ -3 độ C xuống - 7 độ C.

Lạnh đến nỗi nhiều phụ nữ tại Trung Quốc phải đắp chăn ra ngoài đường.

Trước đó, cơn bão tuyết thứ nhất tràn vào Trung Quốc vào tuần trước đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và của. Bộ nội vụ Trung Quốc cho biết, bão tuyết khiến 21 người thiệt mạng, hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 3.700 người phải bỏ nhà cửa vì 700 ngôi nhà sập và khoảng 2.800 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng do tuyết. Hàng trăm nghìn ha cây trồng cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 847 triệu USD.

Bão tuyết cũng làm hỏng nhiều công trình giao thông của nước này. Riêng tỉnh An Huy, 23 đường cao tốc đã ngừng hoạt động và ít nhất 21 địa điểm du lịch tại tỉnh Hồ Nam đóng cửa. Ít nhất 17 sân bay tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, 3 sân bay đóng cửa hoàn toàn và hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ hoặc chậm trễ.

Nơi nắng nóng kỷ lục

Trái ngược với hình thái thời tiết trên, thì tại TP Sydney của Australia lại đang phải chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng 80 năm qua với mức nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 47,3 độ C và được dự báo nhiệt độ sẽ có thể tiếp tục tăng. Cùng đó, người dân Sydney được kêu gọi hạn chế ra ngoài trời nóng và uống nhiều nước. Cơ quan Cứu hỏa của nước này cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại khu vực Sydney và Hunter.

Nhiệt độ hôm 7/1 đã vượt ngưỡng cao nhất kể từ năm 1939 tới nay, một đoạn trên đường cao tốc Hume dài 10 km bắt đầu tan chảy do nắng nóng. Chính phủ nước này đã phải ban hành lệnh cấm lửa ở nhiều nơi.

Một đoạn đường cao tốc tại Úc bị chảy nhựa đường vì nắng nóng.

Người dân Úc vật lộn với cái nóng khắc nghiệt.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, trong cùng một thời gian mà thế giới xảy ra hai hiện tượng thời tiết cực đoan, đối lập chính là dấu hiệu của biến đổi khí hậu.

Theo Jonathan Overpeck, chuyên gia khí hậu từ ĐH Michigan, cả 2 hiện tượng này đều là biểu hiện của quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Khí nhà kính do các hoạt động của con người thải ra khiến Trái đất nóng lên từng ngày. Những thay đổi về nhiệt độ không trực tiếp gây ra cực đoan cho thời tiết, nhưng góp phần khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn.

Theo ông, trong quá trình Trái đất nóng lên, vùng Bắc Cực chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Nơi đây nóng lên nhanh hơn, khiến lượng băng giá quanh khu vực sụt giảm nghiêm trọng khi đông đến.

Băng giảm, tức là nhiệt sẽ được luân chuyển nhiều hơn giữa đại dương và khí quyển, khiến những cơn gió xoáy tại vùng Bắc Cực suy yếu.

Vấn đề nằm ở chỗ, gió xoáy vốn đóng vai trò như một lớp "cách nhiệt" cho cả Bắc bán cầu khỏi cái lạnh khắc nghiệt vùng cực. Gió yếu đi, nhiệt độ siêu lạnh trong không khí vùng cực có xu hướng di chuyển xa hơn về phía Nam, tạo ra những mùa đông lạnh hơn đối với một số khu vực.

Nhưng không phải ở đâu cũng giống nhau. "Tác động của biến đổi khí hậu không giống nhau giữa các khu vực. Có thể lúc này sân nhà bạn lạnh kinh khủng, nhưng ở đâu đó, họ đang được trải nghiệm một mùa đông ấm áp hơn bình thường." - Overpeck cho biết.

Mùa đông ấm hơn, nước ở một số khu vực ít bị đóng băng, nhưng lại tạo điều kiện để nơi khác có tuyết rơi vì hơi nước trong không khí lúc này nhiều hơn bình thường. Đó là sự khác biệt về tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Jean-Pascal van Ypersele, phó chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu Toàn cầu của Liên hợp Quốc (IPCC), thời tiết cực đoan chỉ là một bằng chứng cho thấy những biến đổi về thời tiết đang trở nên rõ ràng hơn.

Lý giải về hiện tượng thời tiết này, ông Quách Tất Quang, quyền Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ozone và Phát triển kinh tế carbon thấp, cục Biến đổi khí hậu cho biết: “Hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở khắp các nơi trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do biến đổi khí hậu. Nhiều nhà khoa học và nhiều chính trị gia đã thừa nhận nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu có phần đóng góp không nhỏ từ chính các hoạt động của con người”.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Thời tiết cực đoan - hậu quả kinh khủng nhất của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới