Thứ năm, 25/04/2024 12:29 (GMT+7)

Thời tiết khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu trở lại

MTĐT -  Thứ năm, 09/04/2020 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 21h ngày 8/4 đến 8h ngày 9/4, chất lượng không khí (CLKK) tại các điểm quan trắc tại Hà Nội liên tục chạm ngưỡng “Xấu”.

Những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện rõ rệt. Nhiều ngày liên tiếp, chỉ số chất lượng không khí (AQI) chuyển sang màu xanh (mức tốt) và màu vàng (mức trung bình).

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nguyên nhân là ảnh hưởng từ dịch Covid-19, người dân được yêu cầu hạn chế đi lại, hoạt động giao thông giảm rõ rệt nên khói bụi và các chất gây ô nhiễm theo đó cũng giảm bớt giúp chất lượng không khí nhiều ngày ở mức tốt.

Chất lượng không khí Hà Nội quay lại ngưỡng "Xấu".

Tuy nhiên, từ 21h ngày 8/4 đến 8h ngày 9/4, chất lượng không khí (CLKK) tại các điểm quan trắc tại Hà Nội liên tục chạm ngưỡng “Xấu”, được thể hiện bằng màu đỏ.

Theo Chi Cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, sau khi gió mùa suy yếu, từ ngày 7/4 nồng độ bụi tại các điểm quan trắc có xu hướng tăng cao về ban đêm và sáng sớm (17h - 11h).

Theo đó, CLKK cũng suy giảm mạnh vào khoảng thời gian này. Về đêm nhiệt độ giảm xuống, độ ẩm tăng cao, tĩnh gió, xuất hiện sương mù tầng thấp, các chất ô nhiễm không phát tán được ra xa và xáo trộn giữa các tầng khí quyển mà bị tích tụ lại sát bề mặt đất.

Đến trưa chiều khi nhiệt độ tăng lên nồng độ bụi giảm, CLKK được cải thiện nhưng không đáng kể. Có thể thấy, điều kiện thời tiết đang tác động đến chất lượng không khí Hà Nội.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch ở Việt Nam nêu vấn đề, giao thông là một nguồn gây ô nhiễm không khí cho Hà Nội. Tuy nhiên, đóng góp do ô nhiễm giao thông là bao nhiêu % thì phải kiểm kê khí thải. Việc này chưa được Hà Nội thực hiện.

Việc cách ly xã hội với lượng tham gia giao thông giảm đến 80% song vẫn có thời điểm ô nhiễm cho thấy, cùng với nguồn giao thông, nhiều nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng khác của Hà Nội là xây dựng, cơ sở sản xuất, làng nghề, đặc biệt là hoạt động đốt không kiểm soát. “Đợt đại dịch lần này cho thấy cần có nhiều chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông và các nguồn khác”, ông Tùng nói.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, đang tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng không khí Hà Nội, đặc biệt khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 28/3 (sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hạn chế các phương tiện vận chuyển hành khách liên tỉnh từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giảm tần suất hoạt động các phương tiện giao thông công cộng) và từ ngày 1/4 (thực hiện Chỉ thị 16, toàn quốc cách ly xã hội). Từ đó sẽ có những đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, giao thông tới chất lượng không khí của khu vực đô thị tại Việt Nam.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thời tiết khiến chất lượng không khí Hà Nội xấu trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới