Thứ bảy, 20/04/2024 21:02 (GMT+7)

Thử đi tìm nguyên nhân phát thải Dioxin và Furan vào không khí

Kiêm Hào -  Chủ nhật, 03/12/2017 18:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong số báo ra ngày 28/11/2017, Môi trường & Đô thị điện tử có đăng bài viết: “Hiểm họa ung thư, dị tật từ xử lý rác bằng công nghệ đốt lạc hậu”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Rác thải sinh hoạt - sát thủ dấu mặt

Trong rác thải sinh hoạt chứa lẫn lộn rất nhiều bao bì nilon, cao su, chai lọ nhựa làm bằng PVC (Poly vinylclorua) có chứa các phân tử Clo, khi gặp nhiệt sẽ phát thải ra Dioxin và Furan, như bài trước chúng tôi đã phân tích - chất độc nhất mà con người từng tổng hợp nên; gây ngộ độc, dị tật, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch.

Đưa rác đến xe vận chuyển

Như vậy chúng ta bắt buộc phải làm tốt công tác phân loại rác đầu nguồn vừa giảm được sự phát thải Dioxin/Furan, CO2 vừa tái chế được nhựa và làm phân compost.

Kinh nghiệm phân loại rác ở các nước:

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Hệ thống phân loại rác của Nhật Bản tương đối phức tạp. Mỗi thành phố, thị trấn và quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, 23 khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác riêng, tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương trong khi giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng.

Phân loại rác thải ở Nhật Bản

Theo Waste Atlas, Nhật Bản xả tổng cộng 45.360.000 tấn rác mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới. Ngoài ra, 20,8% tổng lượng rác thải hàng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp polyethylene terephthalate (PET). PET là vật liệu phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tạp hóa trên khắp đất nước Nhật. Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.

Hệ thống xử lý rác của Nhật Bản

Ở Hàn Quốc, cách quản lý chất thải giống với Nhật Bản, nhưng cách xử lý lại giống ở Đức. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón. Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

Phân loạt rác ở Hàn Quốc

Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt.

Tại nhà máy Vestforbraending ở Copenhagen, nhà máy xử lý chất thải kiểu mới lớn nhất của Đan Mạch, xe tải chở chất thải phải dừng lại ở trạm cân xe trước khi vào nhà máy đổ rác. Rác được kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện chất thải có thể tái chế được và những người vi phạm bị phạt rất nặng. Morten Slotved, thị trưởng thành phố Horsholm, địa phương có thu nhập tính theo đầu người cao nhất Đan Mạch, cho biết nhà máy này đã giúp làm giảm chi phí sưởi ấm và nâng cao giá trị các ngôi nhà của người dân địa phương.

Phân loại rác ở Đan Mạch

Ở thành phố Horsholm (Đan Mạch), chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác và 1% (bao gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử) được chuyển tới bãi chôn lấp đặc biệt. 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy chuyển  chất thải thành năng lượng. Những nhà máy này đã sử dụng nhiều thiết bị sàng lọc mới, để loại ra những chất có thể gây ô nhiễm trước khi đưa rác vào lò đốt. Mức ô nhiễm trong khói của các nhà máy này thấp hơn tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của châu Âu từ 10 đến 20%. Những chất thải có thể gây ô nhiễm được xử lý theo phương pháp riêng, chứ không phải đem chôn lấp.

Ở Ấn Độ hàng năm thải bỏ gần 6,4 triệu tấn rác thải nguy hại, trong đó 3,09 triệu tấn có thể tái chế được, 0,41 triệu tấn có thể thiêu hủy và 2,73 triệu tấn sẽ phải đổ ra bãi chứa rác thải. Hầu hết rác thải có các đặc tính phù hợp cho việc tận dụng chúng làm nguyên liệu nguồn, cho việc khôi phục năng lượng hoặc các nguyên liệu như kim loại hay sử dụng chúng trong ngành xây dựng, chế tạo các sản phẩm cấp thấp hoặc cho khôi phục lại chính sản phẩm đó, mà sau khi sử lý có thể được sử dụng như là một nguyên liệu nguồn. Do vậy, một ý tưởng mới hình thành để xử lý rác thải nguy hại làm nguyên liệu nguồn thay vì là nguyên liệu khó thải bỏ.

Xử lý chất thải y tế ở Ấn Độ

Việc sử dụng các nhiên liệu thay thế hoặc các nhiên liệu tái chế từ rác thải (Refuse derived fuels – RDF) là một việc làm thông thường trong ngành công nghiệp xi măng Ấn Độ. Nhà máy sản xuất RDF đầu tiên đã được xây dựng trong năm 2006 bởi Grasim Industries tại nhà máy Adithya ở Rajasthan. Kể từ đó đến nay, chính phủ Ấn Độ đã cấp phép cho 22 nhà máy xi măng để xây dựng các nhà máy sản xuất RDF tương tự.

Phân loại rác ở TP.HCM: Chính quyền phải cương quyết.

TP.HCM có gần 13 triệu dân, mỗi ngày thải ra khoảng 8.700 tấn rác sinh hoạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Trung bình một ngày TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

TP. HCM phân loại rác

Trước đây, tại 3 thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ áp dụng thử nghiệm và đã có những kết quả bước đầu trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, đến nay, do thiếu nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn nhân lực triển khai thực hiện nên sau một thời gian tiến hành người dân không còn được cung cấp các bao bì để bỏ rác phân loại thì họ lại dùng mọi phương tiện có sẵn để chứa tất cả rác thải trong nhà trước khi bỏ ra ngoài cho đơn vị thu gom mang đi.

Thêm vào đó, do chưa thực sự quen với việc phân loại CTR tại nguồn nên tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia phân loại rác không cao. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, không hiệu quả dẫn đến dự án  phân loại rác tại nguồn của Tp.HCM thất bại.

Quy trình thu gom rác tại TP.HCM

Rác thải sinh hoạt từ hộ dân thường được gói trong bao bì nilon, nhựa bỏ vào thùng rác. Lực lượng thu gom rác dân lập đưa xe thô sơ đến lấy rác đem về bô rác của quận, huyện. Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM cho xe ép rác chở rác về trạm trung chuyển. Rác về đây được ép chặt, dùng xe chuyên dụng chở ra bãi chôn lấp.

Lực lượng thu gom rác dân lập thường hoạt động theo đường dây thu gom rác. Ví dụ như địa bàn Q.Bình Thạnh hiện có khoảng 22 đường dây thu gom rác dân lập với 3 xe tải, 27 xe máy ba gác và 13 thùng 660 lít (tự chế). Tương tự trên địa bàn Q.12 có khoảng 199 đường dây rác dân lập, lực lượng này do UBND các phường quản lý.

Liên quan đến việc thu phí, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho rằng, Quyết định 88 quy định thu phí vệ sinh đối với hộ gia đình từ 10.000-15.000 đồng/tháng, không đủ kinh phí hoạt động cho tổ rác dân lập, dẫn đến tình trạng không gom rác hộ dân đến 2-3 ngày khiến ruồi nhặng, hôi hám gây ô nhiễm môi trường.

Phân loại rác, bắt buộc mới thực hiện!

Trong quá trình PV đi tác nghiệp, khi được hỏi hầu hết mọi người đều nói sẽ phân loại rác nếu chính quyền bắt buộc phải phân loại. Khi chúng tôi đặt câu hỏi “tại sao lâu nay không tự giác phân loại rác để bảo vệ môi trường mà phải đợi chính quyền bắt buộc mới thực hiện”. Chị Hằng - trú ở đường Hoàng Diệu, quận Thủ Đức cho biết “Bảo vệ môi trường là chuyện của mấy ông nhà báo, nhà nước. Từ trước tới nay tôi chưa được tổ dân phố phổ biến phải phân loại rác nên chẳng dại gì ngồi mà bới móc rác ra cho thúi. Tuy nhiên chính quyền bắt phân loại thì tui làm, cũng chẳng mất thời gian lắm vì khi nấu nướng tiện tay làm luôn. Bắt buộc thì phải làm, nếu không mấy ông gom rác dân lập không lấy rác cho thì mệt!”

Để việc phân loại rác tại nguồn thực hiện được, theo chúng tôi chính quyền thành phố phải tuyên truyền đến người dân tác hại của việc tự ý đốt rác, không phân loại rác sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và ô nhiễm môi trường. Đồng thời chính quyền thành phố phải đưa ra các quy định xử phạt nghiêm khắc nếu để lẫn rác công nghiệp vào rác sinh hoạt.

Bắt buộc các trạm trung chuyển không tiếp nhận rác sinh hoạt chưa phân loại; bô rác không cho đổ rác lẫn nilon, nhựa; người thu gom rác dân lập không lấy rác của các hộ dân chưa phân loại…. Nếu làm đồng bộ, chặt chẽ và quyết tâm, chính quyền thành phố chắc chắn sẽ thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn.

Một trong những nguyên nhân quan trọng như chúng tôi phân tích trên đây, việc không phân loại rác, tự ý đốt rác cũng như các lò đốt công nghệ cũ không phân loại rác khi tiếp nhận sẽ làm tăng lượng phát thải dioxin và Furan vào không khí, mà người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là chúng ta, tự chúng ta làm hại bản thân và gia đình mình cũng như cộng đồng xã hội.

Bạn đang đọc bài viết Thử đi tìm nguyên nhân phát thải Dioxin và Furan vào không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất