Thứ bảy, 20/04/2024 17:32 (GMT+7)

Thu gom, xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng: Vấn đề không nhỏ

MTĐT -  Thứ sáu, 05/03/2021 08:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phòng, chống dịch Covid-19 đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong những biện pháp để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Nhu cầu đeo khẩu trang y tế tăng vọt cũng khiến vấn đề xử lý rác thải khẩu trang trở nên cấp bách.

Nguy cơ tiềm ẩn

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những chiếc khẩu trang luôn là vật bất ly thân với hầu hết mọi người khi ra đường. Đặc biệt, với ưu điểm tiện lợi, giá thành rẻ, khẩu trang y tế dùng một lần được người dân ưu tiên lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, điều đáng buồn, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế sau khi sử dụng vứt bừa bãi ở lề đường, gốc cây, cột điện… gây mất mỹ quan và có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi ngoài đường vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa là nguy cơ lây lan bệnh. Ảnh: Nam Thanh

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đa phần người dân Hà Nội đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Thế nhưng, dù chính quyền đã đưa ra quy định cũng như chế tài xử phạt về việc vứt khẩu trang, tại nhiều tuyến phố của Thủ đô những chiếc khẩu trang vẫn nằm lăn lóc. Bà Nguyễn Bích Hằng, sinh sống tại Phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Nhà tôi sát mặt đường, sáng mở cửa ra khẩu trang vứt trước cửa nhà là bình thường. Công nhân vệ sinh thường xuyên thu dọn nhưng nhiều người dân thiếu ý thức, đi qua đường tiện tay là vứt bừa bãi”.

Ở Việt Nam, thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 350 - 400 tấn rác thải y tế, trong đó có tới 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý. Còn trong thời điểm dịch bệnh này, số lượng rác thải y tế, khẩu trang y tế lớn gấp nhiều lần. Nguy hiểm hơn, chỉ tại các cơ sở y tế mới phân loại và xử lý khẩu trang theo quy chuẩn, còn lại đa số chưa được phân loại, vẫn lẫn trong rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn lớn về việc ô nhiễm môi trường cũng như dịch bệnh trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lây lan.

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng không thể tái chế

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào đầu năm mới Tân Sửu 2021, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, sau khi được loại bỏ, khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác và không còn tác dụng phòng bệnh, đặc biệt không thể tái chế. “Sức ép về xử lý chất thải là khẩu trang y tế ngày càng nặng, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của thiên nhiên, bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy. Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, không dệt nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Nếu cứ vứt ra môi trường mà không được xử lý triệt để bằng các phương pháp như đốt thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên loại bỏ khẩu trang bị ô nhiễm cùng với chất thải gia đình, bởi khi việc phân loại rác còn chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, phần lớn là rác thải hỗn hợp. Hỗn hợp rác thải chứa khẩu trang qua sử dụng với rác thải thông thường có thể gây nguy hiểm cho những người thu gom rác khi họ dùng tay nhặt các vật dụng có thể tái chế.

Cần giải pháp hiệu quả

Nhằm tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh từ khẩu trang cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường mùa dịch bệnh, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp để xử lý rác thải khẩu trang. Chính phủ đã có các văn bản pháp luật để xử phạt hành vi xả rác ra môi trường cũng như có những văn bản điều chỉnh trực tiếp việc thải bỏ khẩu trang y tế không đúng nơi quy định. Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 624/BYT-MT về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.

Nhiều địa phương ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu xử lý chất thải trên địa bàn, xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Như tỉnh Hải Dương - nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong đầu năm 2021, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 10 trường hợp vứt khẩu trang y tế không đúng nơi quy định. Tại Hà Nội, các quận, huyện, thị xã tăng cường xử lý đối với những người không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, người dân thiếu ý thức, dẫn đến việc vứt bừa bãi khẩu trang y tế sau khi sử dụng vẫn còn tái diễn, gây khó khăn trong việc xử lý loại rác thải này.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Xử lý rác thải khẩu trang y tế là vấn đề tuy nhỏ nhưng rất khó, bởi ngoài việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tự xử lý trước khi thải bỏ thì cơ quan chuyên môn nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp hữu hiệu để thuận lợi cho người dân trước trong và sau khi sử dụng khẩu trang y tế. Hơn nữa, cần có sự phân loại và xử lý theo quy trình, quy chuẩn nhất định".

Rõ ràng, đeo khẩu trang để phòng bệnh, là việc làm cần thiết nhưng song song đó, chúng ta nên chung tay vào việc giảm thiểu số lượng khẩu trang y tế sử dụng một lần thải trực tiếp ra môi trường... Qua đó, góp phần giữ gìn và bảo vệ một môi trường xanh cho hiện tại và cả tương lai.

"Tại một số nước trên thế giới, khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh và lực lượng y tế được xếp vào loại rác thải y tế độc hại phải được đốt bỏ chứ không đưa ra bãi rác." - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An

Theo KTĐT

Bạn đang đọc bài viết Thu gom, xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng: Vấn đề không nhỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất