Thứ sáu, 19/04/2024 13:58 (GMT+7)

Thủ lĩnh áo nâu - Đề Nắm

Diệp Anh -  Chủ nhật, 08/08/2021 11:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sinh thời, Lương Văn Nắm được biết là người có tài trí và sức khỏe hơn người, có tính cách ngang tàng, hào hiệp, thương người. Ông thường lấy của nhà giàu chia cho người nghèo.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử thì tài liệu về Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) - một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ 19, hiện nay chưa có nhiều. Song qua điều tra điền dã và ghi chép của ông Lương Văn Niệm - Trưởng họ Lương Văn ở làng Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từ gia phả dòng họ cho biết: Cụ Đề Nắm, tên thật là Lương Văn Nắm, vốn sinh ra tại khu Rừng Tràm, làng Gia Tiến xưa. Khi bố mất, mới theo mẹ về quê ngoại tại làng Khủa, xã Tân Trung. Thông tin này làm sáng tỏ một chi tiết nơi ông sinh tại đâu. Lâu nay, người ta vẫn cho rằng Đề Nắm quê tại làng Khủa.

Sinh thời, Lương Văn Nắm được biết là người có tài trí và sức khỏe hơn người, có tính cách ngang tàng, hào hiệp, thương người. Ông thường lấy của nhà giàu chia cho người nghèo.

Chính vì vậy ông có nhiều kẻ ghét, sợ (thường là lũ cường hào trong vùng) nhưng ngược lại ông được nhân dân trong vùng quý mến. Vùng Yên Thế thế kỷ 19, giặc giã, cướp bóc nổi lên như ong, chính vì vậy dân các làng Hả, Lèo, Mạc cử ông làm thống lĩnh chống giặc cướp và sau này đồng lòng theo ông đánh giặc Tây.

Khi giặc Khăn Vàng tràn về cướp phá, mỗi làng tự lập nên thành lũy và chọn người can đảm đứng đầu để chống giặc. Ông Hà Minh Hoàn – hậu duệ của cụ Hà Văn Đoài (còn gọi là Đốc Hậu trong Khởi nghĩa Yên Thế) nay ở thôn Đanh, xã Tân Trung cho biết: Tại vùng Thế Lộc bấy giờ người đủ tài trí chống giặc Khăn Vàng chỉ có Lương Văn Nắm. Sau giặc Khăn Vàng, tiếp đến việc thực dân Pháp nổ súng tấn công đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang.

Đề Nắm là một trong những thủ lĩnh sớm tập hợp trai tráng, những người có nghĩa khí trong vùng tập luyện võ nghệ để đánh Pháp. Lúc này quân sĩ mà ông tập hợp được có khoảng vài trăm người, trong đó có một số thủ lĩnh giỏi. Nghĩa quân còn liên kết với quân Cờ đen do tướng Lương Tam Kỳ cầm đầu và quân của thủ lĩnh người Thái tên là Đèo Văn Trị để đánh lại Pháp. Tháng 11-1890, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Đề Nắm thắng lớn ở trận chống càn Cao Thượng. Đến tháng 12-1890, 3 lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả 3 lần chúng đều bị nghĩa quân đánh bại.

Đến năm 1891, nghĩa quân Yên Thế còn mở rộng địa bàn hoạt động sang cả phủ Lạng Thương. Năm 1891, quân địch lại tấn công mạnh lên Hố Chuối, buộc nghĩa quân phải rút lên Đồng Hom để vừa ngăn chặn vừa bảo toàn lực lượng.

Một đồn trại của nghĩa quân Yên Thế

Ngày 16 tháng 3 năm 1884 chúng tiến đánh thành Tỉnh đạo (xã Quang Tiến - Yên Thế ngày nay) rồi tiếp tục tấn công lên Thái Nguyên. Lương Văn Nắm chỉ huy quân sĩ chặn đánh quyết liệt khiến chúng bị thất bại nặng nề và phải tháo chạy.

Sau trận đánh này, cũng ngày 16-3-1884, Đề Nắm và toàn bộ nghĩa binh Yên Thế về đình Hả làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Đây là sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913); gây nhiều tổn thất cho chúng.

Để xây dựng lực lượng, và chuẩn bị chiến đấu lâu dài với quân Pháp, Đề Nắm cho quân sĩ lui về Khám Nghè (Cầu Gồ) xây dựng hệ thống đồn, ban đầu gồm có 4 đồn: Tả dinh, Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Sau này, căn cứ của nghĩa quân được mở rộng phát triển thành hệ thống 7 đồn chính. Đồn số 1 do Đề Nắm trực tiếp chỉ huy gọi là đồn Đề Nắm; đồn số 2 do Đề Lâm cai quản, nên còn gọi là đồn Đề Lâm. Đồn số 3 do Đề Truật quản lý. Đồn số 4 do Đề Trung giữ. Đồn số 5 do Đề Trung (tức Đề Thám giữ). Đồn số 6 do Tổng Tài giữ. Đồn số 7 do Bá Phức giữ. Hệ thống đồn lũy này dựa lưng vào dãy núi Cai Kinh rất hiểm trở và khá heo hút (thuộc Phủ Lạng Thương, nay là huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).

Hiện nay, hệ thống các đồn này vẫn còn lại một ít dấu tích. Lúc này, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của ông vừa củng cố lực lượng, vừa xây dựng đồn trại, dựa vào lợi thế rừng núi, tổ chức đánh chớp nhoáng quân Pháp, tiêu hao khá nhiều lực lượng địch. Nghĩa quân nông dân Yên Thế làm cho quân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên.

Cuối tháng 3-1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân gồm các binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh đánh lên Yên Thế, với quyết tâm san phẳng toàn bộ đồn điền và tiêu diệt tận gốc nghĩa quân Yên Thế. Trận đánh này do đích thân tướng Voa rông chỉ huy. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt mà lợi thế thuộc về quân Pháp vì chúng vừa đông, vừa được trang bị vũ khí hiện đại. Trong tình thế đó, nghĩa quân phải vừa đánh vừa rút ẩn sâu trong các cánh rừng. Mặc dù vậy, quân Pháp trong trận này cũng thiệt hại nhiều. Phía nghĩa quân, một số thủ lĩnh bị hy sinh, trong đó có Đề Nắm.

Từ khi Đề Nắm khởi binh và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân vùng Yên Thế chỉ có 8 năm (từ 1884 -1892), nhưng ông đã thu hút nhiều nghĩa quân về tụ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của ông và các thủ lĩnh khác, nghĩa quân Yên Thế đã có nhiều trận đánh tiêu hao sinh lực địch, làm cho giặc Pháp nhiều phen khốn đốn. Nổi tiếng là trận đánh tại Cao Thượng vào năm 1890 và 4 lần đánh bại các đợt tấn công của Pháp vào Hữu Nhuế. Trận đánh đặc biệt ác liệt nhất diễn ra từ ngày 25-3 đến 31-3-1892. Trận đánh này, Pháp dồn lực tổng tấn công vào các đồn trại khiến nghĩa quân phải phân tán lực lượng, ẩn mình trong các cánh rừng, và chính thời gian này Lương Văn Nắm bị sát hại. Từ lúc phất cờ khởi nghĩa cho đến khi hy sinh, Lương Văn Nắm đã chỉ huy nghĩa quân Yên Thế đánh bại gần 1 vạn quân Pháp do các tướng Gô đanh, Voa rông, Priedeline chỉ huy.

Sau này, tưởng nhớ công lao của Đề Nắm, người đã có công dấy binh khởi nghĩa, vào khoảng năm 1894, tranh thủ thời gian hòa hoãn với địch để xây dựng lực lượng; Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã đưa bài vị của Đề Nắm về đình làng Hả để thờ và tôn ông như một vị thành Hoàng làng.

Đình Làng Hả nơi thờ Thủ lĩnh Hoàng Văn Nắm năm nào cũng tổ chức Hội vào ngày 15, 16 tháng giêng.

Về cái chết của thủ lĩnh Lương Văn Nắm: Có 2 giả thuyết về sự hy sinh của Đề Nắm. Một là Đề Nắm đã hy sinh khi chiến đấu với địch. Giả thuyết thứ 2, theo dân gian truyền lại, giáp ranh giữa làng Gia Tiến xã Tân Trung và làng Sặt xã Liên Sơn có một cánh đồng tên là đồng Kiện. Đồng này có tên Kiện sau khi Thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại bởi một người anh vợ có tên Đề Sặt. Hai họ vốn ở 2 làng Gia Tiến và làng Sặt từ trước đã có mối bất hòa khi tranh chấp cánh đồng này. Một lần Đề Nắm đến dự hội hát ở Khám Nghè (Cầu Gồ), Đề Sặt cho người bưng lên 2 bát chè con ong, trong đó có 1 bát sứt miệng. Vốn tính khí ngang tàng, Đề Nắm cau mày nói “thiếu gì bát sao lại bê bát mẻ”. Thấy vậy, Đề Sặt giả bộ khiêm tốn, nhận lỗi và nhận bát chè sứt miệng về mình; nhường cho Đề Nắm bát lành. Đề Nắm thản nhiên ăn bát chè nhưng không ngờ đó là bát chè bị bỏ thuốc độc theo âm mưu của Đề Sặt. Ăn xong bát chè, Đề Nắm biết mình bị trúng độc bèn sai gia nhân vực ông lên lưng ngựa đi về. Ông đã mất ngay trên lưng ngựa. Thực hư chuyện về cái chết của Đề Nắm vẫn cần nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ. Sau khi Thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám lên làm thủ lĩnh để tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại giặc Pháp xâm lược

Ngày nay, trong di tích đình Hả, xã Tân Trung vẫn còn pho tượng thờ Thủ lĩnh Lương Văn Nắm được đặt ngay cạnh gian chính.

Theo nhiều tư liệu đã ghi: Để tưởng nhớ công của người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm, nhân dân đã tạc tượng ông và đưa vào thờ phối hưởng trong đình, tôn ông như một vị Thành Hoàng làng. Hàng năm cứ vào ngày 15, 16 tháng giêng, nhân dân lại tổ chức lễ hội long trọng tại Đình Hả để tưởng nhớ công lao của Đề Nắm và các nghĩa sĩ đã hy sinh.

Trong Lễ hội có dựng lại tích lễ tế cờ khởi nghĩa năm xưa của Thủ lĩnh Lương Văn Nắm. Bởi ý nghĩa to lớn như vậy nên Lễ hội Đình Hả nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân khắp nơi về dự. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Đình và chùa Hả là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia trong hệ thống di tích Khởi nghĩa Yên Thế.

Ngày 27-12-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có Quyết định 5079/QĐ- BVHTTDL về việc công nhận Lễ hội Yên Thế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Yên Thế đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám đều là những lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ xứng đáng được ghi nhận công lao như những người anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

Nhân dịp huyện Tân Yên tổ chức lễ khởi công xây dựng đền thờ Lương Văn Nắm ngày 20/7/2021,ông Nguyễn Văn Phả, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã sáng tác bài thơ " THỦ LĨNH ÁO NÂU" đầy cảm xúc để kính dâng hương hồn thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm, Đề Hả).

Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin trân trọng giới thiệu bài thơ cùng bạn đọc:

THỦ LĨNH ÁO NÂU

Dấu tích truyền lưu tại đất này

Chiến công đánh giặc rạng nơi đây

Cuộc đời Đề Hả vang Âu, Á

Giặc Pháp, cờ đen hồn phách bay

Thủ Lĩnh áo nâu ngời sáng mãi

Quê hương tân tạo chốn thiêng này

Nghĩa quân Yên Thế hồn vang vọng

Đề Nắm đền thờ hương tỏa bay!

Tân Yên Ngày 20/7/2021

Bạn đang đọc bài viết Thủ lĩnh áo nâu - Đề Nắm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?