Thứ năm, 25/04/2024 02:15 (GMT+7)

Thu lợi hàng trăm triệu từ việc khai thác đất trái phép ở Quảng Nam?

Thanh Hải -  Thứ tư, 11/03/2020 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ tính từ khi mỏ đất của Công ty Quý Tín - Đại Việt bị đình chỉ khai thác cho đến ngày 5/3, Cty Nhất Hưng Nông Sơn và Cty Lê Lộc Phát đã thu lợi hàng trăm triệu đồng từ việc khai thác đất trái phép.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin, sau khi hợp đồng mua bán đất san lấp với công ty Quý Tín - Đại Việt bị cơ quan chức ăn “ách” lại, Công ty Lê Lộc Phát đã “đi đêm” với Công ty Nhất Hưng Nông Sơn để khai thác đất trái phép tại khu vực dự án Nhà máy chế biến dăm gỗ tại tại thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Căn cứ luật hết thời hiệu

Trong quá trình điều tra vụ việc, PV thu thập được 2 bản hợp đồng kinh tế liên quan đến việc mua bán vật liệu xây dựng (đất, cát, đá) để thi công công trình giữa Công ty Lê Lộc Phát với Công ty Cổ phần Quý Tín- Đại Việt và giữa Công ty Lê Lộc Phát với Công ty Thanh Tùng. Tuy nhiên, 2 bản hợp đồng này đều “bất ổn” bởi những căn cứ viện dẫn luật pháp trong 2 bản hợp đồng đều không có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Hợp đồng kinh tế số 05/2019-HĐKT ngày 1/8/2019 ký giữa Công ty Lê Lộc Phát với Công ty Quý Tín- Đại Việt căn cứ vào: Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, ngày 07/5/2010 của Chính Phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Thông tư số 09/2011/TT-BXD, ngày 28/6/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn mẫu hợp đồng thi công xây dựng.

Các căn cứ luật trong 2 bản hợp đồng kinh tế giữa Cty Lê Lộc Phát với Cty Thanh Tùng và Cty Nhất Hưng Nông Sơn đều hết hiệu lực.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, cả Nghị định và Thông tư nói trên đã hết hiệu lực thi hành, vì ngày 22/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/6/2015 để thay thế Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện nội dung hợp đồng theo Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.

Còn Hợp đồng kinh tế (không ghi số) ký ngày 1/12/2019, về việc mua bán vật liệu xây dựng: đất, đá, cát để thi công công trình giữa Công ty Lê Lộc Phát với Công ty Thanh Tùng được viện dẫn luật như sau: Luật Dân sự số 33/2005/QH11, ngày 14/6/2005; Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, ngày 26/11/2003; Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn luôn có 3 xe hovo lớn túc trực để “ăn đất”.

Song, tất cả các Luật, Nghị định được viện dẫn trong hợp đồng này cũng đã hết hiệu lực thi hành. Cụ thể, Ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13, có hiệu lực ngày 01/01/2017 và thay thế Bộ Luật dân sự 2005 số 33/2005/QH11; Luật xây dựng số 50/2014/QH13, ngày 18/6/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 nên Luật xây dựng số 16/2003/QH11 hết liệu lực thi hành; Nghị định 59/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/8/2015, thay thế Nghị định số 12/2009/NĐ- CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. (Nghị định số 12/2009/NĐ-CP thay thế Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ).

Cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất

Ngày 1/12/2019, Công ty Lê Lộc Phát ký hợp đồng kinh tế cung cấp (bán) vật liệu xây dựng: đất, cát, đá đắp nền đường cho Cty Thanh Tùng thi công xây dựng công trình: bẩy đúc dầm đường công vụ cầu Nông Sơn; với đơn giá: 70.000 đồng/m3 đất và 240.000 đồng/m3 đá cấp phối (đã bao gồm 10% thuế GTGT, thuế tài nguyên, phí môi trường…).

Thế nhưng, mỏ đất tận thu của của Công ty Quý Tín - Đại Việt đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng hoạt động từ ngày 25/02 do trong quá trình khai thác đã gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Công ty Lê Lộc Phát đã “đi đêm” với Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn để khai thác đất trái phép tại khu vực dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn.

Và Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn biết rõ chưa được phép “tác động vào đất rừng” nhưng vì lợi nhuận đã “nhắm mắt” đưa phương tiện, thiết bị vào “oanh tạc” đất rừng, chở đi bán.

Ngoài ra, tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn cũng có rất nhiều xe loại nhỏ cũng vào “ăn đất” đi bán cho những công trình khác.

Theo quan sát của PV, hàng ngày có 3 xe hovo mang logo “LLP” có BKS: 92C-128.57; 92C-129.70; 92C-115.56 thường xuyên túc trực tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn để “ăn đất”. Căn cứ giá bán trên hợp đồng Cty Thanh Tùng là 70.000 đồng/m3 thì mỗi xe Công ty Lê Lộc Phát sẽ bán hơn 1 triệu đồng và quảng đường từ dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn đến công trình cầu Nông Sơn (mới) là 6km thì mỗi ngày Công ty Lê Lộc Phát có thể vận chuyển hàng chục chuyến, thu lợi cả trăm triệu đồng.

Như vậy, chỉ tính từ khi mỏ đất của Công ty Quý Tín - Đại Việt bị cơ quan chức năng đình chỉ khai thác cho đến ngày 05/3, Công ty Nhất Hưng Nông Sơn và Công ty Lê Lộc Phát đã thu lợi hàng trăm triệu đồng từ việc khai thác đất trái phép.

Ngoài 3 xe hovo của Công ty Lê Lộc Phát, tại dự án Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn cũng có rất nhiều xe loại nhỏ cũng vào “ăn đất” đi bán cho những công trình khác trên địa bàn huyện Nông Sơn.

Thiết nghĩ, với tốc độ khai thác rầm rộ như vậy thì việc thu ngân sách từ nguồn thuế tài nguyên sẽ bị thất thoát rất lớn, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Bạn đang đọc bài viết Thu lợi hàng trăm triệu từ việc khai thác đất trái phép ở Quảng Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành