Thứ sáu, 29/03/2024 00:27 (GMT+7)

Thu mua rác, người dân sẽ nhiệt tình phân loại rác hơn

MTĐT -  Thứ ba, 25/08/2020 17:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề xuất thay đổi phương thức thực hiện.

Theo ông Phúc, nên áp dụng phân rác thải làm 2 loại: rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Với rác thải công nghiệp, nhà máy xả thải phải trả tiền. Còn rác thải sinh hoạt, người dân được bán và công ty thu gom, vận chuyển phải trả tiền mua. Khi bán rác có tiền thì người dân sẽ nhiệt tình phân loại rác hơn. Ý kiến đề xuất này nhận được sự đồng tình của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại TP.HCM, việc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được triển khai từ rất sớm. Gần đây nhất, năm 2018, UBND TP đã có Quyết định 44, yêu cầu người dân trên địa bàn TP bắt buộc phải phân loại rác thải trước khi đem vứt, nếu không sẽ bị từ chối thu gom; tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định… Nếu không phân loại rác tại nguồn, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

Theo quyết định này, các hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phải sử dụng túi có màu xanh lục (hoặc trắng) để chứa chất thải hữu cơ. Sử dụng các loại túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại. Ngoài ra, có thể phân biệt bằng hình thức dán nhãn, ghi chữ hoặc đánh dấu trên túi để đơn vị thu gom nhận biết.

Tại Hà Nội, theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 6.500-7.000 tấn rác được mang đi chôn lấp. Trong đó, khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp nhận trung bình 4.887 tấn/ngày, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây) là 1.066 tấn/ngày... Theo tính toán, các khu xử lý rác Nam Sơn, Xuân Sơn chỉ có thể tiếp nhận rác đến hết năm 2020. Điều này đòi hỏi sự cấp thiết phải tính toán phương án phân loại rác tại nguồn.

Từ tháng 5 vừa qua, trên một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền về công tác phân loại rác tại nguồn nhằm chuẩn bị cho việc tái khởi động lại dự án này.

Trong 3 ngày, từ 11-13/8 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco Hà Nội) đã phối hợp với UBND phường Phan Chu Trinh thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân và các hộ kinh doanh sinh sống, làm việc trên địa bàn phường về việc triển khai chương trình quản lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Urenco Hà Nội cho biết, mục tiêu trong đợt tuyên truyền đến người dân và các hộ kinh doanh lần này là nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trên địa bàn phường Phan Chu Trinh về lợi ích và sự cần thiết phải phân loại rác tại nguồn.

Việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006 - 2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả…), rác vô cơ (xương, sành sứ…), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…).

Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ.

Tuy nhiên, qua 2 lần thí điểm, công tác phân loại rác tại nguồn chưa thực sự được thành công như ý muốn để nhân rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do khi thực hiện vẫn còn dùng chính sách bao cấp như cấp túi nilon, cấp thùng rác cho các hộ gia đình nên phát sinh kinh phí thực hiện cao và người dân chưa tự giác thực hiện.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thu mua rác, người dân sẽ nhiệt tình phân loại rác hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.