Thứ sáu, 29/03/2024 20:00 (GMT+7)

Thu mua rác thải: Chính sách cần cụ thể và đồng bộ nhiều giải pháp

Lam Vy -  Thứ ba, 25/08/2020 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi đề xuất này được đưa ra, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã có nhiều luồng thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề này

Đã từ nhiều năm nay, việc xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội luôn là thách thức đối với môi trường sống, khiến các bãi chôn lấp phải “oằn mình” gánh đỡ lượng rác quá tải mỗi ngày. Điều này còn gây lãng phí nguồn tài nguyên từ rác hữu cơ, vì vậy để tìm ra hướng giải quyết đối với câu chuyện rác thải không còn là câu chuyện dễ dàng và của riêng ai.

Việc phân loại rác thải tại nguồn từng được triển khai tại một số quận, huyện của Hà Nội. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện đồng bộ, chưa tạo thành thói quen đối với đa số người dân nên không tạo được hiệu quả cao.

Việc xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội luôn là thách thức đối với môi trường sống, khiến các bãi chôn lấp phải “oằn mình” gánh đỡ lượng rác quá tải mỗi ngày.

Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề xuất thay đổi phương thức thực hiện. Theo ý kiến của ông Phúc, nên áp dụng phân rác thải làm 2 loại:

Rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Với rác thải công nghiệp, nhà máy xả thải phải trả tiền. Còn rác thải sinh hoạt, người dân được bán và công ty thu gom, vận chuyển phải trả tiền mua. Khi bán rác có tiền thì người dân sẽ nhiệt tình phân loại rác hơn.

Chính sách phải “đúng và trúng” với thực tế

Khi đề xuất này được đưa ra, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã có nhiều luồng thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề này. Trao đổi với PV Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, TS Trần Văn Miều - Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ quan điểm:

Theo Luật Môi trường đã nêu, người nào xả thải ra môi trường thì phải trả tiền xử lý rác, nguyên tắc ấy lâu nay vẫn thực hiện, các công ty môi trường vẫn thực hiện việc thu tiền của các hộ dân và trên thế giới, nhiều nước họ vẫn thực hiện như vậy”.

TS Trần Văn Miều - Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Với phát biểu của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Môi trường sửa đổi, cho rằng: “Để nhân dân có động lực, thì phải có việc mua rác của người dân”. Theo quan điểm của ông Miều đó là:

Ý kiến đó không phải sai, song chính sách khi đưa ra phải đúng và trúng. Đúng là đúng với nguyện vọng của người dân, trúng là trúng vào thời điểm. Bởi vì rác ở nước ta bây giờ rất nhiều, cả ở thành thị lẫn nông thôn, vấn đề phân loại, thu gom và xử lý rác đang gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa nền kinh tế Việt Nam cũng chưa phát triển nên chưa đủ nguồn lực để mình làm việc mua rác của dân”.

Đề xuất muốn hiệu quả phải đồng bộ nhiều giải pháp

Để có góc nhìn khách quan hơn về những đề xuất trên, PV Môi trường và Đô thị đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Ông chia sẻ:

“Tôi tán thành ý kiến và ủng hộ Quốc hội thực hiện chủ trương này nhưng khi đưa ra đề xuất phải cụ thể hơn chứ không phải chỉ nêu ra. Phải biến nó thành ý thức và hành động từ người dân đến các đơn vị thu gom rác. Cần phải đồng bộ thì mới giải quyết được, khi giải quyết được sẽ đáp ứng được chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đồng thời làm có lợi cho cộng đồng”.

Theo ông Huỳnh, đối với rác thải công nghiệp có bao gồm cả rác thải nguy hại, cho nên vấn đề rác thải công nghiệp, nhà nước, các doanh nghiệp có trách nhiệm phải giải quyết là thu gom tận gốc để giải quyết vì rác thải công nghiệp rất nguy hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Còn đối với rác thải sinh hoạt, hiện nay đã có phương án thu gom, khuyến khích cộng đồng, thu gom, phân loại những rác thải có thể tái chế được thì đem bán.

Đây là phương án có ích, vì sẽ tăng cường ý thức cho cộng đồng, trước đây tuy đã có hình thức bán rác thải có thể tái chế này rồi tuy nhiên chưa có chính sách khuyến khích thực hiện, giờ khuyến khích sẽ khiến người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn. Để người dân nhận thức thấy rác là một tài nguyên, là một dạng kinh tế tuần hoàn tức là biến rác thải thành kinh tế.

Tuy nhiên, phải tuyên truyền tới cộng đồng, rác nào có thể tái chế và rác nào không thể tái chế. Các đơn vị thu gom rác cần có những giải pháp cụ thể hơn trong việc phân loại rác khi vận chuyển, các đài truyền thanh của phường xã cần tuyên truyền tới người dân để người dân biết cách phân loại, đồng thời cũng phải hướng dẫn người dân vệ sinh rác thải tái chế đó sạch sẽ trong gia đình mình, để đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Cho nên biện pháp đối với người dân là cực kỳ quan trọng.

Khi làm được như vậy sẽ giải quyết được việc ùn tắc rác và  hạn chế được việc thải xả bừa bãi. Việc thu gom và xử lý  rác thải khác không tái chế được thì vẫn phải tiến hành theo đúng luật .

Bạn đang đọc bài viết Thu mua rác thải: Chính sách cần cụ thể và đồng bộ nhiều giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới