Thứ sáu, 29/03/2024 04:07 (GMT+7)

Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nỗi lo phí chồng phí

MTĐT -  Thứ năm, 20/12/2018 14:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, việc thu phí là điều cần thiết, thế nhưng chỉ nên làm khi không còn tình trạng phí chồng phí và số tiền thu được phải phục vụ cho bảo vệ môi trường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu các kiến nghị của UBND TP Hà Nội về việc thu phí phương tiện vào nội đô; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo văn bản mà UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho TP thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030", ngoài nội dung thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội còn đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

Theo VTV, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, mục tiêu của đề án này không phải nhằm tăng thu ngân sách mà là biện pháp để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý, đảm bảo nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của thành phố, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc thu phí cũng giúp phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giúp điều chỉnh thói quen của người tham gia giao thông.

Ông Vũ Văn Viện cũng cho biết đề án sẽ thu theo khu vực từ vành đai 3 trở vào trung tâm. Các cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp phù hợp để đảm bảo tính kết nối tại trong khu vực thu phí, đồng thời sẽ có biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông trên đường.

“Đề án thu phí vào nội đô là 1 trong 37 nhiệm vụ UBND TP triển khai đồng thời, trong đó có tập trung hoàn chỉnh đồng bộ về hạ tầng giao thông, mạng lưới, chất lượng vận tải hành khách công cộng. Tại các khu vực có thu phí sẽ đáp ứng điều kiện cơ bản để người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc các hình thức di chuyển khác như đi bộ, sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng...” - ông Viện cho biết.

Hà Nội hy vọng thu phí bảo vệ môi trường với khí thải phương tiện giao thông sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet. 

Chưa đúng bản chất

Tuy nhiên, đề xuất này lại gây ra nhiều tranh luận trái chiều, nhiều người cho rằng, việc thu phí bảo vệ môi trường với khí thải là điều cần thiết nhưng cần có lộ trình và xây dựng một chính sách phù hợp.

Trao đổi với báo Đấu thầu, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã ở mức báo động và việc đưa ra các biện pháp hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa ra một loại phí mới cần xem xét cặn kẽ từ các quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước.

Luật Phí và lệ phí năm 2015 nêu rõ: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.

Với định nghĩa này, theo ông Kiên, phí bảo vệ môi trường sẽ bị giới hạn trong các dịch vụ bảo vệ môi trường, như thu gom, xử lý rác, xử lý ô nhiễm. Trong khi đó, Nhà nước chưa thực sự có dịch vụ xử lý khí thải trên toàn quốc, do đó, chỉ nên giới hạn phí bảo vệ môi trường với các dịch vụ đang được thực hiện. “Hiện tại, đưa ra phí này sẽ chưa đúng về bản chất, có thể gây chồng chéo”, ông Kiên nhấn mạnh.

Cần thiết nhưng phải xem xét

Trong khi đó, trao đổi với báo Người lao động, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết. Đây được xem như một cách để giảm ùn tắc giao thông, giảm tải các tuyến phố trong nội thành. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được TP sử dụng làm gì thì cần phải đặt câu hỏi.

Ông Liên cho rằng có hai vấn đề cần làm rõ: Thứ nhất, chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/mỗi lít xăng, từ 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng khi mua và sử dụng. Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí. Trong phương tiện giao thông, ví dụ ôtô, có quy định tiêu chuẩn mức xả thải ra môi trường như tiêu chuẩn Euro 2, Euro 1. Như vậy, phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường phải dựa vào tiêu chuẩn xả thải của phương tiện, phụ thuộc vào tuổi xe.

Thứ hai, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội. Ví dụ, Hà Nội đưa ra con số thu là 10.000 đồng thì phải chứng minh con số ấy dựa trên tính toán nào? Cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường… Đồng thời, khi ô nhiễm môi trường tăng, tại sao nhiều khu vực cây xanh Hà Nội lại bị thay thế?

Với thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động như hiện nay thì việc ban hành các văn bản pháp luật là điều cần thiết. Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải có thể sẽ khuyến cáo người dân lựa chọn các phương tiện công cộng, hạn chế khí khải ra môi trường. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi không để xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí. Đồng thời, số tiền thu được phải phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thu phí bảo vệ môi trường với khí thải: Nỗi lo phí chồng phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.