Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình bò sữa bị bệnh và chết
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng.
Theo cơ quan chức năng, từ 16 giờ ngày 9/8 đến 9 giờ ngày 10/8/2024 ghi nhận tại huyện Đức Trọng có thêm 578 con bò sữa mắc bệnh tiêu chảy với 35 hộ mới. Trong khi đó, có 9 con bò sữa bị chết, trong đó huyện Đơn Dương có 8 con, huyện Đức Trọng 1 con.
Lũy kế đến 9 giờ ngày 10/8, tại hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương đã có 4.495 con bê và bò sữa của 237 hộ trên địa bàn 6 xã bị bệnh; có 181 con bị chết (Đức Trọng: 42 con, Đơn Dương: 139 con).
Sau khi đi thực tế nắm tình hình và động viên người nuôi bò sữa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để nghe báo cáo và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan Trung ương cùng địa phương cần nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như tránh để bệnh lan rộng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, từ đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung một số nhiệm vụ trước mắt để điều trị và ngăn chặn bệnh lây lan.
“Cục Thú y cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tinh chỉnh, hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò bị bệnh để phổ biến kịp thời đến người dân, cùng hỗ trợ người dân điều trị, ngăn chặn bệnh lây lan.
Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp đầu ngành về chăn nuôi sẽ hỗ trợ vật tư y tế, thuốc men cho tỉnh Lâm Đồng điều trị bò bị bệnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nóiThứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các cơ quan cần nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bò sữa bị tiêu chảy hàng loạt. Trong đó, cần xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở xác định đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này.“Để đảm bảo tính chính xác, cơ quan chuyên môn cần lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với bò đang còn khỏe, bò chưa tiêm vaccine viêm da nổi cục, bò đã tiêm nhưng chưa chết… Sau khi có kết luận chính thức, Bộ sẽ công bố nguyên nhân”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Sau khi tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, ngay trong chiều 10/8, Cục Thú y sẽ huy động lực lượng các bác sĩ giỏi, các loại thuốc tối ưu nhất để phân bổ cho 2 huyện và từng xã.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, tỉnh đã thành lập tổ công tác để chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương cũng đã thành lập các tổ công tác để kịp thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nhân lực, vật lực cứu chữa đàn bò sữa; cập nhật số liệu từng ngày để có căn cứ so sánh, đối chiếu; lập biên bản tiêu hủy bò bị chết; giám sát việc tiêu hủy…
“Qua so sánh ngắn ngày thì hiện tượng bò chết có xu hướng giảm dần, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, và xử lý bò bị chết đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh”, ông Nguyễn Ngọc Phúc cho hay.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhận định nguyên nhân ban đầu, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.
Trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác. Nguyên nhân chính sẽ được thông báo chính thức sau khi Cục Thú y và các cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm các mẫu thu thập và kiểm định chất lượng vaccine.