Thứ năm, 28/03/2024 15:49 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ TNMT đưa 3 giải pháp chống lại vấn nạn rác thải nhựa

Lam Vy -  Thứ sáu, 15/11/2019 13:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thứ trưởng Bộ TN&MT đưa ra 3 giải pháp nhằm chống lại vấn nạn rác thải nhựa trong buổi tọa đàm được tổ chức sáng ngày 14/11.

“Hoàn thiện chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và áp dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ và quyết liệt thì mới thực hiện được nhiệm vụ Chính phủ giao về chống rác thải nhựa”, đó là một trong những đề xuất vừa được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Tuyên chiến với rác thải nhựa,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14/11, tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT); GS, TS. Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, bà Trần Thanh Phương – Phó Giám đốc, đại diện lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings, Nhà báo Hoàng Quốc Dũng – Báo Tiền Phong.

Tọa đàm “Tuyên chiến với rác thải nhựa,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Võ Tuấn Nhân Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho biết: “Nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Việc thu gom, tái chế đồ nhựa 1 lần và túi nilon còn nhiều bất cập

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5-7 túi nylon/ngày. Lý do là các sản phẩm nhựa và túi nylon rất rẻ tiền và tiện dụng. Điều đáng lo ngại là mỗi năm ước tính có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người qua mỗi năm đã tăng từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990-2018.

Nếu chúng ta không kiểm soát tốt nhựa và túi nylon sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế đó không bù đắp được ô nhiễm môi trường, uy tín của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tỏ ra lo lắng.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, bà Đặng Trịnh Kim Chi cũng nhận định, việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý các sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon sử dụng một lần ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Thực tế này không chỉ dẫn đến rất nhiều tác hại với môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bà Chi nhấn mạnh:“Trong tự nhiên, sản phẩm nhựa khó phân hủy tồn tại đến vài trăm năm, chính sự tồn tại này sẽ làm ảnh hưởng đến đất và nước. Nếu túi nylon được xử lý bằng nhiệt lại sinh ra rất nhiều khí độc. Và với chế độ nhiệt không tốt còn sinh ra cả dioxin, CO2 và một số chất khác gây độc cho cơ thể”.

Thách thức lớn về môi trường và BĐKH

Bà Đặng Thị Kim Chi cho biết: Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.

Chính thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

"Các sản phẩm nhựa có giá thành rất rẻ và tiện dụng nên trở thành thói quen khó sửa, đặc biệt với những người nội trợ. 70% chất thải còn chôn lấp nên lượng rác thải nhựa tồn tại trong đất rất lớn, gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững” – bà Đặng Thị Kim Chi cho biết thêm.

Bàn về vấn đề này, bà Trần Thanh Phương  - đại diện Tập đoàn An Phát Holdings, cũng cho hay: “Tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa tiếp tục tăng, trong đó 30% là bao bì nhựa, bởi vậy thị trường về các sản phẩm thay thế túi nilon khó phân hủy sẽ tăng nhanh, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất.”

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.

Được biết, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã làm việc với các Đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền thay đổi hành vi.

Đại diện Bộ TN&MT cho biết, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế đang là 50.000 đồng/kg – là mức cao nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này, tuy nhiên, vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng. Việt Nam đang xây dựng kinh tế tuần hoàn trong từng khu dân cư, từng doanh nghiệp, từng khu công nghiệp và trong cả cộng đồng.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Đứng dưới góc độ giới truyền thông, báo chí, ông Hoàng Quốc Dũng -  Báo Tiền Phong đưa ra đề xuất. “Cần phải rà soát, đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật đã được ban hành trong các chính sách về rác thải nhựa; áp dụng các công cụ kinh tế đối với khu vực tiêu dùng nhiều hơn khu vực sản xuất để thay đổi thói quen của người tiêu dùng; cần có bước nhảy thông tin, tức là có người nêu gương, thông qua các sự kiện lớn để đưa thông điệp chống rác thải nhựa đến cộng đồng”.

“Đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự giác giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy và chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới cấm sử dụng túi nilon dùng một lần; giảm thiểu phát sinh chất thải nilon; tái chế nilon thành các sản phẩm có tuổi thọ cao; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào tái chế, sản xuất sản phẩm thay thế đồ nhựa, túi nilon dùng một lần”, bà Đặng Thị Kim Chi nêu quan điểm.

Việc thay đổi nhận thức và thay đổi thói quen của người tiêu dùng về túi nilon là rất khó. Do vậy, để thay đổi nhận thức, tạo thói quen tiêu dùng mới cho họ, cần phải chú trọng các giải pháp về kinh tế.

Các sản phẩm nhựa có giá thành rất rẻ và tiện dụng nên trở thành thói quen khó sửa, đặc biệt với những người nội trợ. 70% chất thải còn chôn lấp nên lượng rác thải nhựa tồn tại trong đất rất lớn, gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Tại buổi tọa đàm, đại diện phía doanh nghiệp, bà Trần Thanh Phương mạnh dạn đề xuất nhóm công cụ hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, áp dụng thuế, phí cao hơn nếu vẫn chọn dùng túi nilon; giảm thuế, phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp để đưa sản phẩm thay thế đến với cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã nêu đến năm 2021 các siêu thị, các chợ tại các đô thị lớn sẽ không sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon. Đến năm 2025 chấm dứt việc sử dụng nhựa, túi nilon trước hết cần tiến hành đồng thời ba giải pháp: “Hoàn thiện chính sách pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức và áp dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ và quyết liệt thì mới thực hiện được nhiệm vụ Chính phủ giao về chống rác thải nhựa. Về chính sách pháp luật thì tất nhiên phải có chính sách về thuế, chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bỏ đi những sản xuất không thân thiện với môi trường. Chính sách đó thể hiện bằng công cụ thuế, đất đai. Cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các Bộ, ngành, các chính quyền địa phương,..và đặc biệt phải tạo điều kiện phát triển kinh tế", ông Võ Tuấn Nhân cho biết.

Mong muốn của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là tiến hành đồng thời ba giải pháp này một cách mạnh mẽ và quyết liệt mới có thể thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Bạn đang đọc bài viết Thứ trưởng Bộ TNMT đưa 3 giải pháp chống lại vấn nạn rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.