Thứ năm, 18/04/2024 11:25 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ khảo sát, dự lễ khởi công một số công trình, dự án lớn tại Thái Bình

Ngọc Tuyên -  Chủ nhật, 08/05/2022 14:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

tm-img-alt
Thủ tướng và đoàn công tác đến dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.

Thủ tướng và đoàn công tác đã dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 256/QĐ-UBND, ngày 26/1/2022 với tổng chiều dài 8,4km, điểm đầu giao với quốc lộ 10 tại Km59+950 (lý trình quốc lộ 10), thuộc địa phận xã Tự Tân (Vũ Thư); điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo quy mô thiết kế đường phố chính đô thị chủ yếu; vận tốc thiết kế 80km/giờ, bề rộng mặt đường xe chạy 20,5m.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm kết nối với các tuyến đường nội đô trong thành phố, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn; tạo trục trung tâm cửa ngõ của thành phố, nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh trong cả nước; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong vùng; giảm bớt lưu lượng xe có tải trọng lớn đi qua trung tâm thành phố Thái Bình; thúc đẩy giao lưu kinh tế và trao đổi hàng hóa; khai thác tiềm năng, lợi thế của các khu vực phía Nam thành phố Thái Bình và các vùng lân cận; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ ấn nút khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài.

Ngoài ra, trên toàn tuyến còn đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình trên tuyến gồm: cống thoát nước ngang đường; rãnh thoát nước dọc đường; cầu qua sông Kiến Giang; hệ thống kênh mương thủy lợi; đường gom qua khu vực dân cư; cây xanh; điện chiếu sáng; dải phân cách; hệ thống an toàn giao thông trên tuyến...

Dự án do Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long (DragonGroup), Công ty Cổ phần 873 Xây dựng Công trình giao thông, Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 trúng thầu thực hiện.

Để thực hiện dự án, về mặt bằng sẽ phải giải phóng, thu hồi đất khoảng 54,76ha, trong đó 0,15ha đất ở, 44,42 ha đất lúa; 2,42 ha đất ao; 3,54 ha đất vườn và 3,23ha đất khác; dự kiến tái định cư 45 hộ. Trong phạm vi dự án có 4 nút giao gồm: quốc lộ 10, đường tỉnh ĐT.463, đường ĐH.07 và đường Chu Văn An kéo dài. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.039 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án không quá 4 năm kể từ ngày khởi công.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Thủ tướng cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển...; khảo sát khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế này.

KKT Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 - 17%; tạo việc làm mới cho 30.000 – 40.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh.

Ngoài 2 dự án nhiệt điện đã và đang hoàn thành phát điện thương mại, có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió, trong đó một nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải giai đoạn I với quy mô công suất 40 MW, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

KCN Liên Hà Thái là KCN đầu tiên được thành lập trong KKT và KCN này được tỉnh giao sứ mệnh tiên phong, đặt nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng và đoàn công tác đã dự Lễ Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải (26/3/1962 – 26/3/2022); Khánh thành khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát động thực hiện chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ khảo sát, dự lễ khởi công một số công trình, dự án lớn tại Thái Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.