Thứ sáu, 29/03/2024 15:14 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Tuấn Minh -  Thứ hai, 13/02/2023 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh.

Làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi làm việc

Làm việc với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bày tỏ vui mừng khi Chính phủ đã lựa chọn Quảng Ninh để tổ chức thành công Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng. Đây cũng là ngày có ý nghĩa đặc biệt với tỉnh Quảng Ninh khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của TP Hạ Long.

Báo cáo về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân; trên nền tảng các giá trị tốt đẹp được trao truyền từ các thế hệ đi trước…, Quảng Ninh đã tích cực đổi mới, hội nhập phát triển, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng.

Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng 15 đề án, chương trình trọng điểm và 11 Nghị quyết, 29 chỉ thị, 25 chương trình, 214 kế hoạch... từ đầu nhiệm kỳ đến nay để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ. Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Tỉnh cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học và hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm tập trung cao, đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương chiếm trên 58%; ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư cho các công trình có tính chất động lực lan tỏa và bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền...

Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh đã nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng - chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm qua đạt trên 156.260 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 75,4%, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện, đặc biệt là đường bộ cao tốc có bước phát triển đột phá, gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn ngân sách địa phương được đầu tư tập trung. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao (đạt 67%, đứng thứ 5 cả nước), đã gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn; diện mạo, cảnh quan vùng đất Quảng Ninh thay đổi từng ngày.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn; hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; các di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị trở thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…

Trong bối cảnh có nhiều thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và năng lực hội nhập quốc tế.

Tại buổi làm việc, đại biểu đoàn công tác Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đồng tình, đánh giá cao sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh và khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã xác định, lựa chọn đúng và trúng các mục tiêu, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra. Đồng thời cam kết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển ở nhiệm vụ mới.

Các đại biểu cũng dành thời gian để phân tích, làm rõ một số tiềm năng, thế mạnh, cơ hội phát triển nổi trội cũng như những thách thức đặt ra đối với Quảng Ninh. Đặc biệt trong đó, Quảng Ninh có thế mạnh phát triển dịch vụ, du lịch với hệ thống di sản, văn hóa đặc sắc, nơi có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn tầm quốc tế. Tuy nhiên mâu thuân giữa phát triển du lịch với và việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng trên cùng một địa bàn… buộc tỉnh phải có giải pháp cụ thể, sát thực tế hơn để phát triển hiệu quả 2 nhiệm vụ song hành.

Đối với vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, các đại biểu cho rằng cần phải song hành phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý quy hoạch. Đồng thời, phải xác định kinh tế mũi nhọn, tiếp tục tăng cường kết nối vùng, nghiên cứu phát triển mạnh mẽ hạ tầng cảng biển, logistics...

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Đánh giá cao sự kế thừa, đổi mới, phát triển của Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ vui mừng và chúc tỉnh sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc hơn nữa. Đồng chí nhấn mạnh: với bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng.

Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Quảng Ninh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Quảng Ninh đã vươn lên, trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Để Quảng Ninh “tiến thật xa, Quảng Ninh như thế mới là Quảng Ninh” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đồng chí mong muốn tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương; định vị lại tiềm năng, thế mạnh riêng có để khai thác có hiệu quả; tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn để có hướng đi mới bài bản, thuận lợi hơn; cần tiếp tục quan tâm kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đặc biệt, cần làm tốt vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết hiệu quả bài toán mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và khai thác than, phát triển công nghiệp nặng trên cùng một địa bàn; phát triển hiệu quả, tinh gọn các hoạt động về bảo vệ môi trường; phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức trong nhân dân để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu có, văn minh, sạch đẹp; trở thành nơi đáng sống, đáng đến.

Quảng Ninh tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý môi trường, phát triển văn hóa, xã hội văn minh; cần gắn tăng tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối vùng miền; cần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, làm đến đâu hiệu quả đến đó. Lưu ý khai thác hiệu quả lợi thế 250km đường biển, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, hạ tầng logistics.

Đồng chí cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng tỉnh triển khai sớm hạ tầng giao thông trong quy hoạch. Cụ thể là cải tạo mở rộng Quốc lộ 4B nối Cao Bằng, Lạng Sơn với trục cao tốc của Quảng Ninh; hoàn thiện trục đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số một cách cụ thể; phát huy hiệu quả trong huy động nguồn lực, hợp tác công - tư; có cơ chế chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao kỹ năng nghề… Để đồng hành cùng tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung giải quyết những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của Quảng Ninh để phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của khu vực và cả nước.

Đồng chí mong muốn, Quảng Ninh tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.