Thứ sáu, 19/04/2024 23:14 (GMT+7)

Thủ tướng lý giải vì sao năm nào cũng có người chết do thiên tai

MTĐT -  Thứ sáu, 21/06/2019 15:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai hạn chế, đê điều chưa được đầu tư kịp thời, nhiều khu nhà ở chưa đảm bảo... là những nguyên nhân khiến thiên tai gây hậu quả nặng nề.

Ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, đồng thời triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Hội nghị diễn ra trước mùa mưa bão, thường bắt đầu vào tháng 7, với dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7-12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mùa mưa bão năm ngoái, gần 7.000 người gặp nạn được cứu; trên 4 triệu lượt người với 900.000 lượt phương tiện trên biển được hướng dẫn tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; 680.000 người được sơ tán đến nơi an toàn.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai được quan tâm với hệ thống trên 1.000 trạm đo mưa tự động, 51 trạm cảnh báo thiên tai, 78 vị trí giám sát bằng camera để theo dõi trọng điểm đê điều và nhiều hồ chứa nước lớn đã được đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Ngoài ra, Việt Nam làm tốt việc ứng cứu, hỗ trợ các nước trong thiên tai, như sự cố vỡ đập Attapeu của Lào, lực lượng Quân khu 5 đã tham gia cứu nhiều người dân nước bạn; việc cứu 22 ngư dân Philippines trên biển; vụ cứu tàu hàng lớn của Singapore...

Bên cạnh những kết quả trên, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Thủ tướng cho rằng khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế; nhiều khu vực dân cư nhà ở chưa bảo đảm an toàn; đê điều, hồ đập xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước đô thị không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến thiệt hại còn nặng nề.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.

Trận lũ tại Yên Bái vào tháng 7/2018 khiến 29 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế tại địa phương ước tính trên 200 tỷ đồng. Ảnh: Việt Linh. 

Trước hết, cần phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Tiếp đó là cần rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.

Chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng cần được nâng cao, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn và thiết kế nhằm nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng lý giải vì sao năm nào cũng có người chết do thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...