Thứ sáu, 29/03/2024 16:31 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL

Bình Minh -  Thứ ba, 21/06/2022 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 21/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.

Hội nghị có sự tham dự của các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP.HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Tư liệu

Đồng bằng sông Cửu Long giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13–NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13–NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Hội nghị tập trung vào những nội dung về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nguồn lực thực hiện Quy hoạch; Cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL.

Theo đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt hơn nữa, Quy hoạch vùng ĐBSCL đã cụ thể hóa hơn phương phướng tổ chức không gian và phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng ĐBSCL phù hợp với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chỉnh phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược như, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm.

Biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.

Thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.

Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực, trung tâm đầu mối nông nghiệp được xác định trong quy hoạch.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ trong tương lai. Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.

Tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

Thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước: coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với phân vùng chức năng của nguồn nước.

Chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng. Đặc biệt là thành lập và vận hành hàng lang đa dạng sinh học ở khu vực ven biển từ Vườn quốc gia mũi Cà Mau đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; phát triển các không gian văn hóa đặc thù của vùng như văn hóa sông nước, văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tầm nhìn và mục tiêu quy hoạch là phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Quy hoạch ĐBSCL chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm, để người dân ĐBSCL luôn có nụ cười hạnh phúc.

Toàn bộ Hồ sơ Quy hoạch vùng ĐBSCL được công bố tại Hội nghị được chuyển giao cho địa phương và thông tin công khai tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Về nội dung Chương trình hành động gồm 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 26 nhiệm vụ, đề án và 07 dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong Vùng khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao trong đó tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistic, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các công trình nguồn và lưới điện, phát huy có hiệu quả tiềm năng tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo; Xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn.

Đó là xây dựng và triển khai Chương trình phát triển các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế tại thành phố Cần Thơ; Chương trình phát triển thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long tầm cỡ quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng, đa dạng sinh học biển, hải đảo; Quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng: Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện thống nhất các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án theo Quy hoạch.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành đã tham dự triển lãm ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển” - hoạt động văn hóa chào mừng Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Triển lãm giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBSCL; giới thiệu tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất và con người khu vực ĐBSCL, khắc họa những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đồng bào vùng ĐBSCL./.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.