Thứ sáu, 26/04/2024 05:31 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước

MTĐT -  Thứ năm, 24/03/2022 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (24.3), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với Doanh nghiệp Nhà nước về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội"

tm-img-alt
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tư liệu

Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước đang thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chúng ta đã và đang thực hiện hiệu quả phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH.

Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của doanh nghiệp nhà nước.

Với những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã báo cáo tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua.

Thông qua Hội nghị, hai vấn đề sẽ được tập trung làm rõ. Một là Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt để giải quyết vấn đề, đặc biệt là gắn với triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025". Thứ hai, DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ tập đoàn - tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh thu của khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016 (tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3%); lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016 (tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2016 - 2020 là 1%). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Một số công ty mẹ có tổng doanh thu năm 2020 tăng lớn so với năm 2016 như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,08 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,68 lần so với năm 2016; Tổng công ty Đông Bắc có tổng doanh thu năm 2020 gấp 2,35 lần so với năm 2016...

Bên cạnh đó, công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước là các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác (tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tổng tài sản cao nhất so với các khu vực khác). Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 13%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 5%.

Trong số đó nhiều doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với doanh thu năm 2016 là 1.314 tỷ đồng, năm 2020 là 4.382 tỷ đồng; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp với doanh thu năm 2016 là 362 tỷ đồng, năm 2020 là 827 tỷ đồng; hầu hết công ty môi trường, công trình đô thị, công ty cấp nước và kinh doanh nước sạch thuộc các địa phương đều có doanh thu tăng trưởng nhanh.

Xét về đóng góp cho NSNN, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 2 lần doanh nghiệp có vốn nhà nước, 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Các DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN năm 2020 là 241.728 tỷ đồng (trong đó tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con là 202.569 tỷ đồng, chiếm 84%), tăng 4% so với năm 2016.

Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (trong đó có khoảng 0,43 triệu lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng (trong đó, khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt khoảng 14 triệu đồng, khu vực các doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối đạt 23,2 triệu đồng).

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2021, khu vực doanh nghiệp trong nước có hiệu suất sử dụng lao động cao hơn khu vực doanh nghiệp FDI, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng... đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Bình Minh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.