Thứ tư, 24/04/2024 19:44 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Mới chỉ có 1 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải

Sơn Hà -  Thứ năm, 21/10/2021 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 6 khu công nghiệp. Tuy nhiên đến nay chỉ có KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy) được đầu tư nhà máy xử lý nước thải

Chỉ một khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có 6 KCN gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47 ha.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối năm 2019, trên địa bàn các KCN này có hơn 100 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực. Việc hình thành các KCN để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm tra, giám sát và xử lý đồng bộ của các cơ quan chức năng nên hiện nhiều KCN vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung trong khi đó theo quy định về bảo vệ môi trường, đối với các KCN khi xây dựng các cơ sở sản xuất phải đi đôi với việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp và khu xử lý chất thải công nghiệp.

Hiện tại, chỉ có KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy) là có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh. KCN Phú Bài giai đoạn 1,2 có diện tích 185 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, trạm xử lý nước thải tại đây có công suất 6.500 m3/ngày đêm. Hiện nay, KCN này đang mở rộng giai đoạn 3,4 với tổng diện tích 463 ha. 
Được biết, vừa qua, một số doanh nghiệp cũng có ý định đến đầu tư tại các KCN trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, các KCN này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nhiều nhà đầu tư lo ngại về vấn đề môi trường.

tm-img-alt
Hiện tại Thừa Thiên Huế chỉ có KCN Phú Bài có hệ thống xử nước thải tập trung.

Từ năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, tối đa không quá 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nào tiếp cận được nguồn kinh phí này. Nguyên nhân các KCN thu hút doanh nghiệp, nhà máy… vào hoạt động sản xuất đạt tỷ lệ thấp khiến các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trên cơ sở diện tích quy hoạch đã được phê duyệt, các nhà đầu tư hạ tầng sẽ thuê lại của Nhà nước xây dựng đường, điện, hệ thống nước…

Sau đó, cho các doanh nghiệp sản xuất thuê lại mặt bằng này theo giá thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên do các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp “vắng khách hàng” nên một thời gian dài vấn đề đầu tư hệ thống nước thải tập trung dường như bị "bỏ ngỏ" vì chi phí lớn, khoảng 100 tỷ đồng/một trạm xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, trước đây do vấn đề ưu đãi kêu gọi thu hút nhà đầu tư nên có thực trạng khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng địa phương vẫn cấp phép cho các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà máy hoạt động, chẳng hạn như trường hợp ở Khu công nghiệp Phú Đa hiện nay có 4 doanh nghiệp đang sản xuất.

Còn có một “nghịch lý” khác là dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhưng có nơi vẫn luôn trong tình trạng “đói nước”. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.900 m3/ngày đêm do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng nay chỉ phục vụ cho 5 nhà máy đang hoạt động với công suất xử lý nước thải gần 100 m3/ngày đêm.

tm-img-alt
Một số KCN chỉ là những bãi đất trống, không có dự án nào. Trong ảnh là KCN Quảng Vinh

Như KCN Phong Điền (huyện Phong Điền) được thành lập từ năm 1998, có tổng diện tích quy hoạch rộng 700 ha, gồm khu A, B, C, Viglacera. Hiện nay, khu C mới có 3 nhà máy hoạt động, khu B có 1 nhà máy hoạt động, khu Viglacera mới thu hút được 1 dự án, khu A chưa có nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp.

KCN Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) có diện tích quy hoạch phê duyệt là 126 ha, mới thu hút nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 37 ha và đang có 2 nhà máy hoạt động. KCN La Sơn (huyện Phú Lộc) quy hoạch 300 ha, mới có một nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 120 ha và đang có 2 nhà máy vận hành. KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) và Phú Đa (huyện Phú Vang) chưa có nhà đầu tư hạ tầng.

Không có hệ thống xử lý nước thải làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương, cũng như môi trường sinh thái bền vững xung quanh khu công nghiệp. Do quá trình hoạt động nhiều nhà máy đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư gây bức xúc cho người dân địa phương.

Thúc giục nhà đầu tư sớm xây dựng trạm xử lý nước thải

Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đốc thúc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải sớm xây dựng hoàn chỉnh trạm xử lý nước thải tập trung. Tại Khu công nghiệp Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) được quy hoạch chi tiết 126ha, đã thu hút được 1 nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 37ha. Dự kiến hoàn thành trạm xử lý nước 500 m3/ngày đêm vào quý IV/2021. Khu công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc) có diện tích 300ha, với 1 nhà đầu tư hạ tầng. Dự kiến đưa vào hoạt động trạm xử lý nước 3.000 m3/ngày đêm vào quý II/2022.

Khu công nghiệp Phong Điền diện tích 700ha gồm 4 khu A, B, C, Viglacera. Kế hoạch sẽ có 2 trạm xử lý nước thải tập trung đầu tiên nhưng do vướng các lý do như dịch bệnh, khảo sát nên vẫn chưa “thành hình” hệ thống xử lý nước thải tập trung nào. Dự kiến trong năm 2022, Khu công nghiệp Phong Điền ở khu C và khu Viglacera sẽ triển khai thủ tục đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm và trạm 2.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành quý II/2022.

Tại Khu công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang) hiện đã có 6 nhà máy gồm 4 nhà máy may mặc; 1 nhà máy men Frit và 1 nhà máy sợi tuy nhiên vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung do chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng nào. Khu công nghiệp Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) hiện vẫn chưa có nhà đầu tư nào…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Muốn kêu gọi được các doanh nghiệp, nhà máy… vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, các khu công nghiệp phải có nhà đầu tư hạ tầng để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường, điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung… Tuy nhiên, do một số khu công nghiệp ít doanh nghiệp vào thuê đất nên các nhà đầu tư hạ tầng không mặn mà bỏ tiền ra đầu tư. Mặt khác, nếu nhà đầu tư hạ tầng lỡ đầu tư trước mà ít doanh nghiệp vào thuê thì họ sẽ rất lỗ, nên đây là một bài toán phức tạp./.

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên Huế: Mới chỉ có 1 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.