Thứ sáu, 29/03/2024 06:52 (GMT+7)

Thực trạng, giải pháp xử lý rác thải khẩu trang y tế dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ năm, 16/04/2020 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay phòng chống dịch Covid-19 đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Một trong những giải pháp được nhiều quốc gia và người dân lựa chọn là đeo khẩu trang y tế.

Tuy nhiên đây là vật dụng chỉ sử dụng một lần, nên sau khi dùng không ít người thường vứt bừa bãi gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường và là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Thực trạng này đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Nhu cầu đeo khẩu trang y tế của người dân tăng vọt khiếp áp lực xử lý rác thải khẩu trang trở thành một vấn đề cấp bách.

1. Thực trạng rác thải khẩu trang y tế trong giai đoạn dịch Covid -19


Khẩu trang y tế là một loại "mặt nạ" bảo vệ được sử dụng để bịt vùng mặt (thường là mũi, miệng) để ngăn ngừa bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, dịch bệnh, bụi bặm thông qua đường hô hấp. Khẩu trang y tế được sử dụng nhiều trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, giám định pháp y... đặc biệt là những người làm công việc phẫu thuật.   

Đại dịch virus Covid-19 hiện đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng khẩu trang để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do nCoV là điều rất cần thiết. Vì vậy, nhu cầu của người dân Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung về khẩu trang y tế rất lớn. Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện nay hằng tháng ngành y tế các nước cần 89 triệu chiếc khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ.

Cùng với sự lây lan của dịch Covid-19, số lượng khẩu trang y tế được sử dụng cũng ngày càng nhiều. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích mà nó mang lại, nhưng cũng nảy sinh không ít vấn đề nhất là vấn đề rác thải và môi trường từ khẩu trang y tế. Hiện nay rác thải từ khẩu trang y tế và xử lý rác thải khẩu trang y tế lại trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính khiêm tốn mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này, một con số không nhỏ chút nào và lại mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh. Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới và cả ở Việt Nam đã công bố một số số liệu về việc rác thải khẩu trang y tế đã tăng vọt trong khoảng thời gian gần đây. Dữ liệu do Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) đưa ra ngày 13/2 cho thấy, tỉnh Hồ Bắc, nơi virus corona mới lần đầu xuất hiện vào tháng 12, có công suất xử lý chất thải y tế là 317,5 tấn/ngày vào ngày 11/2, tăng so với 180 tấn/ngày so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Các bệnh viện ở Vũ Hán với dân số 11 triệu người, đã thải ra hơn 240 tấn rác y tế mỗi ngày trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 12/2019 đến nay. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày chỉ có 40 tấn rác y tế ở Vũ Hán.

Ở Việt Nam thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 120.000 mét khối nước thải y tế và 350 đến 400 tấn chất thải y tế được thải ra, trong đó có tới 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý. Còn trong thời điểm dịch bệnh này, số lượng rác thải y tế, khẩu trang y tế lớn gấp nhiều lần. Thành phố Đà Nẵng,  với 1.134.310 người (theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019) cộng thêm số lượng lớn khách du lịch và người dân vãng lai từ nơi khác đến thành phố hàng ngày. Theo đó, trung bình mỗi người dân Đà Nẵng sử dụng 1khẩu trang/ngày khi đi ra ngoài. Có thể thấy số lượng rác khẩu trang thải bỏ hàng ngày là một con số quá lớn đối với  đối với thành phố Đà Nẵng. Con số này còn lớn hơn rất nhiều với hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong tình hình dịch bệnh Covid 19, người dân trong cả nước đều phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng thì rác thải khẩu trang ở khu vực nào cũng vô cùng nhiều.

Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc khẩu trang đang thải ra môi trường, đây là nguyên nhân rác khẩu trang có mặt ở mọi nơi. Trong những tháng vừa qua, rác khẩu trang y tế tăng vọt ở những điểm thu gom rác, ở lòng đường, vỉa hè hay bất cứ đâu mà người dân có thể xả rác được. Điều đáng nói ở đây là các loại khẩu trang y tế vẫn chưa được phân loại và vẫn lẫn trong rác thải sinh hoạt.  Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn về việc ô nhiễm môi trường cũng như dịch bệnh trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ.

2. Hậu quả của rác thải khẩu trang y tế đối với môi trường

Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Lượng rác thải từ khẩu trang y tế sau sử dụng gia tăng mạnh đang góp thêm áp lực cho công tác xử lý rác thải.Từ chỗ trở thành khẩu trang phòng dịch bệnh, khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi nơi công cộng đang gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thứ nhất, nguy cơ phát tán dịch bệnh từ rác thải khẩu trang. Các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng một lần và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này lại là nơi phát sinh nguồn bệnh. Bởi vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang. Không chỉ là virus Covid-19 mà tất cả những loại vi sinh vật khác từ người có bệnh đều có thể ở trong đó. Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt xì hơi lúc bịt khẩu trang thì các loại vi rút, vi khuẩn bám dính vào các lớp khẩu trang. Sau khi vứt khẩu trang mà không bỏ vào thùng rác sẽ phát tán ra môi trường như trôi theo nước, đi vào đất, bay vào không khí ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh và lây lan bệnh cho người khác.

Thứ hai, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải khẩu trang y tế. Với rác thải thông thường, ở một lượng nhất định, các chất hữu cơ còn được phân hủy trong môi trường đất trong hai điều kiện yếm khí và háo khí.Với một lượng vừa phải thì khả năng làm sạch của môi trường đất khiến rác thải không trở thành ô nhiễm. Tuy nhiên, có nhiều loại chất lại rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Thông thường nếu không có sự tác động của con người thì sẽ tồn tại rất lâu trong môi trường. Khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên khó phân huỷ ở môi trường tự nhiên. Khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh được lực lượng y tế được một số nước xếp vào loại rác thải y tế độc hại phải được xử lí đặc biệt, không đưa ra bãi rác. Nếu không được xử lý đúng quy trình, chúng tồn tại ở môi trường, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn đất, nước. Thực tế, khẩu trang y tế được vứt bỏ bừa bãi ở mọi nơi, ở hồ nước, những con sông và thậm chí là trên bãi biển. Đây là nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, môi trường biển rất lớn, thậm chí đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài thủy hải sản. Chúng ta vẫn nhớ tới những câu chuyện môi trường đau lòng khi những chú cá voi "khổng lồ" bị chết do nuốt phải quá nhiều rác thải. Đó là thực tế và cũng là cảnh báo với chúng ta nếu không xử lí tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do khẩu trang y tế trong dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ ba, vứt khẩu trang y tế không đúng nơi quy định còn ảnh hưởng cảnh quan môi trường sống. Những ngày này ra đường hay công viên không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế bị vứt bỏ khắp nơi.  Đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… tập trung rất đông dân cư và khách du lịch. Dù đây là những thành phố lớn, được coi là khu vực có trình độ dân trí cao nhưng dường như ý thức của một số người dân với rác thải nói chung và khẩu trang y tế nói riêng vẫn còn chưa cao. Hãy nhìn một công viên cỏ xanh, hoa đẹp như vậy mà bị xấu đi nhiều do hình ảnh những chiếc khẩu trang bị vứt bừa, gió thổi bay ngổn ngang. Hình ảnh đó chắc chắn không "xanh - sạch - đẹp". Trong khi chúng ta đang hướng tới môi trường sống sạch, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, trong khi Chính phủ, Bộ Y tế đang ngày ngày nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chống dịch thì những chiếc khẩu trang được thải bỏ một cách thiếu ý thức đã làm xấu, làm bẩn không ít môi trường sống của chúng ta.

3. Giải pháp xử lý rác thải khẩu trang y tế để bảo vệ môi trường

Để giảm bớt hậu quả do lượng lớn rác thải khẩu trang y tế gây ra trong môi trường, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các địa phương cần bố trí lực lượng theo dõi và kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề xả rác ra môi trường, đặc biệt là khẩu trang y tế trong giai đoạn dịch Covid-19 này. Chính Phủ đã có các văn bản pháp luật để xử phạt các hành vi xả rác ra môi trường cũng như có những văn bản điều chỉnh trực tiếp việc thải bỏ khẩu trang y tế không đúng nơi quy định nên chính quyền các địa phương phải tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật và thực thi một cách hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị. Trước tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi,  có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 624/BYT-MT về việc xử lý đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tại địa phương: Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang; Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay; Bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định theo Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hai là,  chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố nên ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu xử lý chất thải của thành phố. Trong tình hình dịch bệnh, khẩu trang được liệt vào danh sách rác thải y tế. Với tính chất là rác y tế, thì việc xử lý rác y tế cần được thu gom bởi các công ty có chuyên môn được cấp phép.Trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đối với việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải có nguy cơ lây nhiễm, chất thải phát sinh tại vùng dịch (nếu có) trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng nhằm trục lợi bất chính; xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải nguy hại (có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm) trên địa bàn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, khu vực tập trung đông dân cư (tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị…) bố trí các điểm thu gom, lưu giữ riêng khẩu trang y tế theo đúng quy định, khẩn trương xây dựng kịch bản về quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt trong trường hợp phát sinh ổ dịch trên địa bàn. Cần chủ động tổ chức phun xịt khử trùng tại các điểm tập kết, lưu chứa, trạm trung chuyển, bãi rác, kể cả phương tiện chuyên dụng vận chuyển rác thải, chất thải nguy hại. Khuyến cáo người dân nhặt rác tại bãi rác không thu lượm rác trong giai đoạn hiện nay...Trong đó, cần yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh cho các khu vực là vùng dịch. Đối với việc xử lý, thu gom khẩu trang, nên tập trung, thu gom lại để xử lý bằng cách đốt. Đặc biệt, trong những trường hợp khu vực có dịch, cần thông báo cho những cán bộ làm khâu xử lý môi trường để những khẩu trang dùng một lần cần phải được thu gom vào một túi riêng để xử lý và phải được bọc kín không để lây lan ra chung quanh. Khi thu gom nên đeo găng tay, dùng que, hay dụng cụ để gắp cho vào túi kín đem đến lò đốt hoặc chôn lấp. Chính quyền cần bố trí lực lượng giám sát 24/24h tại khu chôn lấp rác thải để sẵn sàng ứng phó, bố trí phương tiện, thiết bị, bảo hộ cho công nhân tại khu chôn lấp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩu trang y tế bị nhiễm bệnh, cần phải báo cho cán bộ xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế, để hạn chế sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Ba là, cần tuyên truyền và sử dụng đúng khẩu trang y tế và đúng đối tượng cần phải sử dụng khẩu trang y tế. Thực tế hiện nay việc sử dụng khẩu trang y tế đã quá phổ biến và việc vứt bỏ khẩu trang y tế  đang gây một sức ép lớn đến với môi trường. Do nỗi sợ hãi trước Covid–19 (nCoV) lớn hơn nguy cơ thực tế cũng như do hiểu chưa đầy đủ về cách thức phòng ngừa nên việc sử dụng khẩu trang vải chưa được chú trọng. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn thì việc sử dụng đúng cách khẩu trang vải ba lớp hay khẩu trang vải hai lớp tẩm chất sát khuẩn có hiệu quả tránh lây nhiễm nCoV. Khẩu trang y tế về nguyên tắc chỉ nên dùng một lần, không dùng lần hai, còn khẩu trang vải có thể giặt hàng ngày, dùng xong trong một ngày thì có thể giặt, phơi khô và hôm sau lại tiếp tục sử dụng. Theo các bác sĩ, do virus Corona chủng mới có kích thước nhỏ nhưng không tự bay lơ lửng trong không trung, mà phải có môi trường để phát tán - những giọt nước miếng bắn từ người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho… Do vậy, chỉ cần đeo khẩu trang 3 lớp là được; không nhất thiết phải cần khẩu trang chuyên dụng vốn dành cho trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người đang nhiễm bệnh và có diễn biến nặng. Khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn có tác dụng giảm áp lực đối với việc cung cấp khẩu trang y tế, giảm thiểu rác thải từ lượng khẩu trang sử dụng một lần, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.Với khẩu trang vải, người dân nên có vài chiếc để thay nhau sử dụng. Khi tháo khẩu trang, nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi nylon bọc kín để trong xe ô-tô hoặc xe máy để đến cuối ngày về nhà giặt bằng xà-phòng và phơi nắng hoặc sấy khô. Sử dụng các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, giặt sạch sau một ngày sử dụng giúp vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Dịch Covid-19 khiến toàn cầu căng mình phòng chống, bên cạnh đó vấn đề xử lý rác thải y tế cũng khiến nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp để xử lý rác thải khẩu trang. Để các giải pháp này thực sự có hiệu quả thì cần rất nhiều sự góp sức của người dân. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách và đúng mục đích, xử lý rác thải khẩu trang y tế khoa học chính là một trong những điều quan trọng nhất cần làm để góp phần phòng chống dịch Covid- 19 hiệu quả. Đây cũng là những việc làm có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường vì một môi trường xanh- sạch – đẹp và an toàn.

Ths. Nguyễn Thị Khánh Huyền

 Trường Đại học Luật Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng, giải pháp xử lý rác thải khẩu trang y tế dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.