Thứ bảy, 20/04/2024 07:19 (GMT+7)

Thực trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trên địa bàn TP Hà Nội

MTĐT -  Thứ ba, 04/06/2019 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bụi mịn PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi, mạch máu, có khả năng gây nên nhiều bệnh mãn tính hoặc khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.

Theo Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual, năm 2018 chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình của Hà Nội là 40,8µg/m3, cao gấp 1,6 quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp 4 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3).

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và đặc biệt tại một số thời điểm diễn biến rất phức tạp. Tại Hà Nội, các thông số đo đạc được từ các trạm quan trắc cho thấy chỉ số bụi PM 2,5 vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của VN, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2019.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức trung bình (tỷ lệ ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình tại hầu hết các trạm trên địa bàn Hà Nội dao động trong khoảng 50-60%).

Tại các khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường. (Ảnh: Tổng cục Môi trường).

Tại các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao.

Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 40 – 80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn.

Nói về nguyên nhân tạo nên bụi mịn, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường cho biết: “Bụi mịn được sinh ra từ nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Tại Việt Nam, bụi mịn trong không khí được sinh ra chủ yếu là từ hoạt động sản xuất tại các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông công cộng thải ra. Ở một số nước như Indonesia, bụi mịn còn được sinh ra do hoạt động của núi lửa, ở Trung Quốc thì do gió thổi từ sa mạc...”.

Nói về loại bụi mịn PM2.5, ông Tùng nhận định đây là loại bụi nhỏ khá nguy hiểm với sức khỏe, ngay cả khi bịt khẩu trang thường cũng sẽ không thể cản được loại bụi này đi vào đường hô hấp, mà cần đến những loại khẩu trang chuyên dụng hơn. Bụi mịn PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi, mạch máu, có khả năng gây nên nhiều bệnh mãn tính hoặc khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.

Để phòng tránh những tác hại xấu đến sức khỏe mà bụi mịn mang đến, những người mắc các căn bệnh mạn tính cần hạn chế ra đường. Nếu phải lưu thông trên đường, người dân nên trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, kính... Chọn thời điểm ít phương tiện lưu thông khi ra đường, không nên để trẻ em ra đường vào những khung giờ cao điểm.

Bụi mịn PM2.5 có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, vào phổi, mạch máu, có khả năng gây nên nhiều bệnh mãn tính.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân do các phương tiện giao thông tập trung đông ở khu vực nội thành, các công trình xây dựng không được che chắn cẩn thận, phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành gây ô nhiễm cao như nhiệt điện, sắt thép, xi măng... và nông dân đốt rơm rạ.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, khuyến cáo: “Tình trạng ô nhiễm không khí ở VN khó có thể cải thiện khi tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030. Chính phủ nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch, đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than”.

Một giải pháp tình thế được nhiều chuyên gia khuyến cáo là phải tăng cường trồng cây xanh để giúp giảm bụi, giảm khí độc, tăng lượng ô xy. Điều quan trọng là phải cắt giảm được nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, giãn dân ra vùng ngoại thành để bớt tập trung dân số trong phạm vi hẹp... mới mong cải thiện được chất lượng không khí.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố tập trung triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 

Trong đó, chú trọng một số giải pháp cụ thể, như: Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp; đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải. 
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường...

Trước đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng xã hội cùng hành động nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí trên toàn thế giới.

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trên địa bàn TP Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...