Thứ sáu, 29/03/2024 21:19 (GMT+7)

Thuế bảo vệ môi trường: Tại sao chi lớn hơn thu?

MTĐT -  Thứ ba, 13/03/2018 15:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 - 2016. Nhưng thực tế, số tiền chi từ NSNN cho các nhiệm vụ BVMT lại luôn lớn hơn số thu về.

Thu thuế BVMT tăng qua các năm

Bộ Tài chính lý giải rằng: “Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể”.

Tuy vậy, mặc dù số thu thuế BVMT liên tục tăng qua các năm nhưng tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT lại cao hơn số thu thuế BVMT.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương (NSĐP) cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 - 2016.

Tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng, gồm: Chi thường xuyên từ NSNN (NSTW và NSĐP) bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVMT (không quá 1% tổng chi NSNN) khoảng 52.420 tỷ đồng; Chi các hoạt động kinh tế của NSTW (gồm chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo,… bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2012 - 2016), Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2012 - 2016), Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2016); chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông) khoảng 36.711 tỷ đồng.

 Số thu thuế BVMT tăng qua các năm. Ảnh minh họa.

Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương (chi cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 2 ngành: Ngành tài nguyên và môi trường và ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu,...) khoảng 24.246 tỷ đồng.

Tổng chi từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa,... cho giai đoạn 2012 - 2016 khoảng 18.480 tỷ đồng.

Ngoài ra còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững,... Theo đó, thực hiện chính sách thuế BVMT đã góp phần động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu cho NSNN để giải quyết vấn đề môi trường với nhu cầu ngày càng tăng.

Khó minh định được “đồng nào ra đồng đấy”

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, thực tế có năm thu từ BVMT ít nhưng chi nhiều hoặc có thời gian chi nhiều nhưng không thu. Ví dụ hàng chục năm trước chúng ta không thu thuế BVMT, nhưng vì nhiệm vụ BVMT đã phải chi từ thời kỳ đó.

Nhận định về đề xuất mới đây của Bộ Tài chính tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về biểu thuế BVMT, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, Việt Nam những năm vừa qua tăng trưởng kinh tế cao, kèm theo mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao.

Do đó, thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, xử lý khắc phục những tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Trong điều kiện vẫn ở trong khung thuế quy định, giá cả chịu đựng được thì cần phải tính đến điều chỉnh thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, trong phạm vi của luật, việc tăng thuế BVMT của mặt hàng xăng dầu là được phép.

Mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xăng dầu lên mức kịch khung. - Ảnh minh họa.

Lý giải về thuế BVMT, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, cơ bản chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hằng năm. Bởi lẽ, ngoài đầu tư cho sự nghiệp môi trường tối thiểu 10% tổng thu ngân sách thì còn nhiều loại phí, quỹ liên quan đến môi trường cũng như vốn vay ODA.

“Thu thuế là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Còn thuế bảo vệ môi trường không thể nói là trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng từ ngân sách nhà nước” - ông Liêm lý giải.

Theo vị đại diện Bộ Tài chính, đầu tư cho môi trường bao gồm rất nhiều khoản như: xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí, nhiều vấn đề ô nhiễm khác hoặc hỗ trợ chính sách liên quan đến môi trường. Ngoài ra, chi đầu tư cho môi trường cũng là một khoản hoàn toàn khác. Do đó, khó có thể minh định được “đồng nào ra đồng đấy”.

Thông thường chính sách thuế BVMT ở các nước thường nhằm 2 mục tiêu chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho NSNN thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Hiện nay, nhiều nước thu thuế liên quan đến mục đích BVMT đối với sản phẩm, hàng hóa khi được sử dụng sẽ gây tác động xấu đến môi trường.

P.V (tổng hợp theo SGGP, Thời báo kinh tế, NLĐ)

Bạn đang đọc bài viết Thuế bảo vệ môi trường: Tại sao chi lớn hơn thu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới