Thứ năm, 28/03/2024 16:45 (GMT+7)

Thuế BVMT: Chi thế nào để thực sự vì môi trường?

MTĐT -  Thứ năm, 27/02/2020 17:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi mức trần thu thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất tăng mạnh thì tỷ lệ chi thực tế cho mục đích này ngày càng giảm trong những năm qua.

Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng (tăng gấp 6 lần, từ hơn 11.000 tỷ đồng năm 2012 lên gần 69.000 tỷ đồng dự thu trong năm 2019), trong đó xăng, dầu đóng góp hơn 90%.

Riêng về các khoản chi cho mục đích BVMT, theo số liệu từng được Bộ Tài chính công bố, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm.

Tỷ lệ chi thực tế cho mục đích bảo vệ môi trường chưa thảo đáng.

Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường?

Việc áp dụng Luật thuế BVMT đến nay đã gần 10 năm là một khoảng thời gian đủ dài để đánh giá hiệu quả của sắc thuế này. Với hiện trạng chất lượng môi trường ngày càng suy thoái nghiêm trọng, hiệu quả của Luật thuế BVMT trong việc “hạn chế việc sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm, khuyến khích sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường” đến đâu? Trước khi câu hỏi này được trả lời thỏa đáng, việc đặt ra thêm phí BVMT đối với khí thải có thể chẳng những không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tiếp tục tạo thêm nhiều áp lực cho người dân và nền kinh tế.

Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận bất kỳ người dân nào cũng đòi hỏi sự minh bạch, hiệu quả trong sử dụng các khoản thu thuế. Đơn cử Hà Nội có hàng chục triệu xe máy, ôtô chạy bằng xăng, dầu, nên khoản thu thuế từ số này cũng không nhỏ, song môi trường Thủ đô ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. “Sắc thuế đưa ra với mục tiêu là để bảo vệ môi trường, nhưng chi ra cho mục đích này quá thấp thì không hợp lý”, ông đặt vấn đề.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trường Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và hiện là Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng “các quy định cần chặt chẽ hơn để ưu tiên các loại phí sẽ quay lại trực tiếp chi trả cho vấn đề đó”.

Ông cho biết thêm dự thảo Nghị định về phí BVMT với khí thải vẫn đang đi theo tư duy của phí BVMT với nước thải, tức phần lớn dòng tiền vẫn có khả năng đi vào luồng chung cho nhiều việc khác.

Một số nhóm vận động cho không khí sạch đang đề xuất nếu thu phí BVMT với khí thải sẽ cần có quy định tối thiểu 70% chi phí sẽ quay trực tiếp lại cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.

“Dĩ nhiên con số lý tưởng là 100%. Nhưng nếu nâng được từ mức trước kia lên đến 70% cũng là một thành công”, TS. Hoàng Dương Tùng nhận xét.

Cần phải có cách đánh thuế thoả đáng

Đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường, trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật theo hướng tăng thuế đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng.

Theo TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, trong thời gian tới, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng, các chính sách thu cần theo hướng bền vững hơn. Trong đó, cần rà soát thuế suất của tất cả các loại tài nguyên để điều chỉnh cho phù hợp; nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất của những loại tài nguyên không tái tạo.

Theo báo Dân trí, bình luận về con số thu – chi thuế bảo vệ môi trường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cho biết,  tỷ lệ thu thuế môi trường đánh trên các mặt hàng hiện vẫn còn thấp. Ngay trong xăng dầu, chi phí tương đối ít so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Tuy nhiên, để nâng thuế mà người dân không kêu ca thì cần phải có cách đánh thuế thoả đáng, các nhà làm chính sách phải nghiên cứu số liệu của các nước và giải thích rõ ràng cho người dân. Vấn đề là anh không giải thích được, không thấy lợi ích nên mới người dân mới phản ứng. Từ đó, dẫn đến chuyện so bì thuế nhiều, thuế ít này kia. Nếu có giải thích thoả đáng thì vấn đề gì đâu, người dân sẵn sàng nộp ngay”, ông bình luận.

Ông cũng cho rằng, một điểm bất hợp lý nữa là trong khi các nước đánh thuế BVMT vào nhiều mặt hàng thì Việt Nam chỉ chăm chăm vào một thứ như xăng dầu thôi sẽ khiến người dân thấy bất hợp lý.

“Cách thức đánh thuế, thu thuế có ý nghĩa rất lớn trong việc làm người đóng thuế thấy hợp lý, bản chất vấn đề ở đây là cơ quan chính sách chưa thực sự khôn khéo, chưa có nghệ thuật đánh thuế khiến thuế chưa đánh, người tiêu dùng đã kêu om lên rồi”, ông Thịnh cho biết.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thuế BVMT: Chi thế nào để thực sự vì môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới