Thứ năm, 28/03/2024 16:41 (GMT+7)

Thường Tín: San nền làm TT Văn hóa-Thể thao bằng “chất thải rắn”?

Trang Triệu -  Thứ tư, 08/08/2018 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Đấy đâu phải rác thải xây dựng, có gì đâu mà bảo là rác thải xây dựng. Đó chỉ là chất thải rắn, tận dụng để mấy nữa đổ đất lên trên cho đỡ tốn kinh phí, chứ có gì đâu", ông Bảo cho biết.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân xã Văn Bình, huyện Thường Tín tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc san lấp bằng rác thải xây dựng gần nghĩa trang thôn Văn Giáp. Ngày 5/8 PV đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận thực tế.

Đang san nền Trung tâm Văn hóa - Thể thao

Tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội đúng như lời người dân phản ánh khoảng 1 ha đất gần nghĩa trang thôn Văn Giáp đang được san lấp bằng rác thải xây dựng, đất bẩn. Bãi đất này chỉ cách UBND xã Văn Bình vài trăm mét.

Khoảng 1 ha đất gần nghĩa trang thôn Văn Giáp đang được san lấp bằng rác thải xây dựng, đất bẩn nhưng lãnh đạo xã cho rằng đó là... chất thải rắn

Máy móc phục vụ cho việc san lấp.

Để làm rõ thông tin phản ánh, ngày 7/8, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Văn Bình. Trao đổi với PV, ông Bùi Thế Mạnh (Cán bộ môi trường xã Văn Bình) cho biết: “Vị trí này đang được quy hoạch để làm Trung tâm Văn hóa – Thể thao của xã”.

Đồng thời ông Mạnh cũng khẳng định: “Việc sử dụng rác thải xây dựng để san lấp như vậy là không đúng, làm thay đổi kết cấu đất. Vì nếu sử dụng rác thải xây dựng thì công trình sau này chất lượng không tốt. Về pháp luật thì tôi cũng biết vậy, nhưng biết cũng không được làm gì”.

Ngày 7/8, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Văn Bình.

“Nhưng nếu nói về chi phí để san lấp hết chỗ diện tích đất này thì tốn rất nhiều, việc sử dụng rác thải xây dựng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí. Sau này sẽ dùng cát để phủ một lớp ở bên trên thì cũng không sao”, ông Mạnh nói thêm.

Về phía lãnh đạo UBND xã Văn Bình, ông Nguyễn Đình Bảo (Phó Chủ tịch UBND xã Văn Bình) cũng cho rằng: “Chỗ đang san lấp mặt bằng, là đất quy hoạch Trung tâm Văn hóa – Thể thao của xã, hiện nay xã đang đổ để làm sân vận động”.

Về việc san nền bằng rác thải xây dựng, ông Bảo khẳng định: “Đấy đâu phải rác thải xây dựng, có gì đâu mà bảo là rác thải xây dựng. Đó chỉ là chất thải rắn, tận dụng để mấy nữa đổ đất lên trên cho đỡ tốn kinh phí, chứ có gì đâu”.

Ông Nguyễn Đình Bảo (Phó Chủ tịch UBND xã Văn Bình) cho rằng đây là chất thải rắn, không phải rác thải xây dựng?
Còn cán bộ môi trường xã Văn Bình lại cho biết: "Sử dụng rác thải xây dựng để san lấp như vậy là không đúng"!?

Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Doãn Ánh (Cán bộ địa chính xã Văn Bình) thông tin: “Tôi cũng chỉ nắm được thông tin là có một vài đơn vị tư nhân họ xin đổ vào đấy, lót ở dưới trước rồi mai này mới đổ một lớp cát lên trên để tiết kiệm chi phí san nền.

Về diện tích thì theo quy hoạch sẽ rộng khoảng 2 ha. Mình cho họ đổ và không phải bỏ chi phí gì, đại khái là tiết kiệm được tiền san lấp.

Về bản quy hoạch xây dựng Trung tâm VHTT xã đã được huyện phê duyệt, còn quy hoạch chi tiết dự án như kinh phí,... thì chưa có”.

Theo quan sát của PV, tại khu đất đang được san lấp để làm Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Văn Bình không chỉ có gạch, bê tông vụn được sử dụng để san lấp mà có nhiều loại rác thải xây dựng khác như bao bì, gỗ, túi nilon, dây buộc,...

Thế nhưng, theo cách nói của vị Phó Chủ tịch xã Văn Bình thì đây lại là chất thải rắn, không phải rác thải xây dựng.

Diện tích đất đang được san lấp bằng rác thải xây dựng để làm Trung tâm Văn hóa - Thể thao của xã Văn Bình.

Vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cán bộ chuyên môn cho đến Phó Chủ tịch, PV đã liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND xã Văn Bình là ông Nguyễn Văn Quang.

Thế nhưng, cán bộ Văn phòng lại cho biết: “Bác Phó Chủ tịch trả lời cho rồi, tạm thời quy hoạch để đấy, vì đây là đất ruộng. Nguồn ngân sách của xã rất nghèo, nên làm dần thôi, khi nào có nguồn ngân sách mới làm tiếp. Thế thôi, bác Phó Chủ tịch cũng đã trả lời rồi đấy, có gì đâu”.

Bản quy hoạch xây dựng Trung tâm VHTT xã Văn Bình được huyện phê duyệt do cán bộ địa chính xã Văn Bình cung cấp.

Luật sư phản bác

Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội).

Luật sư Hà Huy Phong cho biết: "Pháp luật hiện tại không cấm việc sử dụng rác thải để sử dụng làm vật liệu san nền xây dựng. Tuy nhiên, việc sử dụng như vậy cần phải đáp ứng một số điều kiện và quy trình, thủ tục nhất định. Thứ nhất là rác thải xây dựng phải được phân loại phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai là chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Điều này có ý nghĩa rằng, trước khi sử dụng vật liệu rác thải xây dựng để san nền làm Trung tâm văn hóa xã, thì rác thải đó phải đã được phân loại và việc sử dụng như vậy đã nằm trong quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba là việc sử dụng rác thải như vậy phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường".

Về việc Phó Chủ tịch xã Văn Bình khẳng định chỉ là chất thải rắn không phải rác thải xây dựng. Luật sư Phong chia sẻ: Rác thải có nhiều loại, và được phân loại dựa trên các tiêu chí khác nhau, trong đó có loại rác thải rắn trong xây dựng. Hiện tại có Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có đưa ra các khái nhiệm về chất thải. Trong lĩnh vực xây dựng, có Thông tư số 08/2017/TT-BXD về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Luật sư Phong cũng cho hay: "Theo quy định tại Luật xây dựng và Nghị định 59/2014/NĐ-CP, ngoại trừ nhà ở riêng lẻ, các dự án đầu tư xây dựng cần phải thực hiện qua ba bước chính như sau:

Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác;

Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng.

Như vậy, việc đưa một công trình vào thi công xây dựng khi chưa có phê duyệt chi tiết là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành".

UBND xã Văn Bình có “tiếp tay” cho đơn vị khác đổ rác thải xây dựng để san lấp mặt bằng, “tiết kiệm chi phí” cho việc xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao của xã hay không? 

Việc xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Văn Bình đã đầy đủ các hồ sơ liên quan đến việc xây dựng như Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy phép xây dựng, Quyết định giao đất hay chưa? Hay đang xảy ra tình trạng "tiền trảm hậu tấu"?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Thường Tín: San nền làm TT Văn hóa-Thể thao bằng “chất thải rắn”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới