Thứ năm, 28/03/2024 17:06 (GMT+7)

Tích cực trong bảo vệ môi trường và phòng chống rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ sáu, 31/07/2020 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa quan tâm, triển khai thực hiện như: Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng chống rác thải nhựa,...

Các chương trình hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường được Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai hàng năm như Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn...Đồng thời, Sở còn vận động bà con dân tộc miền núi không phá rừng làm nương rẫy, không đốt rừng trái phép trong mùa khô, kêu gọi người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa và nên sử dụng đồ thân thiện với môi trường. Triển khai các hoạt động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh cá nhân và cộng đồng.

Tổ chức nhiều hoạt động ra quân hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa

Thực hiện chương trình “Hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020”: Tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ khoảng 88,9 tỷ đồng, gồm năm 2016 là 23,3 tỷ đồng, năm 2017 là 15,2 tỷ đồng, năm 2018 là 15,6 tỷ đồng, năm 2019 là 16,3 tỷ đồng và năm 2020 ước thực hiện 18,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 10.000 ha rừng tập trung, 2 triệu cây phân tán, độ che phủ rừng toàn tỉnh. Phát động nhiều phong trào như nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh, dọn đường, san lấp hố, “ổ gà” để tạo khuôn viên cơ quan; thu gom, phân loại, xử lý rác thải đúng thời gian và đúng nơi quy định, trồng hoa và tạo hàng rào xanh xung quanh trụ sở làm việc và tổ chức ra quân thu gom rác thải trên bờ biển với phong trào phòng chống rác thải nhựa.

Triển khai các dự án “Trồng rừng bán ngập nước tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường vùng ven lòng hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa”. Kết quả đã trồng được 59,5 ha, gồm các loài cây trồng được khảo sát trồng phù hợp với điều kiện đất bán ngập như loài: Liễu rũ, Tràm úc, Vàng anh, Lộc vừng, Tre ngà, Dừa xiêm, ... xác định được 02 loài cây đưa vào trồng nhân rộng mô hình đối với loài cây Tre ngà trồng ở đai cao (116m đến 120m), loài cây Tràm úc trồng ở tất cả các đai (từ 110m đến 120m); đối với hoạt động xử lý loài cây Mai dương, dự án đã sử dụng biện pháp sinh hóa kết hợp thủ công để xử lý và tổ chức trồng rừng để ngăn chặn sự tái xâm hại.

Các dự án trồng rừng bán ngập nước tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường được chú trọng

Trồng rừng sản xuất phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hiện nay đã trồng mới được 456,8 ha rừng sản xuất trên địa bàn huyện Quan Hóa (90 ha) và huyện Mường Lát (366,8 ha); đến nay rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đã giúp phủ xanh đất chống đồi núi trọc, chống xói mòn gây sạt lở đất, lũ lụt và phát triển dân sinh, kinh tế cho người dân vùng đệm khu bảo tồn.

Đối với dự án “Nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom, xử lý chất thải khí trong quá trình phân tích kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa”. Đến nay đã đầu tư xây dựng 01 hệ thống thu gom khí thải và 01 hệ thống xử lý khí thải với công suất 20.000 - 30.000 m3 /giờ. Từ khi hoàn thành và đi vào hoạt động đến nay, các chất thải khí độc hại sinh ra trong quá trình kiểm nghiệm của Trung tâm đã được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường đảm bảo theo QCVN 19:2009/BTNMT, QCVN 20:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, công tác phòng chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn và không sử dụng túi nilon dùng một lần; bảo vệ rừng, không phá rừng để làm nương rẫy; không mang lửa vào rừng; không khai thác gỗ, lâm sản phụ, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình, dự án, chương trình bảo vệ môi trường rừng, biển, nước sinh hoạt và môi trường trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho 23 dự án; tổng kinh phí 84.758 triệu đồng./.

Theo Thu Thuỷ/Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Tích cực trong bảo vệ môi trường và phòng chống rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.