Thứ năm, 25/04/2024 07:53 (GMT+7)

Tiền Hải: Chính quyền xã Nam Thắng buông lỏng quản lý, hàng vạn m³ đất bị “lạc trôi”

Ngọc Tuyên -  Thứ năm, 29/09/2022 12:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng vạn m³ đất mặt ruộng ở thôn Rưỡng Trực 1, xã Nam Thắng (huyện Tiền Hải) đã bị một hộ dân tự ý đào bới chở đi bán gây thất thoát tài nguyên, gây ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ mặt bằng đất canh tác nông nghiệp

Thông tin từ người dân xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cho biết: Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa, nhưng khoảng gần 1 năm nay, hộ ông Trần Văn Tụy (trú thôn Nam Đồng Bắc, xã Nam Thắng) đã ngang nhiên huy động nhiều phương tiện như, máy múc, ô tô để đào bới, vận chuyển hàng vạn m³ đất mang đi bán để thu lợi bất chính, khiến mặt bằng đất canh tác bị phá vỡ, thất thoát tài nguyên khoáng sản của địa phương, gây ô nhiễm môi trường mà không thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng kiểm tra xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Được biết, toàn bộ diện tích đất nêu trên là đất 5% do UBND xã Nam Thắng quản lý và giao cho hộ ông Tụy canh tác, có vị trí tại thôn Rưỡng Trực 1, xã Nam Thắng, gần cống Thủ Chính giáp đường tỉnh 221A cũ.

tm-img-alt

Diện tích khoảng 2 ha đất nông nghiệp tại xã Nam Thắng bị hộ gia đình ông Trần Văn Tụy ngang nhiên khai thác và chở đất đi bán.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về thực trạng khu đất này, ông Đ.M.T người dân xã Nam Thắng, cho biết ông Trần Văn Tụy đã đến đây canh tác diện tích trồng lúa từ rất lâu, bước đầu chỉ nghĩ ông Tụy thuê máy cẩu đào đắp bờ ao thả cá kết hợp trồng lúa, nhưng khi thấy ông này thuê máy múc cho nạo vét cuốn chiếu thành từng đống đất lớn rồi chở đi bán cho các nhà máy sản xuất gạch khiến chúng tôi rất bất ngờ.

“Tình trạng trên diễn ra từ tháng 11/2021, có nhiều phương tiện, máy múc, san gạt một diện tích lớn đất trồng lúa, họ cuốn thành từng luống, có vị trí sâu đến trên 2m; khi trời nắng và khoảng từ 17 giờ chiều đến đêm muộn, nhiều xe ô tô tải rầm rập vào chuyển đất đi tiêu thụ khiến đường 221A bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đất đai rơi vãi gây trơn trượt, ô nhiễm môi trường, rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông”, ông T. cho biết thêm.

Những ngày cuối tháng 9, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu cánh đồng lúa này để ghi nhận thực tế, trong một phần diện tích đất trồng lúa (khoảng 2ha), đã bị đào múc chuyển từ ruộng lúa thành ao hồ, có 6 ô được ngăn cách bởi hệ thống bờ bao. Theo quan sát các ao này đều được máy móc đào sâu khoảng trên 2m. Ước tính với diện tích gần 2ha thì khối lượng đất đã được chuyển đi có thể đã lên đến gần 5 vạn m³.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nguồn lợi từ việc tiêu thụ tài nguyên trái phép này sẽ “chảy” vào túi ai, trong khi hiện nay tại các công trình san lấp phải mua với giá từ 65 đến 75.000 đồng/1m3 đất.

Ngoài ra, việc hộ ông Tụy cũng xây dựng công trình kiên cố trên mặt bằng đất nông nghiệp cũng khiến dư luận tại địa phương băn khoăn về công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn của chính quyền sở tại.

Liên quan đến sự việc trên, trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Phan Văn Du - Chủ tịch UBND xã Nam Thắng khẳng định, trên địa bàn xã hiện không có bất cứ quyết định cấp phép cho cá nhân, tập thể nào hạ cốt san nền đất nông nghiệp.

Ngoài ra, ông Du cũng thừa nhận, UBND xã giao cho ông Trần Văn Tụy quản lý diện tích 2ha loại đất nông nghiệp 5%, thời gian qua hộ ông Tụy đã tự ý san gạt đất nông nghiệp, phá vỡ mặt bằng. Xã đã nhiều lần mời chủ hộ lên làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng ngay việc phá vỡ mặt bằng và cấm chở đất đi nơi khác.

Khi PV đặt hỏi, dù đã lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác đất, nhưng hộ ông Tụy vẫn ngang nhiên tái diễn tình trạng này mà chính quyền xã không xử lý dứt điểm? Ông Du lý giải rằng, xã không đủ thẩm quyền xử lý các phương tiện khai thác, phương tiện chở đất,... vì thế, xã đã có công văn gửi UBND huyện Tiền Hải hỗ trợ lực lượng thu giữ, xử phạt nhiều phương tiện vi phạm.

“Do hộ dân vẫn cố tình vi phạm, lực lượng chuyên trách mỏng, vị trí này nằm cách xa UBND xã nên tình trạng này còn kéo dài. Bên cạnh đó, xã không có chức năng thu giữ phương tiện, mức xử phạt không đủ răn đe…”, ông Du biện minh.

Tiếp đến, khi PV đề cập được tiếp cận tài liệu về Hợp đồng thuê đất, biên bản xử phạt vi phạm hành chính, quyết định xử phạt thì người đứng đầu chính quyền xã Nam Thắng viện lý do cán bộ địa chính đi vắng nên không có để cung cấp!?

Việc để “chảy máu” nguồn tài nguyên kéo dài hàng năm trời, khiến thất thu ngân sách nhà nước nhưng các cấp chính quyền huyện Tiền Hải và xã Nam Thắng không có bất cứ biện pháp ngăn chặn, xử lý là thể hiện rõ dấu hiệu buông lỏng quản lý, để cho hộ ông Tuỵ “đánh cắp” tài nguyên đất.

Để thượng tôn pháp luật chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Tiền Hải, Công an huyện Tiền Hải cần vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đối với hộ ông Tuỵ, qua đó truy thu lại nguồn lợi nhuận bất hợp pháp về cho ngân sách nhà nước từ việc bán đất trái phép của ông này. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể chính quyền xã Nam Thắng khi để xảy ra sự việc trên.

Bạn đang đọc bài viết Tiền Hải: Chính quyền xã Nam Thắng buông lỏng quản lý, hàng vạn m³ đất bị “lạc trôi”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành