Thứ sáu, 29/03/2024 12:14 (GMT+7)

Tiếng “kêu cứu” từ dòng sông Đáy

MTĐT -  Thứ sáu, 13/07/2018 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ một dòng sông thơ mộng, nước trong xanh từng là nguồn nước sinh hoạt cho biết bao gia đình, thì giờ đây sông Đáy lại sắp biến thành dòng “sông chết” vì ô nhiễm ngày càng đáng báo động.

Theo số liệu quan trắc phân tích tài nguyên môi trường gần đây nhất (năm 2015) của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, môi trường nước mặt tại một số vị trí trên sông Đáy có nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt QCVN.

Cụ thể, một số chỉ tiêu đặc trưng của nước mặt đều vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT như BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần, COD vượt từ 1,13 đến 2,13 lần, NH4+ vượt từ 4,2 đến 12 lần. Chất lượng nước sông Đáy đang bị suy giảm trầm trọng.

Không chỉ đoạn qua tỉnh Hà Nam mà những tỉnh, thành có dòng sông Đáy chảy qua cũng ô nhiễm đáng báo động không kém.

Hơn chục năm trở lại đây, nước sông Đáy (Hà Nội) từ chỗ xanh trong đã chuyển sang mầu đen sẫm và bốc mùi khiến cuộc sống người dân hai bên bờ bị ảnh hưởng nặng nề.

Từ nhiều năm nay, người dân sống ở các khu vực gần sông Đáy, đặc biệt là là một số xã thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, thường xuyên phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng của con sông này.

Một đoạn sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Nếu như dòng sông Đáy thơ mộng một thời từng là nguồn nước sinh hoạt của biết bao gia đình thì nơi đây giờ lại biến thành nơi tập hợp của xác động vật, túi nylon, rác thải, nước thải khu công nghiệp, cống thải nước sinh hoạt... khiến dòng sông chỉ là một mầu nước đen ngòm. Thứ nước đen đặc sánh đó ẩn chứa sự chết chóc và tanh tưởi qua mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và khó thở. Có lẽ không cần phải lấy mẫu nước phân tích hay khảo nghiệm nghiên cứu, bằng mắt thường cũng có thể khẳng định không loài thủy sinh nào có thể tồn tại trong môi trường nước ô nhiễm đến như vậy.

Theo báo Nhân dân, tại khu vực cuối quận Hà Đông giáp huyện Chương Mỹ, đoạn từ cầu Mai Lĩnh xuôi về huyện Ứng Hòa, do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản, đoạn sông này luôn thường trực mức độ ô nhiễm cao. Vào các tháng mùa khô, tình trạng ô nhiễm trên sông Đáy càng trầm trọng hơn. Môi trường sinh thái bị đe dọa khiến cá, tôm thường xuyên chết hàng loạt. Người dân cũng không còn đánh bắt cá về ăn hay sử dụng nước sông cho sinh hoạt hằng ngày.

Vì sao sông Đáy biến thành dòng “sông chết”

Nói về lý do dòng sông Đáy bị ô nhiễm trầm trọng tại Hà Nội, báo ANTĐ thông tin, tại các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi có nghề sản xuất miến dong truyền thống, tình trạng ô nhiễm diễn ra ở khắp mọi nơi. Do đặc thù của một làng nghề truyền thống nên hầu như gia đình nào ở đây cũng tham gia sản xuất và chế biến nông sản. Mỗi ngày, có hàng trăm tấn củ sắn, củ đót được sơ chế, tẩy rửa và chế biến thành các sản phẩm khác nhau.

Tất cả các chất thải trong quá trình sản xuất đều được xả thẳng ra cống rãnh rồi tiếp tục chảy xuống sông Đáy, mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào, khiến cho nước sông trở nên đen kịt. Chất thải chăn nuôi hòa lẫn với chất thải từ chế biến nông sản đã tạo cho nước sông có một mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu.

Còn theo “Đề án Tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Thanh Liêm, Hà Nam” do Phòng TN&MT huyện Thanh Liêm cung cấp, thì vấn đề ô nhiễm nguồn nước của sông Đáy bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:

Diện tích mỏ khai thác đá sau khi đã bị phá vỡ làm mất lớp thảm thực vật bề mặt, gặp mưa làm xói mòn, chảy tràn.

Một số doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lí nước thải công nghiệp, nước thải vẫn xả trực tiếp ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Hoặc đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu như: Nhà máy xi măng Xuân Thành (theo báo cáo kết quả quan trắc tháng 12/2015) và hầu hết nước thải của các nhà máy mặc dù đã được xử lý đảm bảo QCVN14:2008/BTNMT -- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt, nhưng các chỉ tiêu đều cao hơn nhiều so với QCVN 08-MT:2005/BTNMT, điều này dẫn tới việc gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường nước mặt.

Nhà máy xử lý rác thải tại khu vực này chưa có trạm xử lý nước rỉ rác và bãi rác cũ không được thiết kế hợp vệ sinh, lượng rác thải tồn đọng quá lớn. Vì vậy, hàng ngày nước rỉ rác ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt.

Nguồn nước mặt sông Đáy ô nhiễm nặng, một phần do nước thải từ thành phố Hà Nội đổ về, một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh nội tỉnh xả thải trực tiếp vào sông Đáy.

Từng là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho biết bao gia đình, thì giờ đây sông Đáy luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối, khó chịu. Ảnh: Người đưa tin. 

Không chỉ sông Đáy, theo thống kê tại Việt Nam có khoảng 2.000 con sông với chiều dài từ 10km trở lên, mang lại lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính các hoạt động phát triển kinh tế xã hội lại gây ra tác động tiêu cực, làm nhiều con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân chính là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các làng nghề.

Vấn đề ô nhiễm môi trường đối với một số lưu vực con sông đang tại nước ta đang ngày càng trở nên đáng báo động. Nếu không có các giải pháp kịp thời, những con sông này có nguy cơ trở thành sông chết.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tiếng “kêu cứu” từ dòng sông Đáy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới