Thứ sáu, 19/04/2024 18:03 (GMT+7)

Tiếp cận đa ngành trong quy hoạch đô thị - Yêu cầu đổi mới chương trình và nội dung đào tạo đại học

MTĐT -  Thứ bảy, 03/12/2022 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị quyết 06-NQ/TW đã chỉ ra quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.

Tóm tắt:

Nghị quyết 06-NQ/TW đã chỉ ra quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.

Đây là yêu cầu đặc biệt quan trong đối với công tác quy hoạch nhằm tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, đảm bảo tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn.

tm-img-alt

Khoa Quy hoạch đô thị- nông thôn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là cái nôi đầu tiên đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch và là cơ sở cung cấp phần lớn nguồn cán bộ cho công tác quy hoạch xây dựng trong cả nước. Đứng trước các yêu cầu và nhiệm vụ của mới của Nghị quyết 06 cũng cần có những cải tiến, đổi mới để cung cấp nhân lực cho công tác quy hoạch

1. Đặt vấn đề

Ngày 24/01/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành, qua đó Bộ Chính trị chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm xuyên suốt trong đó chú trọng đổi mới tư duy, lý luận, phương pháp quy hoạch; bảo đảm quy hoạch có tầm nhìn dài hạn.

Trước đó năm 2017, Luật Quy hoạch ra đời cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn về phương pháp quy hoạch khi khẳng định tính tất yếu của phương pháp tiếp cận tổng hợp, tích hợp quy hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững

Ngoài ra những thách thức của toàn cầu hóa và diễn biến phức tạp của Biến đổi khí hậu, đòi hỏi các phương pháp quy hoạch phải toàn diện và bao trùm cũng như các giải pháp phải mang tính chuyển đổi và sáng tạo. Các thành phố hay các vùng lãnh thổ hiện nay cần một cách tiếp cận đa ngành đối với quy hoạch không gian nhằm đề xuất được các giải pháp tổng hợp.

Là một cơ sở đào tạo hàng đầu nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch của đất nước. Khoa quy hoạch đô thị- nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng phải kịp thời đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để thực hiện thành công yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 đã đặt ra tại nghị quyết Trung ương 06.

2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch

Khoa Quy hoạch đô thị- nông thôn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là cái nôi đầu tiên đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch và là cơ sở cung cấp phần lớn nguồn cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng cho cả nước.

Trước năm 1992 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo Kiến trúc sư (KTS) bao gồm cả thiết kế công trình và thiết kế quy hoạch. Việc đào tạo chung một khối lượng kiến thức quá rộng cho cả KTS công trình và KTS quy hoạch trong 5 năm học đại học có nhiều hạn chế, chưa tạo ra được một đội ngũ KTS quy hoạch chuyên nghiệp. Vì vậy năm 1992 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã thành lập Khoa Quy hoạch đô thị- nông thôn trên cơ sở Bộ môn Quy hoạch của Khoa Kiến trúc.

Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa quy hoạch đô thị- nông thôn luôn giữ vai trò là một cơ sở đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch hàng đầu của cả nước. Mỗi năm trường Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cung cấp cho xã hội hàng trăm KTS quy hoạch. Các thế hệ sinh viên ra trường đã đóng góp đáng kể trong công tác lập & quản lý quy hoạch tại các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Khoa Quy hoạch đô thị- nông thôn hiện nay có khoảng 45 cán bộ giảng dạy, trong đó có 02 Phó giáo sư, 13 Tiến sĩ và 30 Thạc sĩ. Tham gia giảng dạy còn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia đến từ các Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam & các cơ quan tư vấn trong và ngoài trường. Hiện nay mỗi năm Khoa tuyển sinh khoảng 250 sinh viên, trong đó 150 sinh viên thuộc chuyên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, 50 sinh viên cho chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan và 50 sinh viên cho chuyên ngành Thiết kế đô thị.

Khoa gồm 6 Bộ môn: Quy hoạch Vùng, Quy hoạch Đô thị và nông thôn, Kiến trúc Cảnh quan, Thiết kế đô thị, Sinh thái và quy hoạch môi trường đô thị. Mỗi Bộ môn phụ trách một chuyên ngành sâu- là một hợp phần tạo nên hệ thống kiến thức về quy hoạch.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội luôn chú trọng cải tiến và đổi mới Chương trình đào tạo KTS quy hoạch. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu và Hội đồng Khoa học của Nhà trường, Khoa Quy hoạch luôn xem xét, cập nhật bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo. Đây là một công việc tất yếu hàng năm thể hiện tinh thần trách nhiệm của Khoa và Nhà trường đối với sản phẩm của mình, sự kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về trình độ nguồn nhân lực tri thức trẻ chuyên ngành quy hoạch xây dựng.

tm-img-alt

Khoa Quy hoạch có 3 chuyên ngành đào tạo là Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế đô thị với thời gian đào tạo là 5 năm với tổng số tín chỉ (TC) của mỗi chuyên ngành khoảng 160 tín chỉ . Trong đó tỷ lệ các khối kiến thức như sau :

Khối kiến thức đại cương: 33 TC chiếm 21% Kiến thức cơ sở ngành: 50 TC chiếm 31 %

Kiến thức ngành: 40 TC chiếm 25 %

Kiến thức chuyên ngành: 25TC chiếm 15 % Đồ án tốt nghiệp: 12TC chiếm 8%

Nghiên cứu ứng dụng tiếp cận đa ngành vào giảng dạy đã được triển khai áp dụng từ những ngày đầu thành lập Khoa Quy hoạch. Đặc biệt sau khi Luật Quy hoạch ra đời năm 2017 đã thay đổi phương pháp quy hoạch truyền thống, tiếp cận đa ngành vì thế càng được chú trọng hơn.

Trong hệ thống các môn học của sinh viên Khoa Quy hoạch đã tăng cường các nội dung về tư duy khoa học, làm việc nhóm, huy động sự tham gia của công đồng, kỹ năng thuyết trình, các kiến thức về kinh tế- văn hóa- xã hội.

Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập như sau :

- Nhận thức đối với phương pháp tiếp cận đa ngành còn chưa đầy đủ, thống nhất và toàn diện. Ngay cả trong giới chuyên môn, các giảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học - hiểu biết, quan niệm về quy hoạch tích hợp vẫn có sự khác nhau, gây khó khăn cho người học. Trong công tác giảng dạy, chưa làm nổi bật những khái niệm, nội dung và phương pháp cơ bản của tiếp cận đa ngành trong lập quy hoạch một cách hệ thống, đồng bộ.

- Chương trình đào tạo chưa cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng về tiếp cận đa ngành cho sinh viên. Phần lớn sinh viên khi ra trường phải “đào tạo lại”, bổ sung thêm những kiến thức và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng thương thuyết, huy động sự tham gia của cộng đồng… tại các cơ sở tiếp nhận.

3. Yêu cầu tiếp cận đa ngành trong đào tạo quy hoạch đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW đã nâng cao vai trò và vị thế công tác quy hoạch, tạo bước chuyển biến lớn trong xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam nói chung và công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành quy hoạch nói riêng.

Bộ Chính trị chỉ đạo, đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Nghị quyết 06-NQ/TW đã chỉ ra cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trong đối với công tác quy hoạch nhằm tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, đảm bảo tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Trong chương trình đào tạo của Khoa Quy hoạch, trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Quy hoạch đô thị được quan niệm là một môn khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, một ngành thiết kế tổng hợp nhằm phân bố và tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội trên lãnh thổ đô thị một cách tối ưu, có quan hệ chặt chẽ với các quy hoạch ngành; Trong quản lý nhà nước, Quy hoạch đô thị là công cụ điều tiết vĩ mô, làm cơ sở lập kế hoạch, triển khai các chương trình, dự án đầu tư, thu hút và sử dụng hợp lý các nguồn lực, đồng thời kiểm soát sự phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

tm-img-alt
Quy hoạch vùng và đô thị. Ảnh ITN

Với đặc thù của công tác quy hoạch, các KTS phải làm việc trong một nhóm tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, công việc lại đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau từ các chính khách, các nhà lãnh đạo cho đến những tầng lớp người dân lao động. Vì vậy chương trình đào tạo KTS quy hoạch phải trang bị các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên để có thể làm việc trong môi trường đa dạng và phức tạp như vậy.

Trước các yêu cầu tiếp cận đa ngành của công tác quy hoạch trong giai đoạn mới, Khoa Quy hoạch tập trung vào các nhiệm vụ sau:

• Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiếp cận đa ngành, tuyên truyền đến cán bộ, giảng viên, quảng bá và thông tin kịp thời về đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận đa ngành của Khoa Quy hoạch. Lồng ghép nội dung giới thiệu, tuyên truyền về tiếp cận đa ngành trong các chuyên đề, môn học lý thuyết và đồ án, nâng cao hiểu biết về tiếp cận đa ngành cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

• Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng, tiếp cận đa ngành trong quy hoạch đô thị cho giảng viên. Liên kết hợp tác với các Viện nghiên cứu để trao đổi giáo viên, chuyên gia, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao dưới nhiều hình thức.

tm-img-alt
Đồ án sinh viên Khoa Quy hoạch – Đại học kiến trúc Hà Nội

• Cải tiến nội dung, chương trình đào tạo

Bổ sung, lồng ghép tiếp cận đa ngành trong quy hoạch đô thị vào các học phần lý thuyết và đồ án. Tăng cường các học phần thực hành, thảo luận, giảng dạy đồ án môn học theo các xưởng để truyền nghề. Bổ sung các chuyên đề về kỹ năng mềm, tiếp cận đa ngành trong quy hoạch cho sinh viên cuối khóa

• Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực quy hoạch.

Liên thông với các viện nghiên cứu quy hoạch, trường đại học chuyên ngành trong nước và quốc tế để có các khóa học liên kết ngắn hạn cho sịnh viên, bổ túc lý luận và phương pháp quy hoạch mới cho sinh viên hoặc bổ sung các bài giảng ngoại khóa đến từ các chuyên gia, nhà khoa học của các viện nghiên cứu quy hoạch; các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã có đồ án đạt giải thưởng trong nước và quốc tế.

4. Kết luận

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của Khoa Quy hoạch. Trước thực tiễn công tác quy hoạch đòi hỏi tích hợp đa ngành, tiếp cận đa lĩnh vực, chương trình đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch cần đổi mới theo hướng tăng cường các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên để có thể làm việc trong nhóm gồm nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau, có thể thương thuyết với các nhà lãnh đạo hoặc vận động sự tham gia của đông đảo người dân.

Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy quy hoạch đô thị tại Khoa Quy hoạch- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thành công yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 đã đặt ra tại Nghị quyết 06. Đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch cần nắm bắt sự thay đổi của các quy định pháp luật, các yêu cầu tích hợp quy hoạch, tăng cường nâng cao chất lượng quy hoạch; thực tế triển khai công tác quy hoạch… để cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho công cuộc xây dựng và phát triển hệ thống đô thị toàn quốc theo hướng bền vững.

PGS.TS. KTS. Lương Tú Quyên
Khoa Quy hoạch đô thị- Nông thôn - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

2. Ban chấp hành Trung ương. Nghị quyết 06-NQ/TW Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bạn đang đọc bài viết Tiếp cận đa ngành trong quy hoạch đô thị - Yêu cầu đổi mới chương trình và nội dung đào tạo đại học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...