Thứ sáu, 20/09/2024 20:23 (GMT+7)

Tiếp cận hệ thống xã hội sinh thái trong quy hoạch không gian công cộng

MTĐT -  Thứ tư, 07/08/2024 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiêu đề gốc: "Tiếp cận hệ thống xã hội sinh thái trong quy hoạch không gian công cộng – Trường hợp chương trình hạ tầng xanh và đa dạng sinh học của Barcerlona 2020".

Việc áp dụng hệ thống xã hội-sinh thái (SES) có thể đến từ việc tích hợp đa dạng các loại hình không gian vào hạ tầng xanh đô thị, đánh giá đa dạng sinh học dưới nhiều góc độ và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, qua đó tạo ra môi trường sống đô thị bền vững và đáng sống.

Giới thiệu

Cách tiếp cận hệ thống xã hội-sinh thái (Social-Ecological Systems) là một khung đánh giá toàn diện hướng tới sự liên kết giữa các thành phần hệ thống sinh thái và xã hội. Nó nhấn mạnh sự tương tác động giữa các quá trình sinh thái và các yếu tố xã hội, tích hợp kiến thức sinh thái với khoa học xã hội để giải quyết các thách thức về tính bền vững. Bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược về cách tiếp cận hệ thống xã hội – sinh thái và phân tích cách nó được áp dụng vào quy hoạch không gian công cộng thông qua Chương trình Hạ tầng Xanh và Đa dạng Sinh học Barcelona 2020 (Barcelona Green Infrastructure and Biodiversity Plan 2020).

tm-img-alt
Các loại không gian tạo nên mạng lưới xanh của thành phố

Cách tiếp cận hệ thống xã hội-sinh thái (SES) là một khung toàn diện xem các hệ sinh thái và xã hội loài người là những hệ thống liên kết và phụ thuộc lẫn nhau. Góc nhìn này nhấn mạnh sự tương tác động giữa các quá trình sinh thái và các yếu tố xã hội, thừa nhận rằng sự thay đổi ở một hệ thống sẽ ảnh hưởng đến hệ thống khác (Colding & Barthel, 2019; Folke et al., 2016; Herrero-Jáuregui et al., 2018; Zhou et al., 2019). Khung lý thuyết SES tích hợp kiến thức sinh thái với khoa học xã hội để giải quyết các thách thức phức tạp về tính bền vững bằng cách thúc đẩy khả năng phục hồi, sự thích ứng. Cách tiếp cận SES trong quy hoạch coi đô thị là những hệ thống xã hội-sinh thái đồng nhất, mở ra hướng đi có thể hài hòa giữa phát triển đô thị và vấn đề môi trường. Nhưng cần có hệ thống khái niệm đồng nhất để thúc đẩy sự hợp tác giữa các học giả và tích hợp các góc nhìn nghiên cứu liên ngành. Nghiên cứu về mô hình vật lý đô thị tập trung vào các chu trình sinh hóa, quá trình sinh thái và hệ thống động, làm nổi bật các vấn đề khí hậu đô thị, đất, thảm thực vật, đa dạng sinh học và hóa sinh học. Giới khoa học xã hội phân tích các cấu trúc đô thị, quá trình và tương tác của cư dân, xem xét tác động sức khỏe, gia tăng giá trị kinh tế sinh thái và quản lý đất đai. Nghiên cứu về mô hình không gian-thời gian đô thị bao gồm đô thị hóa, sử dụng cảnh quan, các yếu tố nhân khẩu học xã hội và các công cụ như GIS để dự báo tác động tương lai. Nghiên cứu về trao đổi chất đô thị đề cập đến dòng chảy vật chất và năng lượng, quản trị, bất bình đẳng và các bối cảnh chính trị. Nghiên cứu dịch vụ hệ sinh thái nhấn mạnh các không gian xanh đô thị, trong khi động lực kinh tế và xã hội khám phá dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng và toàn cầu hóa. Một cách tiếp cận liên ngành là cần thiết để hiểu các thành phố là các hệ thống xã hội-sinh thái, ủng hộ phát triển bền vững và quy hoạch thích ứng (Frank et al., 2017). Chương trình Hạ tầng Xanh và Đa dạng Sinh học Barcelona 2020 (BGIBP 2020) là một trường hợp thực tế thể hiện nỗ lực của thành phố Barcelona trong việc kiến tạo một khung chiến lược phát triển đô thị áp dụng SES nhằm thúc đẩy hạ tầng xanh và đa dạng sinh học.

Hạ tầng xanh, sự tích hợp nhiều yếu tố

Khái niệm về hạ tầng xanh lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2006 và kể từ đó đã thu hút được sự chú ý đáng kể, thậm chí được tích hợp vào chính sách quy hoạch đô thị (Heymans et al., 2019). Báo cáo BGIBP 2020 đã cho thấy sự ghi nhận của Barcelona đối với hai nhóm không gian quan trọng nhằm kiến tạo hạ tầng xanh cho thành phố: khu vực cảnh quan tự nhiên và mạng lưới không gian xanh đô thị. Barcelona có hệ thống di sản tự nhiên đáng chú ý, phần lớn nhờ vào dãy núi Serra de Collserola, bao phủ hơn 8.000 ha. Dãy núi này cung cấp một bức tranh đa dạng các sinh cảnh. Trung tâm thành phố Barcelona có nhiều công viên và vườn cây nổi bật, với diện tích tổng cộng là 1.076 ha. Các công viên lớn, điển hình là Montjuïc, Els Tres Turons và Parc de la Ciutadella, cùng các vườn cây đặt nền tảng cho hạ tầng xanh đô thị, đóng góp vào hệ thống môi trường đa dạng của thành phô. Hơn nữa, các sinh cảnh nước ngọt và biển xung quanh Barcelona cũng cho thấy tiềm năng đáng kể, chẳng hạn như không gian ven sông Besòs. Một loạt các loài động – thực vật thủy sinh có thể được quan sát thấy ở các ao nước trong các công viên và vườn cây (Puigdollers et al., 2022). Không chỉ có những không gian tự nhiên và công viên tự nhiên lớn, hệ thống hạ tầng xanh của Barcelona còn tích hợp một loạt các sinh cảnh mang đặc trưng của thành phố. Các hạ tầng xanh đô thị này rất đa dạng, bao gồm: công viên nhỏ, vườn cây, quảng trường, vườn rau, luống hoa, hồ ao trang trí, tường xanh, mái nhà xanh, … Bất chấp diện tích lớn của hai công viên chính (Collserola và Montjuïc), số lượng hạ tầng xanh của Barcelona lại chủ yếu bao phủ các diện tích nhỏ từ 1 đến 5 ha (Puigdollers et al., 2022). Đặc biệt, mạng lưới vườn đô thị của Barcelona là một ví dụ thành công về việc kiến tạo môi trường sống cho sinh vật và cung cấp đa dạng dịch vụ hệ sinh thái (Langemeyer, 2015).

Đa dạng sinh học dưới nhiều góc độ

Khái niệm đa dạng sinh học có thể được định nghĩa là sự biến đổi của các loài sinh vật sống, vật liệu di truyền và hệ sinh thái. Đây là một chỉ số quan trọng về sức khỏe và khả năng phục hồi của cảnh quan đô thị cũng như đóng góp của chúng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người (Heymans et al., 2019). Barcelona là nơi sinh sống của nhiều loài động vật có xương sống đa dạng, bao gồm một số loài chim quan trọng. Thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 103 loài động vật có xương sống bản địa và 75 loài chim phổ biến. Đáng chú ý, hầu hết các loài động vật có xương sống ở Barcelona đều được bảo vệ bởi pháp luật. Tổng cộng có 55 loài chim, 2 loài lưỡng cư, 8 loài bò sát và 7 loài động vật có vú đã được ghi nhận. Tuy nhiên, di sản này luôn gặp rủi ro do đô thị hóa và cần được bảo vệ. Đã có thông tin rằng một số loài động vật lưỡng cư và bò sát đã biến mất khỏi thành phố do quá trình phát triển đô thị. Một số loài chim ở Barcelona có tầm quan trọng đặc biệt đối với quần thể chim của vùng Catalonia, bao gồm diệc xám, én An-pơ, chim cắt lớn và quạ gáy xám phương Tây. Tuy nhiên, các quan điểm này đối lập với một thực tế kém lạc quan hơn. Dường như quan điểm chung của các nhà điểu học là số lượng chim phổ biến ở Barcelona đã giảm trong những thập kỷ gần đây, mặc dù sự giảm này không được quan sát thấy ở các khu vực khác của Catalonia (Puigdollers et al., 2022).

Tiếp cận hệ thống xã hội sinh thái trong quy hoạch không gian công cộng – Trường hợp chương trình hạ tầng xanh và đa dạng sinh học của Barcerlona 2020
Tiếp cận hệ thống xã hội sinh thái trong quy hoạch không gian công cộng – Trường hợp chương trình hạ tầng xanh và đa dạng sinh học của Barcerlona 2020

Bên cạnh cách yếu tố tích cực, chương trình BGIBP 2020 còn xem xét cả các loài xâm lấn, cả thực vật và động vật. Đây là những tác nhân đe dọa đa dạng sinh học địa phương và di sản, đòi hỏi nỗ lực quản lý liên tục. Thực vật ngoại lai xâm lấn có cây xú xuân, trong khi động vật xâm lấn như bồ câu, mèo, lợn rừng, vẹt, rùa, cá và côn cũng trùng cần được kiểm soát số lượng. Đáng chú ý, vẹt thầy tu đuôi dài, vẹt cổ hồng, kim oanh mỏ đỏ, rùa tai đỏ và cá ăn muỗi đều được coi là loài xâm lấn. Ngoài ra, những loài thực vật như cây huyền linh Luân Đôn và ô liu tạo ra bụi phấn hoa gây dị ứng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cần có các biện pháp xử lý thường xuyên để giải quyết những vấn đề này (Puigdollers et al., 2022).

Sự tham gia của cộng đồng

Một trong những khía cạnh quan trọng của BGIBP 2020 là việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng thông qua một loạt cuộc họp mặt. Mục đích của các cuộc họp này là phổ biến các phát hiện, tìm kiếm sự đồng thuận về các thách thức triển khai và mục tiêu dài hạn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về đa dạng sinh học và hạ tầng xanh nhằm xác định kế hoạch hành động. Ngoài ra, người dân còn được tham gia trực tiếp vào hoạt động thiết kế các không gian xanh trong thành phố, thông qua các buổi tư duy nhóm và đánh giá nhu cầu của người sử dụng. Kết quả làm việc tập thể này sẽ được phản ánh trong các dự án cuối cùng. Đặc biệt, việc thiết lập các vườn đô thị tại Barcelona đã mang lại giá trị xã hội đáng kể, thu hút người tham gia vào các hoạt động sản xuất, xây dựng mối quan hệ mới, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đây cũng trở thành những trung tâm giáo dục môi trường, giới thiệu trẻ em về nông nghiệp và canh tác hữu cơ (Langemeyer, 2015; Puigdollers et al., 2022).

Kết luận

Cách tiếp cận SES trong quy hoạch đô thị là một khung lý thuyết toàn diện nhấn mạnh sự tương tác động giữa các quá trình sinh thái và yếu tố xã hội. Nghiên cứu trường hợp BGIBP 2020 cho thấy việc áp dụng SES có thể đến từ việc tích hợp đa dạng các loại hình không gian vào hạ tầng xanh đô thị, đánh giá đa dạng sinh học dưới nhiều góc độ và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, qua đó tạo ra môi trường sống đô thị bền vững và đáng sống.

TS.KTS – CQ Nguyễn Tiến Tâm

Tài liệu tham khảo

Colding, J., & Barthel, S. (2019). Exploring the social-ecological systems discourse 20 years later. Ecology and Society, 24(1). https://doi.org/10.5751/ES-10598-240102

Folke, C., Biggs, R., Norström, A., Reyers, B., & Rockström, J. (2016). Social-ecological resilience and biosphere-based sustainability science. Ecology and Society, 21(3). https://doi.org/10.5751/ES-08748-210341

Frank, B., Delano, D., & Caniglia, B. S. (2017). Urban systems: A socio–ecological system perspective. Sociology International Journal, Volume 1(Issue 1). https://doi.org/10.15406/sij.2017.01.00001

Herrero-Jáuregui, C., Arnaiz-Schmitz, C., Reyes, M. F., Telesnicki, M., Agramonte, I., Easdale, M. H., Schmitz, M. F., Aguiar, M., Gómez-Sal, A., & Montes, C. (2018). What do We Talk about When We Talk about Social-Ecological Systems? A Literature Review. Sustainability, 10(8), Article 8. https://doi.org/10.3390/su10082950

Heymans, A., Breadsell, J., Morrison, G. M., Byrne, J. J., & Eon, C. (2019). Ecological Urban Planning and Design: A Systematic Literature Review. Sustainability, 11(13), Article 13. https://doi.org/10.3390/su11133723

Langemeyer, J. (2015). The generation of ecosystem services in urban gardens from a socio-ecological systems

perspective: http://www.urbanallotments.eu/fileadmin/uag/media/STSM/Langemeyerr_STSM_Report_short_final.pdf

Puigdollers, J., Llagostera, R., Hernández, X., Franquesa, T., Parés, M., Rivero, M., Rull, C., Auladell, D., Martí, I., Monràs, C., Paris, A., Pujol, T., Sarsanedas, M., & Ventayol, I. (2022). Barcelona green infrastructure and biodiversity plan 2020. https://interlace-hub.com/green-infrastructure-and-biodiversity-plan-barcelona

Zhou, B.-B., Wu, J., & Anderies, J. M. (2019). Sustainable landscapes and landscape sustainability: A tale of two concepts. Landscape and Urban Planning, 189, 274–284. https://doi.org/10.1016/j.landurbplan.2019.05.005

Bạn đang đọc bài viết Tiếp cận hệ thống xã hội sinh thái trong quy hoạch không gian công cộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Tin mới