Thứ sáu, 29/03/2024 03:40 (GMT+7)

“Tiêu” cả chục nghìn tỉ đồng cho thoát nước, Hà Nội vẫn... mưa là ngập!

MTĐT -  Thứ năm, 23/06/2022 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi Hà Nội cứ mưa là ngập thì các dự án chống ngập đang triển khai với tổng số tiền hơn 11.000 tỉ đồng vẫn đang “lụt” tiến độ, chưa hẹn ngày về đích.

tm-img-alt
Cơn mưa tối 13.6.2022 khiến nhiều tuyến đường ở khu vực nội thành Hà Nội bị ngập úng. Ảnh: Tô Thế

Dự án chống ngập “lụt” tiến độ

Thời gian gần đây, sau những trận mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến phố ở Thủ đô lại ngập trong “biển nước”.

Cụ thể, qua ba trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 và ngày 13.6, Hà Nội xuất hiện hơn 100 điểm ngập lớn nhỏ khiến giao thông hỗn loạn. Nước tràn vào hầm chung cư, làm chết máy ôtô gây thiệt hại lớn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Nước ngập đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố tại các quận nội thành.

Riêng các tuyến phố khu vực phía Tây như Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn, Mỹ Đình, Dương Đình Nghệ... đường phố biến thành sông, các phương tiện bì bõm lội trong nước. Tại một số khu vực, dân cư bị ảnh hưởng nặng nề vì nước ngập sau mưa, nhiều ngày sau vẫn không thoát hết nước.

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để phục vụ mục tiêu thoát nước Thủ Đô, từ năm 2005 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý là Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Dự án trên vẫn chưa hoạt động được đúng theo kỳ vọng của nó, khiến Hà Nội cứ mưa là ngập úng.

Còn dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội (gồm khoảng 6.300ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức) triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giúp giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận) với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng hiện vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Ngày 21.6, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại khu vực Dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội nằm trên địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và xã Đông La (huyện Hoài Đức). Dự án này gồm 2 hạng mục lớn: Xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút.

Trong khi trạm bơm Yên Nghĩa đã xong thì theo ghi nhận thực tế kênh dẫn nước La Khê - một trong những hạng mục quan trọng để dự án, trong đó có trạm bơm Yên Nghĩa phát huy hiệu quả đầu tư hiện vẫn đang thi công ngổn ngang.

Tại công trường xây dựng, hàng trăm mét đất bị đào xới nham nhở trong thời gian dài không được xử lý tạo thành các ụ đất cao. Mưa xuống, đất đá sạt tràn xuống lòng sông, chặn ngang dòng chảy khiến lượng nước lưu thông khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến nước sông Nhuệ dâng cao gây ngập Đại lộ Thăng Long và các khu dân cư lân cận, còn trạm bơm tiêu úng Yên Nghĩa lại không có nước hoạt động,

Bên cạnh đó, xung quanh công trình, nhiều khu vực đã trở thành “điểm nóng” tập kết rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng… trải dài và đổ tràn xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hai bên bờ kè, người dân đã lấn chiếm “dựng tạm” lều lán, quây tôn phục vụ mục đích kinh doanh, dịch vụ.

Một người dân sinh sống gần công trình cho biết: “Trước đó có thấy máy móc thi công múc đất tại khu vực dự án nhưng đã lâu rồi không thấy làm tiếp”.

Tương tự là hiện trạng tại Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Mặc dù dự kiến thi công dự án hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2018-2020 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng. Theo ghi nhận vào chiều 21.6, vị trí dự kiến xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc vẫn là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm.

Bao giờ về đích?

Lý giải về việc dự án thoát nước thi công chậm trễ, đại diện Sở NNPTNT TP.Hà Nội - chủ đầu tư dự án 2 trạm bơm Yên Nghĩa và Liên Mạc cho biết, lý do kênh La Khê (thuộc Dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội) hiện chưa thi công xong là do vướng ở công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100% mặt bằng để thi công, trong khi quận Hà Đông mới bàn giao 162.797,9m2 trên tổng số 307.358,7m2, còn thiếu 144.560,8m2, liên quan đến 593 tổ chức, hộ gia đình. Vướng mắc lớn nhất là người dân chưa đồng thuận đơn giá bồi thường.

“Để dự án hoàn thành trong năm 2022 đúng yêu cầu của thành phố, Sở NNPTNT TP.Hà Nội đã đề nghị quận Hà Đông tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công”, đại diện Sở NNPTNT TP.Hà Nội nói.

Với Trạm bơm Liên Mạc, phía Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho hay, dự án được lập năm 2013 và có chủ trương đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên sau đó, hình thức đầu tư BT bị dừng nên hiện nay chủ đầu tư và thành phố đang tìm nguồn vốn thay thế. Đây là nguyên nhân dẫn đến dự án chưa thể triển khai.

Còn Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành năm 2016 nhưng hoạt động không hiệu quả, được biết Chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội. Phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội để làm rõ nguyên nhân dự án hoạt động không được như kỳ vọng, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Bạn đang đọc bài viết “Tiêu” cả chục nghìn tỉ đồng cho thoát nước, Hà Nội vẫn... mưa là ngập!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo laodong.vn

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.