Thứ sáu, 19/04/2024 16:17 (GMT+7)

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị

MTĐT -  Thứ tư, 02/12/2020 17:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết tại Việt Nam nhất là tại các khu đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM,…

Những năm gần đây, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng mặt, điều này dẫn đến các nguy cơ nghiêm trọng trên nhiều phương diện như kinh tế, xã hội…Đặc biệt, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết tại Việt Nam nhất là tại các khu đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM,…

Nhằm tìm ra các giải pháp cho bài toán này, vừa qua, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức Hội thảo giải pháp Nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng chia sẻ, trao đổi, đề xuất không chỉ trên phương diện Quy hoạch – Kiến trúc mà còn từ nhiều góc độ như Quản lý môi trường đô thị, công nghệ ứng dụng, kinh nghiệm hoạt động từ các dự án lớn, các đô thị thông minh trên thế giới.

Hội thảo giải pháp Nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị (Ảnh: Báo Lao động thủ đô)

Tình hình ô nhiễm không khí hiện nay

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa.

TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nêu ra thực trạng về chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội. Ông Sơn cho biết khi mật độ dân cư tăng lên kèm theo những phát thải từ sinh hoạt – vận động của con người và phương tiện, đặc biệt là nguồn phát thải từ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở y tế, dịch vụ cộng đồng,…chất lượng không khí đã trở thành nguy cơ đáng báo động cho sức khoẻ con người.

Các chuyên gia nhận định nguyên nhận trực tiếp dẫn tới tình trạng chất lượng không khí tại các đô thị lớn trở nên đáng báo động như hiện nay là do các vấn đề về Quy hoạch, Kiến trúc – Công nghệ, Thể chế….

Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, trao đổi tại hội thảo.

Một số giải pháp được đưa ra

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn- Chuyên gia quy hoạch, nhìn nhận thực tế thì tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt hay những đô thị chua có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách thì không khí vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, với các đô thị lớn, chất lượng không khí rất tồi tệ. Do đó, vấn đề có thể hiểu một phần nằm ở quy hoạch. Chúng ta cần có giải pháp về quy hoạch và các sản phẩm công nghệ. “Kiến trúc cũng là một giải pháp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí nhưng xét trên tầm vĩ mô, giải pháp về quy hoạch và thể chế kiến trúc mới có thể giải quyết lâu dài được”.- TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

KTS Nguyễn Tất Thắng – Chuyên gia cao cấp Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng không khí từ cả khía cạnh văn hoá và kỹ thuật. Trong đó, về văn hoá bằng cách áp dụng các thể chế pháp lý, ban hành các quy định về quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt với đất nước đa dạng về văn hoá, phong tục như nước ta.

Còn về khía cạnh kỹ thuật, nên lồng ghép công nghệ vào các giải pháp thiết kế. Các KTS hiện nay thường áp dụng các giải pháp thụ động để cải thiện chất lượng không khí nhưng như vậy là chưa đủ vì nhìn chung các giải pháp này vẫn lấy không khí trực tiếp từ môi trường, nhưng chất lượng không khí bên ngoài lại không đảm bảo. Vậy nên việc kết hợp giữa giải pháp kiến trúc và công nghệ là rất cần thiết.

Đối với các đô thị lớn, cả về quy hoạch và kiến trúc cần có sự thay đổi, cần có công nghệ hỗ trợ để chúng ta sống chung với mật độ dân số và xây dựng cao, giải pháp thông thoáng ánh sáng tự nhiên.

Quy hoạch trồng nhiều cây xanh vẫn khả thi nhưng chỉ phù hợp với đô thị nhỏ, còn với đô thị lớn, chung ta phải có giải pháp bao trùm từ quy hoạch, kiến trúc, nội thất…cần làm sao để gia tăng chất lượng không khí một cách tự nhiên.

PGS.TS.KS. Naoki Kagi, Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dựng, Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản, cho rằng chúng ta quan tâm tới nguồn nước uống nhưng lại ít để ý tới không khí xung quanh mà ta hít thở. Chúng ta có xu hướng lấy nước uống từ nguồn nước vệ sinh nhưng việc chung ta hít thở không khí trong nhà giống như chúng ta lấy nước uống từ bể bơi vậy.

Đối với thức ăn, thức uống, chúng ta có thể lựa chọn thứ mình thích nhưng đối với không khí thì chúng ta không có sự lựa chọn.

Vị chuyên gia đến từ Nhật Bản chỉ ra 3 phương pháp chính để làm sạch không khí trong nhà: thứ nhất, không để các chất ô nhiễm bên ngoài lọt vào bên trong; thứ hai, không đặt những nguồn ô nhiễm có thể sản sinh ra chất ô nhiễm ở trong nhà; thứ ba, loại bỏ những chất ô nhiễm có ở trong nhà bằng cách sử dụng hệ thống thông khí và máy lọc không khí.

Có thể thấy, các giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất và phân tích tại hội thảo một cách thấu đáo từ bản chất xã hội học đô thị, bao gồm sự tương tác giữa thiết chế xã hội và văn hoá đô thị, điều này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môi trường sống./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước