Thứ sáu, 29/03/2024 22:49 (GMT+7)

Tìm giải pháp “sống chung” với voi rừng Tây Nguyên

THẾ HOÀN -  Thứ năm, 10/12/2020 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trường Đại học Tây Nguyên vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác để giảm thiểu xung đột Voi – Người. 

Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Tây Nguyên do Tiến sĩ Cao Thị Lý chủ trì, được tiến hành tại vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2020.

Ở Tây Nguyên voi tập trung chủ yếu tại Đắk Lắk. Trước tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng, môi trường sống của voi rừng bị thu hẹp nên voi thường xuyên về nương rẫy của người dân tìm thức ăn. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, mỗi năm có hàng chục lần các đàn voi rừng về tàn phá hoa màu, chòi rẫy và đe dọa tính mạng  người dân tại một số xã thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo (Đắk Lắk) và xã Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

Tiến sĩ Cao Thị Lý báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm

Với tên gọi đề tài “Xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do voi gây ra ở khu vực có xung đột Voi – Người, trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk”, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu xác định các loài cây voi không ưa thích có sự tham gia, cũng như thử nghiệm trồng xen ở các khu vực đất canh tác thường xuyên có voi xuất hiện và gây thiệt hại nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ xung đột Voi – Người ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kết quả bước đầu, Đề tài đã đề xuất được danh mục một số loài cây trồng thân thiện với điều kiện sinh thái và môi trường sống đối với Người và Voi, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện sinh kế của người dân; đồng thời xác định được cơ cấu cây trồng cùng với kỹ thuật canh tác phù hợp trên các điều kiện đất rẫy khác nhau trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Don.

Hình ảnh một đàn voi rừng trong Vườn Quốc gia Yok Don – Đắk Lắk

Theo đó, danh mục các loài cây trồng nông lâm nghiệp voi không ưa thích gồm 12 loài cây dài ngày (05 loài cây lâm nghiệp và 07 loài cây nông nghiệp) và 10 loài cây ngắn ngày; đã chọn lựa 04 loài cây dài ngày gồm Tếch, Me thái, Bưởi da xanh và Táo xanh, trồng xen với các loài cây ngắn ngày gồm Môn sọ, Nghệ, Ớt và Cà trứng rồng; cũng như chọn lựa bổ sung cây Cà ri để trồng xen trong các mô hình thử nghiệm. Voi rừng có xuất hiện và đột nhập vào các khu vực rẫy, nhưng không ăn và phá các loài cây trồng thử nghiệm. Qua đó phát hiện các loài cây ngắn ngày cho sản phẩm hàng hóa mà "voi không ưa thích" theo cách an toàn như: các loại củ, hạt (môn sọ, nghệ, hạt cà ri); các loại trái cây (táo xanh, me ngọt).

Du khách chụp ảnh với voi nhà tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Thời gian tới, Trường Đại học Tây Nguyên sẽ phối hợp với Vườn Quốc gia Yok Don ký cam kết thực hiện ứng dụng đề tài; Vườn Quốc gia tiếp tục theo dõi và hướng dẫn cho các cộng đồng, hộ dân vùng đệm có rẫy ở những khu vực có xung đột Voi - Người về khả năng và điều kiện áp dụng. Phối hợp với phòng Bảo tồn Voi hoang dã, Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk thiết kế các tài liệu hướng dẫn về cách thức lựa chọn những loài cây không hấp dẫn voi nhằm giảm nhẹ xung đột để phổ biến rộng rãi ở những địa phương có xung đột Voi - Người trên địa bàn tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp “sống chung” với voi rừng Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới