Tìm lời giải cho vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường - Bài 1: Vỡ trận...
Thực tế cho thấy, tình trạng khó khăn trong thu gom, xử lý rác hầu như địa phương nào cũng gặp phải.
Điều này khiến người dân sinh sống lân cận các khu xử lý rác từ Hà Nội cho tới Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Lâm Đồng…, hay xa tít ngoài biển khơi như Phú Quốc, Côn Đảo đều đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
LTS: Vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, cho dù địa phương nào cũng thu gom, xử lý rác thải. Nguyên nhân là phần lớn các bãi xử lý rác quá tải, công nghệ lạc hậu. Việc xây dựng khu xử lý rác chung cho từng vùng đã được tính toán trong một số đồ án quy hoạch vùng, nhưng do không có địa phương nào “chịu” cho đặt khu công nghiệp này, nên kế hoạch vẫn nằm trên giấy!
Người dân bức xúc
Theo Sở TN-MT TPHCM, trung bình mỗi ngày thành phố thải ra 9.800-10.000 tấn rác, trong đó khoảng 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Dù vậy, ghi nhận tại khu vực lân cận các khu xử lý rác đều cho thấy, việc chôn lấp đã và đang ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tại Khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), những ngày cuối tháng 7-2024, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cứ mỗi lần khu xử lý rác hoạt động thì những cột khói đen lại bay cao, lan khắp một vùng, kèm đó là mùi hôi nồng nặc đến ngộp thở. Không chỉ vậy, người dân sống gần khu vực này cũng đang bị ảnh hưởng bởi lượng nước thải rò rỉ ra môi trường.
Nước thải từ khu xử lý rác đã bức tử hầu hết các tuyến kênh quanh khu vực này, nước kênh luôn có màu đen kịt, bốc mùi hôi. Nghiêm trọng hơn, nước thải từ khu xử lý rác đã ngấm vào lòng đất ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Chịu không nổi ô nhiễm, nhiều người đã phải bán nhà đi nơi khác! Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố nhằm tìm hướng xử lý ô nhiễm, nhưng đến nay mọi việc vẫn không chuyển biến.
Tương tự, dưới cái nắng chói chang một ngày cuối tháng 7 tại Khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh), dù khoảng cách từ cổng đến khu xử lý khoảng 30-50m, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi hôi đặc trưng của việc chôn lấp rác phát ra. Mùi càng nồng nặc khi có những cơn gió thổi ngang. Theo một số người dân ở đây, tình trạng mùi hôi ở khu xử lý rác này tuy có đỡ hơn trước đây, nhưng vẫn tồn tại, mùi sẽ nặng hơn khi trời mưa.
Hà Nội cũng gặp vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra 6.500-7.000 tấn rác. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ, Hà Nội có 2 khu vực xử lý rác có quy mô lớn là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (ở huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (ở thị xã Sơn Tây). Tuy vậy, ô nhiễm từ rác thải vẫn đang gây ra nỗi bức xúc lớn cho người dân.
Mới tới đầu thôn 1, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, chúng tôi đã ngộp thở bởi mùi hôi thối bốc ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ. Lau vội mặt bàn uống nước bị bụi bẩn phủ kín, bà Nguyễn Thu Dân (60 tuổi, ở thôn 1) bức xúc: “Ngày nào chúng tôi cũng phải lau, rửa nhà cửa, bàn ghế nhưng vẫn không hết được bụi bẩn của rác thải vì xe chở rác chạy suốt ngày đêm qua đây. Chỉ khổ nhất là lúc ăn cơm, hay nhà có cỗ bàn cưới hỏi, hay ma chay thì ruồi, nhặng nhiều vô kể”. Nhiều người khác ở xã Nam Sơn cho biết, hơn 20 năm qua, kể từ khi thành phố đưa bãi rác Nam Sơn vào hoạt động thì cũng là từng ấy năm họ phải sống chung với ô nhiễm môi trường và bệnh tật gia tăng.
Dù là địa phương có diện tích lớn nhưng tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có 2 nhà máy xử lý rác thải rắn ở TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Cả 2 nhà máy này sử dụng công nghệ đốt quá lạc hậu. Có mặt tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, cách xa hàng trăm mét, chúng tôi đã cảm nhận rõ mùi hôi bốc ra từ khu xử lý rác của Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt (của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh). Ông Võ Đức Vinh, ngụ xã Xuân Trường, chỉ xuống khe suối có nước màu đen thui, bức xúc: Gia đình chúng tôi canh tác cà phê tại đây hơn 40 năm qua, nếu như trước đây cà phê tươi cho sản lượng 15 tấn/ha thì khoảng 2 năm trở lại đây chỉ còn 1-2 tấn/ha.
Khách du lịch tránh xa
TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện có hơn 180.000 dân, mỗi năm đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch. Lượng chất thải rắn phát sinh ở Phú Quốc lên đến 190 tấn/ngày. Để giải quyết bài toán môi trường, Phú Quốc đã nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhà máy xử lý rác trên địa bàn, song kết quả không như ý. UBND TP Phú Quốc đang xin chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh với công suất 300 tấn/ngày (quy mô 10-14ha), bằng ngân sách nhà nước.
Vụ chôn lấp chất thải công nghiệp quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, vừa được Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp các cơ quan chức năng triệt phá. Bãi chôn lấp thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh (có trụ sở chính ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) do ông Hứa Đông làm giám đốc, có tổng diện tích lên tới 28.000m2 , chứa đủ thứ rác thải như xỉ than, tro bay, bã cà phê, bao bì… đến cả rác thải công nghiệp nguy hại gồm số lượng lớn vỏ thùng phuy đựng hóa chất, bao bì nhiễm dầu, thủy tinh… Những chất thải này theo quy định phải được đưa về nhà máy xử lý chất thải ở tỉnh Trà Vinh để xử lý, nhưng các đối tượng đã chở về đây chôn lấp trái phép. Các đối tượng đã xây hàng rào cao 2m bao quanh bãi chôn lấp chất thải trên để qua mắt cơ quan chức năng.
Trong khi chờ chủ trương xây dựng nhà máy này, hầu hết rác thải ở Phú Quốc hiện được tập kết về bãi rác Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương) để xử lý. Theo UBND TP Phú Quốc, dù công suất của Nhà máy xử lý rác tạm ở bãi rác Đồng Cây Sao khoảng 250 tấn/ngày, tuy nhiên lượng rác tồn trên đảo vẫn rất lớn. Tại bãi rác Đồng Cây Sao, lượng rác thải tồn tại bãi rác này lên đến hàng ngàn tấn, thường xuyên phát tán mùi hôi thối mỗi khi mưa xuống. Ông Hà Minh Tường, quản lý một khu du lịch ở xã Cửa Dương, cho biết, dù điểm du lịch này cách bãi rác gần 1km, nhưng mỗi khi mưa xuống, mùi hôi thối từ bãi rác vẫn tỏa ra nồng nặc. Ban đầu mùi hôi chỉ thoảng qua, nhưng 2 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Lúc trước khách nước ngoài đến đây nghỉ dưỡng, tham quan rất nhiều, nhưng giờ rất ít, có khi cả tháng không có 1 khách.
Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi được ví như hòn ngọc giữa đại dương, cũng đang phải gồng mình để giải quyết hơn 70.000 tấn rác tồn trong suốt 30 năm qua ở khu vực Bãi Nhát. Không chỉ có rác thải tồn đọng, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày ở đảo cũng đang tăng lên từng ngày do người dân, khách du lịch ra đảo tăng lên. Trung bình mỗi ngày ở đảo phát sinh khoảng 22,5 tấn rác thải sinh hoạt, ngày cao điểm có thể lên đến 30 tấn. Tháng 2-2022, một nhà máy xử lý rác với công suất 200 tấn/ ngày đã được khởi công để giải quyết bài toán rác tồn cho đảo, nhưng đến nay thì vẫn chưa đi vào hoạt động. Nắng thì bãi rác bốc mùi, mưa nước thải tràn qua đường chảy xuống biển khiến hình ảnh du lịch của hòn đảo bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khoảng 140.000 tấn rác tồn đọng hơn 20 năm chưa được xử lý
Ngày 7-8, UBND huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cho biết, đã chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng phương án giá xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, nhằm nhanh chóng giải quyết khoảng 140.000 tấn rác đang tồn đọng hơn 20 năm qua. Theo UBND huyện Phú Quý, tháng 2-2020, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất giao hơn 2,1ha đất cho Công ty CP Thương mại - Xây dựng Đa Lộc để triển khai xây dựng dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ huyện Phú Quý. Tuy nhiên đến nay nhà máy này mới chỉ được giao khoảng 0,6ha đất nên không thể xây dựng như quy mô dự kiến, dẫn đến công suất xử lý rác chưa đạt so với thiết kế.
NGUYỄN TIẾN
Nhóm PV/sggp.org.vn