Tìm lời giải cho vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường - Bài 2: Nghịch lý thừa, thiếu
Một trong những khó khăn của hầu hết khu xử lý rác ở các tỉnh, thành hiện nay là công nghệ lạc hậu, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu xử lý.
Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư những khu xử lý rác với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường cũng không dễ bởi lý do xem ra khá nghịch lý: thiếu rác!
Dự án "đứng hình” vì... thiếu rác để vận hành
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt vùng ĐBSCL thải ra khoảng 14.000 tấn/ngày, tương đương 5 triệu tấn/năm. Dù lượng rác thải ra nhiều nhưng toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ có 2 khu xử lý rác liên tỉnh là Khu xử lý rác tại xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) và Nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Một số địa phương như Cà Mau, Bến Tre có nhà máy xử lý rác nhưng công suất rất nhỏ; các địa phương còn lại chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp (trong đó, chỉ có 19/124 bãi chôn lấp hợp vệ sinh).
Trước nhu cầu bức thiết bảo vệ môi trường, hưởng ứng chủ trương thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác, một số nhà đầu tư đã vào cuộc nhưng đành… dang dở! Chẳng hạn, đầu năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang có quy mô 23ha, tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, mục tiêu xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân thu hồi là do chủ đầu tư triển khai dự án chậm.
Lý giải về khó khăn thực hiện dự án, đại diện chủ đầu tư cho rằng, nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy, việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi. Trong khi đó, chi phí nguyên nhiên liệu tăng đột biến trong thời gian qua đã khiến tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều so với dự toán.
Tương tự, đại diện Liên doanh Công ty Harvest Waste (Hà Lan) và Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ đầu tư Alpha cho biết, từ kêu gọi của tỉnh Sóc Trăng, mới đây liên doanh công ty có đề xuất được nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng tại tỉnh này.
Theo đó, để dự án khả thi, địa phương phải cam kết đảm bảo được nguồn cung cấp khoảng 800 tấn rác/ngày; thời gian vòng đời hoạt động của dự án phải từ 25 năm trở lên mới đảm bảo để nhà đầu tư thu hồi vốn. Bên cạnh đó, việc đấu nối phát điện và giá bán điện phải được các cơ quan chức năng cam kết ổn định theo vòng đời dự án. Liên quan đến đề xuất trên của nhà đầu tư, Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng cho biết đang rà soát, đánh giá lại khối lượng rác thải thu gom hàng ngày.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, hầu như địa phương nào cũng có quy hoạch khu xử lý rác, khuyến khích đầu tư nhà máy xử lý có công nghệ hiện đại, nhưng không muốn đưa rác của địa phương khác tới xử lý trên địa bàn mình.
Khó tìm nơi phù hợp?
Việc tìm vị trí xây dựng khu xử lý rác phù hợp không đơn giản. Theo nhiều chuyên gia môi trường, dù được đầu tư hiện đại nhưng vị trí xây dựng các khu xử lý rác phải đảm bảo không nằm đầu hướng gió và phải có hàng cây xanh cách ly nhằm đảm bảo mỗi khi có gió, mùi hôi không bị đẩy tới các khu dân cư. Khu xử lý rác cũng không nên đặt ở đầu nguồn nước vì nếu có sự cố xảy ra, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ lan nhanh.
Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đang nan giải với việc tìm chỗ xử lý rác. Đơn cử, ở tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết, bước đầu qua khảo sát, không còn vị trí nào phù hợp hoặc nằm trong quy hoạch để làm bãi rác mới hay bãi dự phòng vì các vị trí hiện tại đều nằm trên cao, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Trong lần điều chỉnh quy hoạch sắp tới, địa phương sẽ kiến nghị quy hoạch thêm vị trí để làm bãi rác ở khu vực xa hơn như huyện Đức Trọng, Lâm Hà để đảm bảo các yếu tố môi trường. Tương tự, TPHCM cũng đang đau đầu với tình trạng rác bốc mùi hôi, theo gió thổi vào các khu dân cư, gây bức xúc người dân.
Chưa rõ đến bao giờ các địa phương tìm được nơi phù hợp nhưng rõ ràng, chỉ loay hoay trong một địa phương, mọi việc sẽ rất khó. Do đó, việc các địa phương cùng hợp tác tìm nơi xử lý rác phù hợp với điều kiện tự nhiên cho cả vùng là nên làm, cần làm - nhiều chuyên gia đã khuyến cáo.
Xa vời khu xử lý rác cho cả vùng
Cách nay hơn 10 năm, trong quy hoạch phát triển của một số vùng kinh tế trọng điểm có đặt ra việc hình thành các khu liên hiệp xử lý rác chung cho cả vùng. Các khu này sẽ hoạt động như các khu công nghiệp nhưng tập trung cho công nghiệp xử lý rác hiện đại, thân thiện với môi trường. Việc hình thành các khu công nghiệp như vậy sẽ là cơ sở cho việc thu hút được những nhà đầu tư có năng lực, công nghệ cao. Thế nhưng, ước mơ này vẫn còn xa vời!
Tọa lạc tại xã Tân Lập (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), Khu Công nghệ môi trường xanh đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2008, với quy mô 1.760ha. Đây là dự án đậm tính liên kết vùng do Chính phủ quy hoạch, giải quyết vấn đề rác lâu dài cho cả TPHCM, Long An và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, gần 15 năm qua, dự án vẫn ngổn ngang.
Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, chia sẻ, năm 2010, Dự án Khu Công nghệ môi trường xanh được Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương chọn Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (nay là Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam - Long An) là nhà đầu tư theo đề nghị của UBND TPHCM và UBND tỉnh Long An. Nhà đầu tư được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2015 và đã được Sở KH-ĐT tỉnh Long An cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2016. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000, quy hoạch phân khu 1/2.000; đã được Bộ GTVT thỏa thuận đấu nối tạm thời đường nội bộ từ Khu Công nghệ môi trường xanh vào tuyến quốc lộ N2…
Theo ông Trương Văn Liếp, dự án hiện vẫn còn một số vướng mắc như nằm trong danh mục kêu gọi xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; có yếu tố nước ngoài… nên UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng cho phép dự án được hưởng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Nhưng qua các lần lấy ý kiến bộ ngành liên quan, hồ sơ bổ sung của UBND tỉnh, đến nay vẫn chưa được Thủ tướng chấp thuận cho hưởng các chính sách ưu đãi về xã hội hóa.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 tại Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 6-1-2015 của Thủ tướng, Khu Công nghệ môi trường xanh được quy hoạch là khu xử lý cấp vùng, có chức năng xử lý chất thải rắn công nghiệp, y tế, xây dựng và chất thải nguy hại cho các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh lân cận; xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh lân cận sau năm 2020. UBND TPHCM đã phối hợp với UBND tỉnh Long An thành lập Tổ Công tác phối hợp giữa hai địa phương để rà soát, xử lý các vấn đề liên quan của dự án…
Phân công cán bộ theo dõi sát xử lý rác thải
Tại Hội nghị quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2024 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh yêu cầu Sở TN-MT tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm lượng rác tồn; bằng mọi cách phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre, đưa Nhà máy điện rác Bến Tre (tên gọi mới của Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre) hoạt động vào năm 2026, để giải quyết cơ bản vấn đề rác thải của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre lưu ý, hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng quá tải, nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường trong mùa mưa là rất cao. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện xử lý, không để phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
TÍN HUY
Nhóm PV/sggp.org.vn