Thứ ba, 19/03/2024 18:41 (GMT+7)

Tìm mô hình mới cho khu công nghiệp - khu chế xuất

MTĐT -  Thứ bảy, 29/01/2022 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hoạt động sản xuất công nghiệp của TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, khi các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu dần lấp đầy diện tích đất cho thuê, còn các KCN mới chậm thành lập.

Tính đến nay, thành phố chỉ còn khoảng 300ha đất trong các KCN có thể cho thuê, khai thác.

Khó thu hút đầu tư do… thiếu đất

Tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), giai đoạn 2 đang có 200ha đất sạch, đã làm xong hạ tầng, nhưng hơn 5 năm nay bỏ trống không cho thuê được. Nguyên nhân là các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa xác định được giá tiền thuê đất của Nhà nước.

Doanh nghiệp (DN) xây dựng cơ sở hạ tầng ở KCN này sốt ruột vì bị chôn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thời gian càng kéo dài, lãi suất tiền vay sinh sôi, giá thành cho thuê chắc chắn sẽ tăng.

Còn tại KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), KCN cơ khí ô tô của Công ty CP Hòa Phú (thuộc Tập đoàn Samco) có đất sạch, nhưng đang vướng nhiều thủ tục về đất đai nên không triển khai xây dựng hạ tầng cho thuê được.

Trong giai đoạn 2, DN đã giải phóng mặt bằng hơn 98%, với gần 63ha và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan chức năng, nhưng khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở TN-MT thì cả năm nay không nhận được câu trả lời.

Đại diện Công ty CP Hòa Phú cho hay, đơn vị đã đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật Đất đai năm 2013, nên vào năm 2015 (giai đoạn 1) cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 32ha trong tổng số 99ha đất được quy hoạch. DN cũng đã cho thuê hết diện tích này, nhưng khi triển khai giai đoạn 2 lại gặp khó khăn.

Tìm mô hình mới cho khu công nghiệp - khu chế xuất
Một góc KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM)

Báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho thấy, từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của thành phố ngày càng hạn chế. Trong các KCN-KCX chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê, khai thác được.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các KCX-KCN trên địa bàn thành phố thu hút vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 600 triệu USD, tăng 9,23% so với kế hoạch đề ra, nhưng giảm hơn so với năm 2020 (760,05 triệu USD).

Bên cạnh đó, các khó khăn về quỹ đất chưa được tháo gỡ, khiến quỹ đất thu hút đầu tư vào KCN, KCX ngày càng thu hẹp. Vì những tồn tại này, Hepza đặt mục tiêu thu hút đầu tư trong năm 2022 chỉ đạt 500 triệu USD, thấp hơn 100 triệu USD so với kết quả thu hút được trong năm 2021.

Hướng tới KCN sinh thái

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM (HBA), nhận định, vướng mắc chủ yếu hiện nay ở các KCN-KCX đều liên quan đến thủ tục đất đai và định giá cho thuê.

Ở KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Tân Phú Trung còn nhiều thửa đất sạch nhưng không làm “sổ đỏ” được để cho thuê. Các DN này nộp hồ sơ ở Sở TN-MT TP.HCM nhiều tháng nhưng không nhận được câu trả lời…

Để cải thiện tình hình trên, lãnh đạo Hepza cho hay, sẽ tham mưu thành lập và từng bước đưa vào khai thác KCN Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) theo định hướng kỹ thuật cao.

Mặt khác, Hepza sẽ đôn đốc xây dựng 20.000m2 nhà xưởng cao tầng; thực hiện cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, ông Đào Xuân Đức, Phó Chủ tịch Thường trực HBA, cho biết, trong tương lai KCN sinh thái sẽ là một mô hình được đề xuất cho nhiều KCN hiện hữu của TP.HCM. Trước mắt sẽ triển khai thí điểm tại KCN Hiệp Phước và xây dựng một KCN mới theo tiêu chí KCN sinh thái.

Song, thách thức lớn đối với thành phố khi chuyển các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái là tốn kém chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, di dời các DN không đạt chuẩn về công nghệ và môi trường, chi phí DN nâng cấp công nghệ và thu hút dự án đầu tư theo tiêu chí mới.

Thêm nữa, mô hình KCN đô thị - dịch vụ được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP cũng cần được nghiên cứu và triển khai, với mục tiêu hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, gắn kết giữa phát triển KCN với quá trình đô thị hóa tại các địa phương; giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN; góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN…

Có thể thấy rằng, việc đầu tư KCX-KCN ở TP.HCM đang gặp khó vì diện tích đất hạn chế, chi phí sử dụng đất cao. Vì vậy, cần phải xác định một lộ trình thích hợp, để từng bước chuyển đổi các KCX-KCN hiện hữu theo các mô hình hiệu quả hơn.

Hepza sẽ thúc đẩy việc sớm thành lập và đưa vào khai thác KCN mới Phạm Văn Hai với 668ha, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung KCN vào quy hoạch phát triển KCN TPHCM. Hepza phối hợp UBND các quận huyện, các sở ngành đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, thủ tục pháp lý để triển khai các KCN đã thành lập mới và mở rộng, gồm: KCN Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng và các KCN trong danh mục quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3)…

Bạn đang đọc bài viết Tìm mô hình mới cho khu công nghiệp - khu chế xuất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Sài Gòn giải phóng

Cùng chuyên mục

Gỡ khó trong phát triển khu công nghiệp sinh thái
Theo giới chuyên gia, một số quy định pháp lý về chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện dự án. Do vậy, Nhà nước cần có hướng và cơ chế ưu đãi cụ thể hơn.

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.