Thứ tư, 24/04/2024 15:55 (GMT+7)

Tìm nước ở cao nguyên đá

MTĐT -  Chủ nhật, 12/03/2023 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Giang- 8 năm với 13 lỗ khoan, mỗi lỗ mất đến 2 tháng, những cán bộ điều tra tài nguyên đã tìm ra nguồn nước sạch cho bà con vùng cao nguyên đá Mèo Vạc.

Huyện Mèo Vạc nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, địa hình chủ yếu là núi đá vôi, độ dốc lớn. Mưa xuống, nước không thể giữ lại ở bề mặt. Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau), nước đặc biệt khan hiếm.

Người dân phải tích trữ nước mưa chảy từ mái tôn, mái lá; gùi từng can 10-20 lít từ sông Nho Quế rồi leo 500-700 m núi đá về nhà dùng. Nước nấu ăn phải mua 5.000 đồng cho mỗi can 5 lít. Khoản tiền này đôi khi bằng cả một ngày công đi nương, làm rẫy của đồng bào dân tộc Mông, Dao.

Thiếu nước sinh hoạt khiến đời sống người dân trở nên khó khăn. Ngành chăn nuôi, du lịch không phát triển dù Mèo Vạc nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Nhiều dự án khoan tìm nguồn nước của trung ương, của tỉnh Hà Giang được triển khai, nhưng không đạt hiệu quả. Năm 2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Trung tâm Điều tra và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thực hiện đề án điều tra đánh giá nước dưới đất ở huyện Mèo Vạc.

Trong ba năm, 6 lỗ khoan thăm dò được triển khai nhưng chỉ một lỗ ở xã Pả Vi có nước, mỗi ngày 314 m3, không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Năm 2008, cơ quan chức năng quyết định triển khai giai đoạn hai của đề án, tập trung vào thị trấn Mèo Vạc, nơi đông dân cư nhất huyện.

Các kỹ sư nghiên cứu báo cáo khảo sát địa hình, năm 2008. Ảnh: Nguyễn Văn Đản
Các kỹ sư nghiên cứu báo cáo khảo sát địa hình, năm 2008. Ảnh: Nguyễn Văn Đản

Ông Nguyễn Khắc Đôn, Trưởng phòng Kiểm định tài nguyên nước (Cục Tài nguyên nước) khi đó là cán bộ của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, nay là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, được phân công phụ trách dự án.

Nhận nhiệm vụ, ông Đôn cùng 8 cán bộ của liên đoàn khảo sát trong phạm vi 125 km2 ở thung lũng Mèo Vạc. Một lán trại được dựng lên ở trung tâm thị trấn để từ đây mỗi ngày ba tổ điều tra, mỗi tổ ba người đi vào rừng khảo sát.

Lúc bấy giờ, từ trung tâm thị trấn vào các xã toàn đường nhỏ, gồ ghề. Tuyến khảo sát không phải cung đường có sẵn mà phải mở lối đi mới. Từ sáng sớm, tổ điều tra xuất phát, mang theo la bàn, bản đồ, nước uống, cơm nắm. Họ vạch cây rừng, bám vách đá tai mèo nhọn hoắt mà đi.

Mùa đông xuân, sương mù dày đặc, việc đi lại trên những vách đá lởm chởm càng nguy hiểm. Ông Đôn kể có lần la bàn hư, không có sóng điện thoại, bản đồ không cập nhật vị trí khiến đoàn càng đi càng lạc sâu vào rừng. Trời tối, ai cũng lo lắng, nếu đêm ngủ lại giữa rừng thì sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm.

"Đi lạc hơn bốn tiếng, cả nhóm đã xác định phải ngủ lại ở rừng thì may mắn gặp bản của đồng bào dân tộc. Khi chúng tôi vào nói chuyện với người dân thì mới biết đã đi lạc cả chục cây số", ông Đôn nhớ lại.

Mục tiêu của đợt khảo sát là tìm các vị trí có hang caste, mạch nước ngầm để từ đó xác định dòng chảy. Sau hơn hai tháng, 7 vị trí dọc thung lũng dài gần 4 km, rộng hơn 200 m, được xác định có khả năng tìm thấy nước. Tuy nhiên, ông Đôn cùng nhiều chuyên gia ngành nước đánh giá khả năng khoan thấy nước không cao vì nhiều nỗ lực được triển khai trước đó đều bế tắc.

Tìm nước ở cao nguyên đá
TÌm nước ở cao nguyên đá. Video: Trung tâm Điều tra và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia

Nước dưới tầng đá

Đầu năm 2009, công tác khoan lấy mẫu kết hợp tìm nước được triển khai. Tổ 10 người cùng trang thiết bị của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 54 được điều từ Thái Nguyên lên Hà Giang thực hiện nhiệm vụ. Để tạo niềm tin, tổ chọn vị trí có khả năng tìm ra nước nhất ở xã Pả Vi để khoan.

Cách khu dân cư chỉ 100-200 m, nhưng tổ vẫn dựng lán cạnh vị trí khoan để vừa tiện sinh hoạt, vừa trông giữ tài sản và vừa có thể làm việc liên tục. Tổ khoan chọn ra một người phụ trách ăn uống, một kỹ sư chỉ đạo thi công, ghi chép số liệu báo cáo về đoàn mỗi ngày.

Nhóm thi công mỗi ngày chia làm hai ca, bắt đầu khoan từ tờ mờ sáng cho đến 22h. Các mũi khoan được triển khai chủ yếu vào mùa đông, nhiều khi rét 0 độ C. Công nhân chuẩn bị sẵn quần áo rét, nhưng vẫn phải đốt lửa cả ngày lẫn đêm để giữ ấm.

Ông Đôn chia sẻ, khác với tìm nước thông thường chỉ cần khoan thẳng tới vị trí có nước, công việc khoan lấy mẫu phức tạp hơn rất nhiều vì cứ 1-2 m phải rút mũi khoan lên để thu mẫu về phục vụ nghiên cứu. Một vấn đề lớn nữa là khoan hàng trăm mét trong điều kiện không gặp nước, mũi khoan nóng ran, đất không thể đùn lên. Tổ công tác phải mua nước đổ xuống làm mát mũi khoan, nhão bùn. "Do vận chuyển nước vất vả, anh em quý nước như vàng", ông Đôn kể.

Mũi đầu tiên khoan trong hơn 2 tháng, khi tới độ sâu hơn 100 m thì thấy nước. Cả đoàn mừng rỡ đến "quên ăn, quên ngủ" vì đã đạt kết quả sau nhiều hoài nghi. Từ vị trí thấy nước, tổ công tác tiếp tục khoan thêm cả trăm mét để có đủ dữ liệu đánh giá về tiềm năng nước.

Mũi khoan ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Cục Quản lý tài nguyên nước
Mũi khoan ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Cục Quản lý tài nguyên nước

6 điểm khoan còn lại được triển khai trong giai đoạn 2010-2012, trong đó năm 2012 khoan được ba mũi. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã huy động tổng lực hơn 30 người cùng máy móc hiện đại nhất từ các đoàn cơ sở ở Hưng Yên, Nam Định để làm nhiệm vụ.

Ông Đôn kể khi khoan mũi thứ 5 tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, máy móc liên tục gặp sự cố do khoan phải hang caste. Nếu không có biện pháp khắc phục, hang có thể đổ sập, mọi nỗ lực sẽ trở về con số không. Ông Đôn nhiều lần phải về Hưng Yên, chở từng xe đất sét lên để nhồi vào các vị trí có nguy cơ sập.

Kết quả 5 trong 7 mũi khoan thấy nước, trong đó có 3 lỗ khoan có lượng nước nhiều, 2 lỗ khoan ít nước. Tổng số lưu lượng thực bơm mỗi ngày đạt hơn 1.110 m3, khi mở rộng đường kính lỗ khoan đạt khoảng 2.000 m3, chất lượng nước tốt, có thể phục vụ sinh hoạt cho khoảng 10.000 người.

Tin Mèo Vạc khoan được nước lan truyền từ cộng đồng dân tộc thiểu số tới các cơ quan ở trung ương. Ông Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn trưởng Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc, nhớ mãi hình ảnh hàng trăm người dân từ các bản cách trạm bơm vài km mang chai nước, quần áo đến xếp hàng để lấy nước sinh hoạt, giặt giũ. Cố Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đến tận nơi uống thử nguồn nước vừa tìm thấy.

Ông Thào Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, cho biết trước năm 2020, hai mũi khoan ở xã đã cung cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống của người dân trong xã. Nhiều hộ dân đã sử dụng nguồn nước để mở homestay phục vụ khách du lịch, đời sống kinh tế được nâng cao.

Từ năm 2020, hai điểm khoan này tạm dừng hoạt động do bị vôi hóa. "Đoàn của Trung ương và huyện vừa khảo sát để sửa lại hai điểm khoan này, sau đó sẽ bàn giao cho xã quản lý, khai thác, hòa vào đường nước chung của xã", ông Sơn nói.

Đầu tháng 3/2023, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Điều tra và Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, những cán bộ như ông Đôn, ông Đản có dịp hội ngộ. Họ ôn lại kỷ niệm đi khoan tìm nước, tự hào khi đề án điều tra nước tại Mèo Vạc là một trong 7 thành tích tiêu biểu của trung tâm.

Bạn đang đọc bài viết Tìm nước ở cao nguyên đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Gia Chính/vnexpress.net

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.