Thứ năm, 25/04/2024 00:16 (GMT+7)

Tìm “trụ đỡ” cho người nghèo sau đại dịch

MTĐT -  Thứ năm, 19/08/2021 11:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làm gì cho người nghèo trong bối cảnh sắp tới đúng là băn khoăn của nhiều chuyên gia công tác xã hội, vì cách làm lâu nay của chúng ta đang hướng đến thiện nguyện, ít đầu tư vào năng lực và phát triển

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến do Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) tổ chức ngày 22.7 với chủ đề “Tác động COVID-19 đến người hưởng lợi của các tổ chức xã hội trong mạng lưới SNPO”, các chuyên gia xã hội đánh giá tình hình người nghèo tại TP.HCM sẽ rất nghiêm trọng, dù các tổ chức tham gia chỉ nói về những cộng đồng như: người khuyết tật, trẻ em và gia đình, lao động tự do và trong nhà máy, và cả nông dân miền Tây.

Đánh giá tình hình chung cho thấy người nghèo đã gần như chi tiêu toàn bộ tài sản của mình sau 4 đợt bùng phát dịch COVID-19 từ năm 2020, nên khi đối mặt với đợt giãn cách dài từ 31.5.2021 đến nay, họ có nguy cơ không thể hồi phục nếu không được trợ giúp cả ngắn hạn và dài hạn. 

Đặc điểm của người nghèo ở TP.HCM không khác gì những thành phố thuộc các nước đang phát triển và điều này đã được minh chứng trong cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo (Nobel Kinh tế 2019 với hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo, NXB Trẻ ấn hành), họ làm bữa nào ăn bữa nấy để nuôi gia đình, họ có cách nghĩ tiết kiệm, kinh doanh rất khác người khá giả, và họ phải dành dụm gửi về quê phụ giúp cha mẹ, ông bà và họ hàng. Hành động này đã đẩy họ đến hoàn cảnh không còn gì khi giãn cách xã hội diễn ra liên tiếp 4 đợt tại TP.HCM, do không dành dụm tiết kiệm từ trước, họ trở nên kiệt quệ.

Thất nghiệp vì làn sóng dịch bệnh lần 4, nhiều công nhân đi bộ xuyên đêm từ Bình Định về Quảng Ngãi. Ảnh: TL

Rất nhiều người nghèo, bao gồm cả người khuyết tật nhẹ, trẻ em và gia đình di cư, lao động tự do không được nằm trong đối tượng hưởng chính sách xã hội từ trước đến nay, vì hoàn cảnh di cư của họ rất khó để tiếp cận chính sách tại TP.HCM, nơi họ chỉ sống tạm để làm việc nuôi thân mình cùng cuộc sống, chính đặc điểm này sẽ làm cho họ “gục ngã” trong thời gian tới vì tiếp tục không có việc làm.

Làm gì cho người nghèo trong bối cảnh sắp tới đúng là băn khoăn của nhiều chuyên gia công tác xã hội, vì cách làm lâu nay của chúng ta đang hướng đến thiện nguyện, ít đầu tư vào năng lực và phát triển con người. Do vậy, các hoạt động, chương trình phần lớn đều là từ thiện cũng như ngắn hạn, mặc dù từ thiện rất hiệu quả trong việc giải cứu tức thời cũng như xóa đói, nhưng không giải quyết căn cơ của việc giảm nghèo cũng như cải thiện cuộc sống của họ nhằm đạt được đích đến là thoát nghèo.

Hiện nay, 887 tỷ đồng từ gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ đã làm hiệu quả tại TP.HCM, với 212.000 lao động được nhận, thủ tục đơn giản hơn năm trước rất nhiều, cùng với mở rộng thêm 10 nhóm lao động tự do, việc này được cộng đồng công tác xã hội và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, đây chỉ là một liều thuốc giảm đau để người nghèo có thể vượt qua tình cảnh ngắn ngủi. Tập trung nguồn lực để hồi phục là một giải pháp lâu dài hơn, việc này cần sự tham gia của nhiều bên với nhiều nguồn lực và cả chuyên môn, trong đó phải kể đến sự tham gia của Chính phủ, các tổ chức xã hội chuyên nghiệp và chính người nghèo (chủ thể của vấn đề).

Đầu tiên, Chính phủ phải xem việc hỗ trợ người nghèo là đầu tư dài hạn, họ là căn nguyên của vấn đề, cũng là người dân đóng góp các loại thuế, do đó họ phải được xem trọng và hỗ trợ này là một sự đầu tư. Nhìn nhận như vậy sẽ giúp Chính phủ thấy được bối cảnh rộng hơn của cái nghèo và người nghèo, từ đó sẽ có quyết sách phù hợp, chiến lược và thích ứng với nhiều cộng đồng người nghèo.

Thứ hai, quan trọng không kém, chính là tổ chức xã hội với các thực hành công tác xã hội và phát triển cộng đồng sẽ là cánh tay nối dài của Chính phủ trong việc thực thi các mô hình toàn diện, đặt người nghèo vào trung tâm vấn đề, từ đó giải quyết các căn cơ, gốc rễ một cách dài hạn theo phương pháp khoa học đã được chứng minh trên thế giới. Việc này đã được Chính phủ xem trọng khi ra Quyết định 112 về chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Các tổ chức chuyên nghiệp này sẽ là trung gian kết nối các nguồn lực cộng đồng bao gồm tình nguyện viên, chuyên gia, lương thực thực phẩm, ngân sách trong và ngoài nước… để cùng Chính phủ giải quyết gốc rễ vấn đề.

Thứ ba, người nghèo có rất nhiều thành phần như lao động tự do, người khuyết tật nhiều dạng, trẻ em… và gia đình di cư cùng mối quan hệ phức tạp giữa thành thị và nông thôn. Đơn cử cặp vợ chồng bán vé số ở TP.HCM thì con phải gửi cha mẹ ở quê làm chủ yếu nông nghiệp sống qua ngày, nếu họ mất việc thì liên đới cả cha mẹ, con của họ sẽ thiếu ăn ngay. Vấn đề này chỉ giải quyết được khi có sự tham gia của chính người nghèo, trọng tâm giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ nguồn lực, năng lực của Chính phủ và cả tổ chức xã hội.

Cuối cùng, dài lâu và bền vững vẫn là mọi người dân, bao gồm người nghèo, cần được hưởng an sinh xã hội cơ bản để có thể sống và làm việc tại đất nước mình. Thực thi chiến lược này cần nhiều sự trao đổi, tham vấn và phản biện của các bên như doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng như tiếng nói của người dân. Lúc này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thu nạp các giải pháp toàn diện, cũng như mở rộng được các mô hình đặc thù nhằm giải quyết gốc của vấn đề.

Đây chính là “trụ đỡ” quan trọng bậc nhất của tương lai đất nước. 

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Tìm “trụ đỡ” cho người nghèo sau đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành