Thứ năm, 28/03/2024 20:07 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 16/4: Kè 80 tỷ đồng mới vận hành đã tan nát

MTĐT -  Thứ hai, 16/04/2018 17:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kè 80 tỷ đồng mới vận hành đã tan nát, thu phí sử dụng tạm lòng đường các điểm trông giữ xe Iparking… là một số tin đô thị trong ngày.

Thu phí sử dụng tạm lòng đường các điểm trông giữ xe Iparking

Theo báo Giao thông đưa tin, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các điểm ứng dụng công nghệ dừng đỗ xe thông minh theo hình thức Iparking.

Hiện Sở GTVT Hà Nội và UBND các quận đã cấp phép 33 điểm trông giữ xe đã được cấp phép sử dụng theo hình thức ứng dụng công nghệ Iparking. Trong số này có 17 điểm do Sở GTVT cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường hè phố trong 5 năm tại hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. 16 điểm còn lại do UBND các quận cấp phép tại các phố: Phùng Hưng, Quán Sứ, Trần Quang Khải, Phủ Doãn, Trần Khánh Dư - UBND quận Hoàn Kiếm; Đào Tấn, La Thành, Huỳnh Thúc Kháng - UBND quận Ba Đình; Nguyễn Đình Chiểu, Võ Thị Sáu - UBND quận Hai Bà Trưng; hồ Ba Mẫu - UBND quận Đống Đa.

Từ 1/1, với các điểm ứng dụng trông giữ xe theo hình thức Iparking vẫn còn tình trạng thu tiền mặt đối với khách hàng không sử dụng mạng Viettel và không có tài khoản ngân hàng, UBND thành phố đã có văn bản số 1238 về việc bổ sung hình thức thanh toán tạm thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khi Công ty cổ phần Đầu tư CIS chưa ký hợp đồng thanh toán trực tuyến giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua tin nhắn SMS với các nhà mạng di động ngoài Viettel.

Lấy ý kiến thiết kế mở rộng trụ sở UBND TP. HCM

Theo báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, sáng nay 16/4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức khai mạc buổi triển lãm nhằm lấy ý kiến người dân về phương án thiết kế công trình mở rộng trụ sở HĐND và UBND TP.

Tại buổi khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, cho biết phương án được đưa ra để triển lãm là một trong ba phương án do Công ty Tư vấn kiến trúc Gensler (Mỹ) thiết kế và được hội đồng tuyển chọn của TP.HCM tuyển chọn.

“Mục tiêu thiết kế của công trình là phải hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, vừa bảo tồn phần di tích, giải quyết chỗ làm việc của các sở ngành, vừa đáp ứng được kỳ vọng của người dân” - ông Toàn cho hay.

Ông cho biết việc triển lãm lấy ý kiến người dân cũng là cơ hội để Sở Quy hoạch-Kiến trúc tiếp nhận được nhiều góp ý của người dân, các sở ngành, tổ chức về phương án mở rộng trụ sở HĐND TP và UBND TP. “Rất mong muốn người dân, các tổ chức, sở ngành, đoàn thể tích cực đóng góp để hoàn thiện, bổ sung cho phương án sau đó trình TP phê duyệt” - ông bày tỏ.

Đường sắt đề xuất tách vận tải hàng hóa và hành khách

Theo đề án mới, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất thành lập riêng các công ty vận tải hành khách tách biệt với công ty vận tải hàng hóa để tăng năng lực vận tải, giảm vốn Nhà nước chi phối.

Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đang trình Bộ GTVT đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2017-2020, trọng tâm là sắp xếp lại các đơn vị vận tải với mục đích tăng năng lực vận tải, tăng thị phần đường sắt.

Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề này vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, quan điểm nhất quán là phải tách vận tải hàng hóa ra khỏi vận tải hành khách để chuyên môn hóa. Tuy nhiên, phải tính toán chọn phương án tối ưu để ít xáo trộn nhất, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Tại báo cáo điều chỉnh đề án mới nhất, VNR đề xuất phương án tổ chức hợp nhất hai công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành một công ty CP vận tải đường sắt. Sau đó, từ công ty hợp nhất, sẽ thực hiện phân chia, bóc tách tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con CP chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt và thực hiện kêu gọi vốn góp xã hội hóa. Còn với công ty hợp nhất sẽ chuyên về vận tải hành khách và có lộ trình thoái tỷ lệ vốn góp của VNR (vốn Nhà nước) xuống còn 51%.

Kè 80 tỉ đồng mới vận hành đã tan nát

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM cho biết, tỉnh đang chờ kết luận của đơn vị tư vấn để xác định nguyên nhân hư hỏng công trình hệ thống đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan ở ven biển hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Hiện Viện Kỹ thuật thuộc Trường ĐH Thủy lợi đang khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân hư hỏng công trình trên. Dự kiến cuối tháng 4 đơn vị tư vấn này sẽ báo cáo kết quả, đề xuất phương án sửa chữa.

Thời gian qua, công trình trên liên tục hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng. Theo ghi nhận của PV, rất nhiều đoạn bê tông cốt thép của hệ thống đê biển này đã bị đổ sụp, tan hoang. Nhiều vị trí bị gãy đổ, sắt thép lòi ra ngổn ngang. Nhiều đoạn khác đã bị cuốn mất khiến sóng biển xâm thực sâu vào thân đê bằng đất cát, gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ngay cả những đoạn kè còn lại cũng đầy vết nứt, xiêu vẹo, có nguy cơ bị sập đổ, cuốn ra biển bất cứ lúc nào…

Đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan do UBND huyện này làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tân Lập (huyện Hoài Ân) thi công, có tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỉ đồng.

Dự án này nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản hàng ngàn gia đình hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam. Công trình được hoàn thành vào tháng 9-2016 sau hơn một năm thi công.

Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng vận hành, hệ thống kè đã liên tục hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho rằng do mưa lũ kéo dài, nước biển dâng cao bất thường, sóng lớn tác động liên tục vào toàn bộ kết cấu kè gây mất ổn định, dẫn tới hư hỏng…

Lãng phí không gian ngầm

Theo TS Nguyễn Khánh Lân, quy hoạch và phát triển không gian ngầm là tất yếu trong phát triển đô thị. Tại các đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm 20 - 25% tổng số lượng các dạng công trình. Để sử dụng không gian ngầm hiệu quả, quy hoạch cần kết nối các công trình ngầm với nhau, tạo ra nhiều tầng nấc không gian sử dụng với nhiều chức năng khác nhau.

Tuy nhiên, quy hoạch không gian ngầm tại TP. HCM sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi tình trạng các tòa cao ốc xen kẽ các công trình thấp tầng, móng nông dày đặc. Việc thiếu hiểu biết về địa chất kỹ thuật tại khu vực xây dựng cũng gây hậu quả đáng tiếc. Như sự cố sụt lún hầm chui cầu Văn Thánh 2 (năm 2002); sập dãy nhà của Viện Khoa học xã hội - nhân văn khi xây dựng tòa nhà Pacific năm 2007...

Chuyên gia Phan Hữu Duy Quốc cũng nêu thực trạng, hiện làm công trình hầu như không thể biết trong lòng đất có cái gì. Khi thi công, đào đụng cáp cũng không biết của ai để liên lạc. Có trường hợp đăng báo cả tuần cũng không tìm ra chủ, nhưng cắt là sinh chuyện.

Trên thực tế, diện tích không gian ngầm bên dưới lòng đất gần như bỏ trống. Ngay tại khu vực trung tâm TP, các tòa nhà chỉ làm tầng hầm để phục vụ chính dự án đó mà chưa có sự kết nối, liên kết với các dự án khác để sử dụng hiệu quả. Trong khi ở các nước, không gian ngầm được khai thác tối đa để xây dựng trung tâm thương mại, tàu điện ngầm... Việc khai thác triệt để không gian ngầm giúp hạn chế tình trạng người người, nhà nhà lên mặt đường mua bán, sinh hoạt… Đáng tiếc là các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đều chưa đề cập đến nội dung quy hoạch ngầm.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 16/4: Kè 80 tỷ đồng mới vận hành đã tan nát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.